Kinh tế

Tài chính

Năm 2022: Tập trung đầu tư các dự án có sức lan tỏa cao

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đầu tư tập trung, có trọng tâm, trọng điểm; tập trung đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia, có sức lan tỏa cao; lấy đầu tư công làm “vốn mồi” để huy động các nguồn lực đầu tư ngoài nhà nước là định hướng của tỉnh trong xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và đầu tư công năm 2022.

Nỗ lực vượt khó trong năm đầu tiên

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Phước Thành nhận định: Năm 2021 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm đầu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm (2021-2025) trong bối cảnh tình hình quốc tế, khu vực dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; cơ hội, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Tuy vậy, thời gian qua, nền kinh tế tỉnh có những chuyển biến tích cực nhờ sự gia tăng hoạt động trong các lĩnh vực như: nông nghiệp, công nghiệp chế biến, công nghiệp điện... Cùng với đó, môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng cải thiện, thúc đẩy đầu tư của khu vực tư nhân vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Hoạt động tái cơ cấu ngành nông nghiệp có chuyển biến rõ nét.

Đồng chí Hồ Phước Thành-Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết_ năm 2022, tỉnh sẽ lấy đầu tư công “làm mồi” để huy động các nguồn lực đầu tư ngoài nhà nước.jpg
 Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Phước Thành cho biết: Năm 2022, tỉnh sẽ lấy đầu tư công làm "vốn mồi” để huy động các nguồn lực đầu tư ngoài nhà nước. Ảnh: Hà Duy

Qua đó, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) dự kiến cả năm 2021 tăng 9,03%; thu ngân sách ước cả năm đạt 6.125 tỷ đồng (kế hoạch là 5.047 tỷ đồng)... Đến giữa tháng 9, khối lượng đầu tư công toàn tỉnh đã thực hiện là 997,4/2.558,3 tỷ đồng, đạt 39% kế hoạch; tỷ lệ giải ngân đạt 41,14% kế hoạch. Bên cạnh đó, nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu quả cải cách hành chính, chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công của tỉnh (PAPI) đứng thứ 43/63 tỉnh, thành (tăng 14 bậc); chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) đứng thứ 28/63 (tăng 10 bậc); chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) đứng thứ 21/63 (tăng 20 bậc), đứng đầu khu vực Tây Nguyên.

Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông: “Mặc dù trong điều kiện còn rất khó khăn, đặc biệt diễn biến của dịch bệnh còn phức tạp nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của các cấp chính quyền địa phương, tình hình thực hiện phát triển kinh tế-xã hội 8 tháng của vùng đã đạt được những kết quả khả quan, nhiều địa phương có tốc độ tăng trưởng cao như: Gia Lai tăng 9,7%, Đak Lak tăng 9,11%...”.

Lấy đầu tư công “làm mồi” để huy động các nguồn lực

Năm 2022 dự báo vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Do vậy, một số giải pháp sát sườn, phù hợp với thực tế cũng đã được tỉnh đưa ra trong xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và đầu tư công năm 2022. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Phước Thành cho biết: “Việc cơ cấu lại kinh tế gắn với nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của tỉnh sẽ được chú trọng. Trong đó, tỉnh sẽ thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng nhanh hơn tỷ trọng khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ; tập trung phát triển sản phẩm mới của tỉnh dựa vào công nghệ mới, công nghệ cao; nâng cao hàm lượng khoa học và công nghệ trong sản phẩm để có giá trị gia tăng cao, lợi thế cạnh tranh, tham gia mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu”.

 Tỉnh sẽ tăng cường công tác giải phóng mặt bằng của các dự án để khi bố trí vốn triển khai được ngay. Ảnh: Hà Duy
Tỉnh sẽ tăng cường công tác giải phóng mặt bằng của các dự án để khi bố trí vốn triển khai được ngay. Ảnh: Hà Duy

Dự kiến một số chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022: tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) tăng 8% so với năm 2021; xuất khẩu hàng hóa đạt 660 triệu USD, tăng 8,2% so với năm 2021; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội 37.000 tỷ đồng; có thêm 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới...
 

Một số định hướng khác cho phát triển kinh tế-xã hội năm 2022 cũng được đưa ra. Cụ thể, tiếp tục tạo điều kiện để khơi thông, huy động các nguồn lực vào phát triển kinh tế-xã hội, nhất là nguồn lực của khu vực tư nhân và dân cư; triển khai phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, năng lượng, nông nghiệp, nông thôn, công nghệ thông tin và truyền thông, hạ tầng các khu-cụm công nghiệp và hạ tầng logistics; tập trung nâng cao chất lượng đô thị, phát triển đô thị theo quy hoạch và kế hoạch, hướng tới mô hình đô thị xanh, thông minh và bền vững. Bên cạnh đó, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh; thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân và đẩy mạnh thu hút đầu tư.

Trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến khó lường, tỉnh tiếp tục triển khai có hiệu quả các biện pháp phòng-chống dịch bệnh, tập trung các nguồn lực, sẵn sàng ứng phó kịp thời với các tình huống khẩn cấp; củng cố hệ thống tiêm chủng mở rộng. Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: “Đặc biệt, năm 2022, tỉnh sẽ lấy đầu tư công làm “vốn mồi” để huy động các nguồn lực đầu tư ngoài nhà nước; đầu tư tập trung, có trọng tâm, trọng điểm, sớm hoàn thành đưa các công trình vào sử dụng, phát huy hiệu quả thực tế; tập trung đầu tư cho các chương trình mục tiêu quốc gia, dự án trọng điểm, có sức lan tỏa cao. Trong công tác này sẽ bảo đảm cơ cấu đầu tư hợp lý, hiệu quả. Để tăng hiệu quả đầu tư công, tỉnh sẽ tăng cường công tác giải phóng mặt bằng các dự án, khi bố trí vốn triển khai được ngay; khẩn trương triển khai chuẩn bị đầu tư đối với các dự án khởi công mới năm 2022”.

 

 HÀ DUY
 

Có thể bạn quan tâm