Chiều 16-12, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã có cuộc hội đàm với Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh.
Ngoại trưởng John Kerry tặng Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh bức ảnh chụp hai người tại một buổi họp song phương ở Mỹ. |
Tại cuộc họp báo sau đó, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết hai bên đã trao đổi nhiều biện pháp để tiếp tục triển khai quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước, nhất trí tăng cường trao đổi đoàn các cấp, tiếp tục duy trì các cơ chế đối thoại hiện có và đẩy mạnh hơn nữa hợp tác về kinh tế, thương mại, đầu tư. Ông Phạm Bình Minh nói: “Ngoại trưởng John Kerry và tôi nhất trí hai nước cần tăng cường hơn nữa trong các lĩnh vực hợp tác khoa học công nghệ, trong đó có việc sớm chính thức ký hiệp định hợp tác trong lĩnh vực hạt nhân dân sự... Chúng tôi cũng nhất trí hai bên sẽ tiếp tục đối thoại thẳng thắn, tích cực, xây dựng về những vấn đề trong quan điểm còn khác nhau, trong đó có vấn đề quyền con người”.
Về vấn đề biển Đông, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh và Ngoại trưởng John Kerry đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo hòa bình, ổn định, đảm bảo an ninh an toàn hàng hải. Đồng thời chia sẻ quan điểm rằng những tranh chấp chủ quyền ở biển Đông cần được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là công ước Luật biển năm 1982. Các bên liên quan cần nghiêm túc thực hiện Tuyên bố ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC), sớm tiến tới xây dựng Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc.
Phát biểu sau đó, Ngoại trưởng John Kerry đã nhấn mạnh chiến lược tái cân bằng của Mỹ hướng về châu Á-Thái Bình Dương như là một ưu tiên hàng đầu của Tổng thống Obama. Ông John Kerry đề cập bốn lĩnh vực cụ thể đang được thúc đẩy đi vào chiều sâu trong quan hệ song phương. Trước hết là giáo dục, trong đó có mục tiêu sớm thành lập một đại học Fulbright tại Việt Nam trong tương lai gần. Tiếp theo là thúc đẩy hợp tác thương mại. “Chúng tôi đang làm việc chặt chẽ với Việt Nam và các đối tác trong khu vực để hoàn tất đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) trong thời gian sớm nhất”-ông John Kerry nói.
Ngoại trưởng Mỹ cũng nhấn mạnh đến việc hợp tác giữa hai bên trong lĩnh vực môi trường, biến đổi khí hậu. Và cuối cùng là vấn đề tăng cường an ninh khu vực, bao gồm việc mở rộng hợp tác về hỗ trợ nhân đạo, tìm kiếm và cứu hộ... Tại cuộc họp báo, Ngoại trưởng Kerry đã thông báo về một gói tài trợ của Mỹ trị giá 32,5 triệu USD cho các quốc gia ở Đông Nam Á, gói tài trợ này sẽ bao gồm đào tạo và mua tàu tuần tra cao tốc cho các lực lượng cảnh sát biển. Theo Reuters, trong đó Việt Nam sẽ được tài trợ mua năm tàu tuần tra.
Đề cập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) mà Trung Quốc đưa ra vừa qua, Ngoại trưởng John Kerry cho biết: “Đây là một quan ngại mà chúng tôi đã nói rất thẳng thắn và trực tiếp với Trung Quốc rằng vùng này không nên được xác lập và Trung Quốc không nên có những hành động đơn phương tương tự ở những khu vực khác và đặc biệt ở biển Đông”.
Trong chiều 16-12, tại trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tiếp Ngoại trưởng Mỹ John Kerry.
Cùng ngày tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp Ngoại trưởng Mỹ John Kerry. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đánh giá kết quả hội đàm giữa Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh với Ngoại trưởng John Kerry; cho rằng kết quả chuyến thăm sẽ là đóng góp tích cực thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước.
* Cùng ngày, tại Hà Nội, bản ghi nhớ đầu tiên về hợp tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh đã được đại diện Chính phủ Việt Nam và Mỹ ký kết. Ông Bùi Hồng Lĩnh-Phó Trưởng ban Chỉ đạo nhà nước về Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh (BCĐ 504), cho biết bản ghi nhớ sẽ là cơ sở để hai bên tăng cường hợp tác nhân đạo giữa các bên nhằm khắc phục hậu quả bom mìn thông qua trao đổi đoàn, tài liệu, tổ chức các hoạt động đào tạo chung, nâng cấp trang-thiết bị và công nghệ, hỗ trợ tài chính và kêu gọi sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế.
Theo Tuoitre