Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Quốc phòng

Mỹ dùng vũ khí siêu bí mật tấn công ISIS-K

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Mỹ đã sử dụng "bom ninja" để tiêu diệt hai thủ lĩnh của chi nhánh ISIS-K thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
 

Báo The Telegraph ngày 29-8 cho biết Mỹ đã sử dụng vũ khí siêu bí mật - tên lửa R9X Hellfire (còn gọi là bom ninja) - để giết hai kẻ phụ trách lập kế hoạch của ISIS-K. Lầu Năm Góc xác nhận vụ tấn công nhằm trả đũa vụ đánh bom liều chết do ISIS-K thực hiện ở sân bay thủ đô Kabul - Afghanistan khiến ít nhất 13 nhân viên quân sự Mỹ thiệt mạng.

Danh tính hai thủ lĩnh ISIS-K bị giết không được tiết lộ. Lầu Năm Góc chỉ thông báo ngoài hai kẻ thiệt mạng này còn có một người khác bị thương.

Quân đội Mỹ gần như không công khai bất kỳ thông tin nào về tên lửa R9X Hellfire. Nó dùng các lưỡi dao sắc lạnh cắt nát tất cả mọi thứ trên đường đi thay vì sử dụng đầu đạn nổ, đồng thời được cho là "bách phát bách trúng".

 

Chiếc xe bị UAV Mỹ phá huỷ được cho là chở những kẻ đánh bom liều chết tới sân bay thủ đô Kabul ngày 29-8. Ảnh: AP
Chiếc xe bị UAV Mỹ phá huỷ được cho là chở những kẻ đánh bom liều chết tới sân bay thủ đô Kabul ngày 29-8. Ảnh: AP

Các nhà phân tích quốc phòng tin rằng tên lửa R9X Hellfire được phát triển sau khi Tổng thống Mỹ khi đó là Barack Obama yêu cầu các quan chức quân sự tìm cách giảm thiểu thiệt hại về phía dân thường khi tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) năm 2010.

 

Bom ninja có 6 lưỡi dao, có hệ thống tìm kiếm mục tiêu nhưng không có thuốc nổ ở đầu, tránh gây thương vong không mong muốn Ảnh: Quân đội Mỹ
Bom ninja có 6 lưỡi dao, có hệ thống tìm kiếm mục tiêu nhưng không có thuốc nổ ở đầu, tránh gây thương vong không mong muốn. Ảnh: Quân đội Mỹ


Nhìn bên ngoài, R9X Hellfire không khác gì tên lửa Hellfire tiêu chuẩn vốn được quân đội Mỹ sử dụng để tiêu diệt "các mục tiêu giá trị cao". Ở bên trong, R9X Hellfire sở hữu 6 lưỡi dao thay vì đầu đạn nổ 8 kg.

Một nghiên cứu của tổ chức tình báo Bellingcat cho thấy Mỹ đã sử dụng R9X Hellfire ở Syria, Afghanistan, Somalia và Yemen kể từ năm 2017.

Bất chấp việc Washington tìm cách giảm thiểu thiệt hại về phía dân thường, trong vụ không kích một chiếc xe bom tại khu vực dân cư ở thủ đô Kabul ngày 29-8, một nhân chứng nói với đài CNN rằng "9 dân thường từ một gia đình, bao gồm 6 trẻ em, đã thiệt mạng". Mỹ sau đó tuyên bố sẽ mở cuộc điều tra.

Phát ngôn viên quân đội Mỹ Bill Urban cho biết: "Cuộc không kích nhằm mục đích tự vệ. Chúng tôi tin đã tiêu diệt được mục tiêu. Những vụ nổ thứ cấp từ chiếc xe cho thấy sự hiện diện của một lượng lớn vật liệu nổ".

Một phát ngôn viên của Taliban cho hay phong trào này lên án vụ tấn công là một "sự vi phạm chủ quyền của Afghanistan".

Đây là cuộc không kích thứ hai của Mỹ nhằm vào ISIS-K kể từ vụ tấn công liều chết bên ngoài cổng Abbey của sân bay thủ đô Kabul giữa tuần trước.

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Đệ nhất phu nhân Jill Biden đã tham dự một buổi lễ dành cho các quân nhân thiệt mạng trong vụ tấn công liều chết nói trên tại căn cứ Dover ở bang Delaware ngày 29-8. Ông chủ Nhà Trắng có mặt tại lễ tiếp nhận thi thể của 13 nhân viên quân sự bị giết tại cổng Abbey. Vụ tấn công cũng cướp đi sinh mạng của ít nhất 169 công dân Afghanistan.

Theo Phạm Nghĩa (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm