Điểm đến Gia Lai

Năm 2022, Gia Lai phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo giảm 2%

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai vừa ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2022 trên địa bàn tỉnh. 
Mục tiêu đề ra là thực hiện giảm nghèo đa chiều bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống; tập trung nguồn lực hỗ trợ huyện nghèo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn; phấn đấu hoàn thành các mục tiêu giảm nghèo trong giai đoạn 2022-2025 theo Nghị quyết số 24/2021/NQ ngày 28-7-2021 của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 và Kế hoạch số 47-KH/TU ngày 21-10-2021 của Tỉnh ủy. Cụ thể, tỉnh phấn đấu trong năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025) giảm 2%; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3%; riêng tỷ lệ hộ nghèo ở huyện Kông Chro giảm 5%/năm.
Hỗ trợ vốn và tập huấn kỹ thuật sản xuất là giải pháp giúp các hộ đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo. Ảnh: Đức Thụy
Hỗ trợ vốn và tập huấn kỹ thuật sản xuất là giải pháp giúp các hộ đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo. Ảnh: Đức Thụy
Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ngành, đơn vị cấp tỉnh là thành viên Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh trên cơ sở kế hoạch này có trách nhiệm hướng dẫn, đôn đốc các huyện, thị xã, thành phố được phân công phụ trách xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững 2022 đúng quy định. Xác định công tác giảm nghèo là một nội dung quan trọng trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của các cấp, các ngành và địa phương. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong công tác giảm nghèo; phát huy vai trò của MTTQ, các đoàn thể chính trị-xã hội; các cơ quan thông tấn báo chí trên địa bàn tỉnh, nhất là vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số để tuyên truyền, vận động thay đổi nhận thức của hộ nghèo về thực hiện chủ trương thoát nghèo bền vững, giúp cho hộ nghèo nhận thức được trách nhiệm thoát nghèo là trách nhiệm chính của gia đình; Nhà nước và xã hội chỉ hỗ trợ một phần các điều kiện cần thiết để thực hiện kế hoạch thoát nghèo bền vững. Triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ giảm nghèo của Nhà nước thực hiện trên địa bàn tỉnh; tạo điều kiện cho người dân tham gia tiếp 3 cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản (việc làm, giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch, vệ sinh, thông tin.
Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố trên cơ sở các chỉ tiêu giảm nghèo được giao, khẩn trương xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững năm 2022 của địa phương trong quý I-2022; giao cụ thể chỉ tiêu giảm nghèo và chỉ tiêu tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản cho từng xã, phường, thị trấn làm cơ sở để chỉ đạo, triển khai thực hiện. Chỉ đạo, hướng dẫn UBND cấp xã xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững năm 2022. Trong kế hoạch phải có giải pháp hỗ trợ cụ thể cho từng hộ nghèo vươn lên thoát nghèo; có các giải pháp và phân công các tổ chức, đoàn thể, cán bộ, công chức, cá nhân... trực tiếp giúp đỡ từng hộ nghèo, hộ cận nghèo khắc phục các nguyên nhân nghèo và hỗ trợ tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản cho từng hộ. Thực hiện kịp thời, đúng đối tượng các chính sách hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Quản lý, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực phục vụ giảm nghèo. Gắn công tác giảm nghèo với kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương...
HÀ SỰ

Có thể bạn quan tâm