Kinh tế

Năm 2025: Gia Lai phấn đấu cơ cấu dịch vụ chiếm tỷ trọng 35-36% trong GRDP

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai vừa ban hành chương trình hành động thực hiện “Chiến lược tổng thể phát triển khu vực dịch vụ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”.

Người dân làng Mơ Hra (xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang) luôn có ý thức bảo tồn, phát huy giá trị di sản cồng chiêng, từ đó phát triển du lịch cộng đồng. Ảnh: Lam Nguyên
Người dân làng Mơ Hra (xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang) luôn có ý thức bảo tồn, phát huy giá trị di sản cồng chiêng, từ đó phát triển du lịch cộng đồng. Ảnh: Lam Nguyên

Theo đó, khu vực trên gồm 10 dịch vụ: du lịch; logistics và vận tải; công nghệ thông tin và truyền thông; tài chính-ngân hàng; khoa học-công nghệ; phân phối; y tế; hỗ trợ kinh doanh; giáo dục và đào tạo; phục vụ nông-lâm nghiệp. Mục tiêu chung của chương trình hành động là phát triển khu vực dịch vụ trở thành khu vực chủ chốt, chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế với chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh cao. Cụ thể, phấn đấu tốc độ tăng trưởng ngành dịch vụ bình quân giai đoạn 2021-2025 đạt 8-9%, đến năm 2025 cơ cấu dịch vụ chiếm tỷ trọng 35-36% trong GRDP của tỉnh. Trong giai đoạn 2026-2030, tầm nhìn đến năm 2050, khu vực dịch vụ tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế, chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế của tỉnh.

Để tổ chức thực hiện, UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tùy theo chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực quản lý chủ động triển khai, xây dựng kế hoạch hoặc lồng ghép các nội dung và giải pháp thực hiện trong chương trình hành động vào các nhiệm vụ chuyên môn được giao; tham mưu, đề xuất các giải pháp triển khai hiệu quả. Trên cơ sở chương trình hành động của từng bộ, ngành triển khai Quyết định số 531/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (sau khi được ban hành) chủ động tham mưu UBND tỉnh kịp thời triển khai thực hiện các nội dung liên quan đối với từng ngành, lĩnh vực theo yêu cầu; thường xuyên kiểm tra, giám sát tiến độ và kết quả thực hiện.

 

LAM NGUYÊN

Có thể bạn quan tâm