Đô thị

Năm 2030: Việt Nam sẽ có thêm bao nhiêu km đường cao tốc?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Từ năm 2020 và định hướng đến sau năm 2030, để triển khai xây dựng cao tốc Bắc-Nam trục phía Đông và Tây dài 3.096 km, Việt Nam sẽ cần tới 829.235 tỷ đồng bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, cùng với những cơ chế chính sách của Nhà nước nhằm thu hút nhà đầu tư cùng “bắt tay” làm đường.

Cao tốc Bắc-Nam dài 3.096 km

Đây là một trong những nội dung chính trong Tờ trình điều chỉnh quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 của Tổng cục Đường bộ Việt Nam báo cáo lên Bộ Giao thông Vận tải.

 

Tuyến đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai.
Tuyến đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai.

Theo quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 326/QĐ-TTg, đến năm 2020 sẽ có 2.703 km đường cao tốc được xây dựng, chiếm tỷ lệ 42,1% tổng chiều dài mạng đường bộ cao tốc của cả nước.

Tới thời điểm hiện tại, nước ta có khoảng 800 km đường cao tốc đã được xây dựng, 513 km đường cao tốc đang triển khai xây dựng và khoảng 654 km đường cao tốc Bắc-Nam phía Đông đã xác định được nguồn vốn và có khả năng hoàn thành trước 2020 theo Nghị quyết số 52/2017/QH14.

Như vậy, tổng chiều dài đường cao tốc nước ta dự kiến hoàn thành trước năm 2020 khoảng 1.913 km đạt 70,7% tổng chiều dài các tuyến cao tốc cần hoàn thành đến năm 2020 như quy hoạch đề ra.

Về nguồn vốn đầu tư, qua thực tế thấy rằng, nguồn vốn để xây dựng các tuyến cao tốc chủ yếu từ các nguồn ngân sách Nhà nước như vay ODA, trái phiếu Chính phủ rồi bán quyền thu phí.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc thu phí hoàn vốn của các tuyến đường cao tốc ở nước ta là rất khó khăn. Với Nghị quyết số 52/2017/QH14 thì các dự án đường cao tốc Bắc-Nam phía Đông sẽ được đầu tư theo hình thức hợp tác Nhà nước-tư nhân (PPP) trong đó khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào các dự án.

Trước khó khăn về nguồn vốn đầu tư đối với các dự án đường cao tốc và khó khăn trong việc hoàn vốn nên phía Tổng cục Đường bộ thừa nhận, tiến độ triển khai các dự án xây dựng đường cao tốc của nước ta chưa theo tiến độ đề ra trong quy hoạch.

Với tình hình phát triển kinh tế-xã hội, thực trạng phát triển phương tiện cơ giới và tiến trình đầu tư hiện tại của hệ thống hạ tầng giao thông, để đáp ứng tầm nhìn dài hạn, lưu lượng xe dự báo đối với trục cao tốc Bắc-Nam phía Đông tại một số đoạn cửa ngõ các thành phố, trung tâm kinh tế, chính trị lớn có xu hướng gia tăng so với kết quả dự báo trước đây; xuất hiện lưu lượng tăng tại một số hành lang vận tải và có thể xem xét việc xây dựng bổ sung các tuyến cao tốc.

Theo đó, cao tốc Bắc-Nam gồm 2 tuyến với tổng chiều dài khoảng 3.096km. Cụ thể, tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông gồm 27 đoạn, tổng chiều dài 1.827 km; tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Tây gồm 24 đoạn với tổng chiều dài là 1.269 km.

Hệ thống đường cao tốc khu vực phía Bắc gồm 16 tuyến, tổng chiều dài 1.683km bao gồm Hà Nội-Lạng Sơn (153km), Hà Nội-Hải Phòng (105km), Hà Nội-Việt Trì-Lào Cai (264km), Hà Nội-Thái Nguyên (62km), Thái Nguyên-Chợ Mới-Bắc Kạn (75km), Bắc Kạn-Cao Bằng (kết nối với tuyến cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh) dài 90km; Láng-Hòa Lạc (30km), Hoà Lạc-Hoà Bình (26km), Hòa Bình-Mộc Châu-Sơn La (190km), Nội Bài-Bắc Ninh-Hạ Long (170km), Hạ Long-Móng Cái (136km), Ninh Bình-Hải Phòng-Quảng Ninh (160km), Đồng Đăng-Trà Lĩnh (144km), Đoan Hùng-Tuyên Quang (18km), chợ Bến-Yên Mỹ (35km), Phủ Lý-Nam Định (25km).

Hệ thống đường cao tốc khu vực miền Trung và Tây Nguyên gồm 4 tuyến, tổng chiều dài 316km. Cụ thể, Vinh-Cửa khẩu Thanh Thủy (Nghệ An) dài 6 km; Cam Lộ-Lao Bảo (Quảng Trị) dài 70km; Ngọc Hồi-Cửa khẩu Bờ Y (Kon Tum) dài 21km; Quy Nhơn (Bình Định)-Pleiku (Gia Lai) dài 160km.

