Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Quốc phòng

Mỹ - Úc liên thủ đối phó Trung Quốc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Cuộc tham vấn ngoại giao - quốc phòng thường niên giữa Mỹ và Úc năm nay có vai trò quan trọng khi hai bên đang tìm hướng phối hợp đối phó Trung Quốc.

Tàu hộ tống Úc HMAS Parramatta (bìa trái) cùng các tàu Mỹ ở Biển Đông ngày 18.4 - Ảnh: DVIDS



AFP hôm qua 28.7 đưa tin Mỹ và Úc bắt đầu cuộc đối thoại cấp cao thường niên, dự kiến tìm tiếng nói chung trong việc đối phó Trung Quốc. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper đã chào đón những người đồng cấp Úc Marise Payne và Linda Reynolds tại Washington D.C, bắt đầu cuộc đối thoại kéo dài 2 ngày, với nội dung chính dự kiến xoay quanh Trung Quốc và tình hình an ninh Biển Đông.

Đối phó Trung Quốc

 

Gặp trực tiếp thời Covid-19

Theo Đài SBS, Ngoại trưởng Marise Payne và Bộ trưởng Quốc phòng Linda Reynolds của Úc đeo khẩu trang khi bước ra khỏi chiếc máy bay hạ cánh ở Washington D.C để bắt đầu chuyến công du. Giới chức Úc cho biết cuộc đối thoại quan trọng đến mức phái đoàn nước này quyết định tới Mỹ gặp trực tiếp, dù đang trong đại dịch Covid-19. “Chuyến thăm này thể hiện tầm quan trọng của liên minh bền vững giữa chúng tôi”, bà Reynolds viết trên Twitter. Dự kiến phái đoàn Úc gồm 2 bộ trưởng Úc và 7 thành viên sẽ phải cách ly 14 ngày khi về nước.

Sự kiện trên diễn ra trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang căng thẳng với Trung Quốc về nhiều vấn đề từ thương mại, đại dịch Covid-19 đến an ninh, trong đó nổi bật là tình hình Biển Đông.

Trong các động thái gần đây, Ngoại trưởng Pompeo hôm 14.7 đưa ra quan điểm chính thức của chính phủ Mỹ là bác bỏ yêu sách chủ quyền phi pháp "đường lưỡi bò" của Trung Quốc ở Biển Đông. Tiếp sau đó, phái đoàn thường trực Úc tại LHQ ngày 23.7 gửi công hàm lên Tổng thư ký LHQ cũng có nội dung nêu rõ chính phủ Úc bác bỏ mọi yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông vì không phù hợp với Công ước LHQ về luật Biển năm 1982 (UNCLOS).

Theo Đại sứ Mỹ tại Úc Arthur B.Culvahouse Jr., Úc và Mỹ có cùng quan điểm về khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Đài SBS dẫn lời chuyên gia Hervé Lemahieu tại Viện Lowy (Úc) cho rằng Úc biết trước về những ảnh hưởng đối với ngoại giao với Trung Quốc liên quan vấn đề Biển Đông. “Đây là một bước mới của Úc liên quan tranh cãi ngoại giao về Biển Đông, nhưng cũng nhằm thể hiện sự kiên định theo luật pháp quốc tế và luật biển”, ông nhận định.

Phó chủ tịch Công đảng Úc Richard Marles nhấn mạnh 60% thương mại hàng hải của Úc đi qua Biển Đông nên vấn đề tự do hàng hải ở vùng biển này rất trọng yếu. “Chúng tôi có lợi ích cốt lõi của quốc gia liên quan việc lưu thông ở Biển Đông. Không có vùng biển nào quan trọng hơn đối với Úc như vùng biển này”, Đài ABC dẫn lời ông nhấn mạnh.

 

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (phải) gặp người đồng cấp Úc Marise Payne tại Washington D.C - Ảnh: AFP


Tuần tra Biển Đông

Trong bối cảnh Mỹ và Úc có nhiều động thái liên quan Biển Đông, một quan chức cấp cao Mỹ công khai bày tỏ muốn Úc tăng cường các chiến dịch tuần tra tự do hàng hải ở vùng biển này, tương tự Mỹ.

 

Trung Quốc ăn miếng trả miếng với Anh, Canada, Úc

Trung Quốc ngày 28.7 thông báo Hồng Kông sẽ ngừng hiệp ước dẫn độ và hỗ trợ pháp lý với Anh, Canada và Úc. Đây là đòn đáp trả của Trung Quốc đối với việc 3 nước này ngừng hiệp ước dẫn độ với Hồng Kông sau khi luật an ninh quốc gia được áp dụng tại đặc khu.

Sáng qua, New Zealand cũng thông báo biện pháp tương tự, đồng thời siết quy định xuất khẩu công nghệ và hàng hóa có thể dùng trong quân sự cho Hồng Kông. New Zealand còn cập nhật cảnh báo công dân nước này về nguy cơ bị bắt giữ tại Hồng Kông và dẫn độ sang đại lục xét xử theo luật an ninh quốc gia. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cùng ngày chỉ trích “sai lầm” của 4 nước nói trên. Tuy Trung Quốc không ngừng thỏa thuận dẫn độ với New Zealand nhưng ông Uông tuyên bố Bắc Kinh có quyền phản ứng thêm.

Vi Trân



Theo tờ The Sydney Morning Herald, nhiều chiến lược gia kêu gọi các lực lượng của Nhật Bản và Ấn Độ tham gia cùng Mỹ và Úc trong tập trận chung ở Biển Đông nhằm kiềm chế tham vọng về yêu sách chủ quyền phi pháp của Trung Quốc.

Chuyên gia Michael Shobridge tại Viện Chính sách chiến lược Úc cho rằng Úc nên tham gia các chiến dịch tự do hàng hải chung với Mỹ để thách thức yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông. Theo ông, việc chần chừ có thể tạo điều kiện cho Trung Quốc tiếp tục các hành vi phi pháp và hung hăng ở vùng biển này.

Trên thực tế, nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan của Mỹ vừa kết thúc cuộc tập trận ở biển Philippines với các lực lượng từ Nhật Bản và Úc vào ngày 23.7. Song song đó, Ấn Độ liên tục đẩy mạnh phát triển mối quan hệ đối tác chiến lược với các nước còn lại trong “tứ giác kim cương” là Mỹ, Úc và Nhật Bản nhằm kiềm chế Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Theo KHÁNH AN (thanhnien)

Có thể bạn quan tâm