Một thành viên của Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC) yêu cầu cơ quan giải quyết những lỗ hổng trong lệnh cấm đối với các công ty Trung Quốc như Huawei, ZTE.
Về lý thuyết, các nhà mạng Mỹ vẫn có thể mua thiết bị của Huawei bằng nguồn vốn tư nhân ẢNH: REUTERS |
Trước đây, FCC thông qua luật cấm các nhà cung cấp viễn thông ở Mỹ dùng nguồn vốn 8,3 tỉ USD hỗ trợ từ chính phủ để mua thiết bị của Huawei và ZTE, nhưng họ vẫn có thể mua bằng nguồn vốn tư nhân.
Theo SCMP, hôm 30.3, Brendan Carr - thành viên của Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC) gọi đây là "một lỗ hổng" trong lệnh cấm. Người này cho rằng: "Thật vô nghĩa nếu vẫn cho phép mua bán thiết bị tương tự và đưa nó vào mạng viễn thông của chúng ta, chỉ cần không dùng tiền của liên bang".
Phía Huawei cho rằng việc FCC mở rộng quy trình đánh giá và phê duyệt đối với thiết bị của Trung Quốc là một bước đi sai lầm, phân biệt đối xử, chỉ gây thiệt hại cho các công ty Mỹ và trên hết cũng "không có ích gì cho việc bảo vệ mạng lưới viễn thông và chuỗi cung ứng của Mỹ".
Brendan Carr cũng yêu cầu FCC cần làm nhiều hơn nữa để giải quyết vấn đề ở Tân Cương. Ông muốn cập nhật các quy tắc của FCC, yêu cầu các công ty mua thiết bị hoặc linh kiện từ Tân Cương "phải chịu trách nhiệm lớn hơn để đảm bảo chuỗi cung ứng của họ không dựa vào cưỡng bức lao động".
Phát ngôn viên của FCC cho biết cơ quan đang từng bước giải quyết những vấn đề ủy viên Brendan Carr đặt ra.
Đầu tháng 3, FCC chỉ định 5 công ty Trung Quốc là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia theo luật bảo vệ các mạng truyền thông Mỹ. Những công ty này bao gồm Huawei, ZTE, Hytera Communications Corp, Hangzhou Hikvision Digital Technology Co và Zhejiang Dahua Technology Co.
Tháng 12 năm ngoái, FCC hoàn thành quy định yêu cầu các nhà mạng dùng thiết bị của Huawei và ZTE phải tháo bỏ và thay thế bằng thiết bị của hãng khác. Các nhà lập pháp Mỹ đồng ý phê duyệt khoản tài trợ 1,9 tỉ USD cho nhà mạng thực hiện việc này.
Theo Mai Anh (TNO)