Hệ thống đường cao tốc khu vực phía Nam gồm 7 tuyến, tổng chiều dài 1.048 km đó là Biên Hòa (Đồng Nai)-Vũng Tàu (Bà Rịa-Vũng Tàu) dài 76km; Dầu Giây (Đồng Nai)-Liên Khương-Đà Lạt (Lâm Đồng) dài 208km; Thành phố Hồ Chí Minh-Thủ Dầu Một (Bình Dương)-Chơn Thành (Bình Phước) dài 69km; Thành phố Hồ Chí Minh-Mộc Bài (Tây Ninh) dài 55km; Gò Dầu (Tây Ninh) kết nối với với đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Mộc Bài-Xa Mát (Tây Ninh) dài 65km; Châu Đốc (An Giang)-Cần Thơ-Sóc Trăng dài 200km; Hà Tiên-Rạch Giá (Kiên Giang)-Bạc Liêu dài 225km; Cần Thơ-Cà Mau dài 150km.

Trong quá trình triển khai thực hiện quy hoạch, căn cứ nhu cầu thực tế về nguồn lực, nhu cầu vận tải sẽ nghiên cứu thực hiện đầu tư một số tuyến cao tốc, trong đó ưu tiên các tuyến sau: Lai Châu-Bảo Hà (Lào Cai); Sơn La-Điện Biên; kết nối từ cao tốc Nội Bài-Lào Cai tới Hà Giang; Pleiku-cửa khẩu Lệ Thanh (Gia Lai); Chơn Thành-cửa khẩu Hoa Lư (Bình Phước); nút giao Cao Bồ (Ninh Bình)-Thịnh Long (Nam Định); Trung Lương-Bình Liêu.

Nguồn vốn nào để làm đường?

Trên cơ sở thực tế triển khai, tùy theo nhu cầu nguồn lực và nhu cầu vận tải sẽ nghiên cứu thực hiện phân kỳ đầu tư các tuyến cao tốc, trong đó giai đoạn đầu thực hiện đầu tư với quy mô khai thác 2-4 làn bố trí làn vượt xe, làn dừng xe khẩn cấp không liên tục, kết hợp biện pháp tổ chức giao thông trên tuyến bảo đảm khả năng thông hành và an toàn giao thông.

Tổng cục Đường bộ cũng đưa ra dự kiến tổng nhu cầu vốn đầu tư của từng đoạn tuyến cao tốc (không bao gồm các tuyến cao tốc đang triển khai hoặc chuẩn bị triển khai đã xác định được nguồn vốn).

Tổng cục Đường bộ cũng tính toán đến vốn đầu tư xây dựng hệ thống đường bộ cao tốc được huy động từ nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước dưới hình thức Chính phủ vay hoặc bảo lãnh vay, phát hành trái phiếu công trình... Đặc biệt, ưu tiên sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước hỗ trợ cho các công trình kém hấp dẫn về mặt tài chính nhưng đem lại hiệu quả kinh tế-xã hội, an ninh quốc phòng.

 

Tại cuộc họp kiểm điểm về tiến độ triển khai dự án đầu tư xây dựng cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 vào ngày 20/3, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, Bộ Giao thông Vận tải thực hiện rất công tâm, khách quan, không có chuyện xin - cho trong việc giao các dự án cao tốc Bắc-Nam cho các đơn vị.

“Đây là tuyến đường cao tốc trọng điểm của quốc gia. Ban nào làm có uy tín với Bộ qua những công trình trọng điểm từng triển khai như Quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên, thể hiện được năng lực điều hành tốt, được Bộ đánh giá cao cũng sẽ được ưu tiên để giao nhiệm vụ tại các dự án cao tốc Bắc-Nam,” Bộ trưởng Thể nhấn mạnh.

Bộ trưởng chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thành công tác điều chỉnh quy hoạch Quốc lộ 1 để khi phê duyệt các dự án cao tốc Bắc-Nam thì chính quyền địa phương thực hiện công tác giải phóng mặt bằng một lần.

Ngoài ra, Nhà nước cũng cần huy động tối đa mọi nguồn lực, tiếp tục hoàn thiện các cơ chế chính sách nhằm thu hút vốn đầu tư từ mọi thành phần kinh tế, kể cả các nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư phát triển đường cao tốc dưới hình thức đối tác công tư (PPP) như BOT, BT, BTO... Sửa đổi bổ sung các quy định về chính sách hỗ trợ tài chính, thuế, giá, phí, lệ phí, nhượng quyền để tăng tính thương mại của các dự án, đảm bảo lợi ích thỏa đáng của nhà đầu tư.

Chính phủ đẩy mạnh vận động các nhà tài trợ tiếp tục cung cấp ODA để phát triển đường cao tốc, đặc biệt là các công trình có sức lan tỏa, tạo ra đột phá lớn; cần tính toán kỹ, có bước đi phù hợp để phát huy hiệu quả mô hình PPP giữa doanh nghiệp đầu tư nước ngoài với tài trợ ODA của các nước, các tổ chức quốc tế.

Việt Hùng/TTXVN

Có thể bạn quan tâm