TN - Đất & Người

Năm mới ở làng tái định cư

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sau hơn 2 tháng di dời về nơi ở mới, cuộc sống của 60 hộ dân làng Brang (xã Đak Pling, huyện Kông Chro) đã dần ổn định. Xuân về như tiếp thêm sinh khí cho vùng đất còn nghèo khó nhất tỉnh này.

Ổn định nơi ăn chốn ở

Trái ngược với sự tất bật của những ngày cuối năm, ở Đak Pling, cuộc sống dường như chậm hẳn lại. Làng tái định cư Brang khiến chúng tôi không khỏi bất ngờ bởi sự quy củ, ngăn nắp chỉ sau 2 tháng về nơi ở mới. Những ngôi nhà sàn truyền thống Bahnar ở làng cũ được chuyển về làng mới gần như nguyên vẹn. Chỉ một số ít nhà đã quá cũ kỹ được đóng thêm vài tấm tôn mới. Vì thế, ngôi làng mới nhưng vẫn mang dáng vẻ thân thuộc của làng cũ. Có lẽ vì vậy mà cuộc sống của người dân cũng không bị xáo trộn nhiều. Đa số các hộ đã ổn định nơi ăn chốn ở và bắt tay ngay vào sản xuất.

 

 Đường giao thông liên thôn đi qua làng Brang đang được các đơn vị gấp rút hoàn thành. Ảnh: H.N
Đường giao thông liên thôn đi qua làng Brang đang được các đơn vị gấp rút hoàn thành. Ảnh: H.N

Gia đình anh Đinh Hà là một trong số ít hộ vẫn đang trong quá trình hoàn thiện nhà cửa. Vì không có tiền thuê nhân công nên anh tự làm hết mọi việc. “Nhà ở làng cũ của mình chật chội lắm nên về làng mới mình tranh thủ làm lại cho rộng rãi. Mình rất mừng vì về làng mới được chính quyền, các tổ chức đoàn thể hỗ trợ, giúp đỡ nên bà con đã nhanh chóng ổn định cuộc sống. Từ nay, dân làng yên tâm làm ăn, không lo đất đá từ trên núi lăn xuống đe dọa vào mùa mưa nữa”-anh Đinh Hà phấn khởi cho biết.

Làng tái định cư Brang được quy hoạch ở khu đất bằng phẳng nằm ngay đường liên xã. Điện lưới cũng được kéo đến từng nhà phục vụ sinh hoạt. Con đường đất liên xã đi qua làng cũng đang được chính quyền địa phương đôn đốc đơn vị thi công san ủi cho bằng phẳng, đảm bảo giao thông thuận lợi cho bà con. Ông Đinh Ong-Chủ tịch UBND xã cho biết: “Huyện đã cấp 150 triệu đồng để làm công trình nước sinh hoạt tập trung cho người dân làng mới. Công trình đang được gấp rút triển khai, dự kiến sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng trước Tết Nguyên đán. Hiện nay, người dân vẫn đang sử dụng nước sinh hoạt ở giọt nước tại làng cũ, cách làng mới khoảng 500 mét”. Theo ông Ong, đầu năm 2017, huyện sẽ đầu tư xây dựng trường mầm non cho trẻ em của 4 làng trong xã. Hiện nay, các cháu vẫn phải học tập tại nhà rông mà chưa có trường lớp riêng.

Xuân ở làng mới

Đứng từ trên núi Kông HNoi nhìn xuống, làng mới Brang nằm ngay ngắn, nhiều màu sắc. Cỏ tranh-loài cỏ được người bản địa sử dụng phổ biến để lợp nhà-phủ một màu xanh mướt lên dãy Kông HNoi. Từng đám lúa rẫy trĩu bông cắt ngang sườn núi. Các mẹ, các chị nhẫn nại tuốt từng bông lúa vàng ruộm bỏ vào gùi. Người Bahnar quan niệm cây lúa rẫy chính là nơi trú ngụ của thần linh, vì thế quá trình thu hoạch họ hết sức nâng niu. Dù tuốt từng bông lúa bằng đôi bàn tay đến tứa máu, họ vẫn hết sức nhẫn nại. Mùa thu hoạch lúa rẫy bắt đầu cũng báo hiệu một mùa Xuân mới đang về. Khung cảnh bình yên, hiền hòa ở thung lũng quanh năm mù sương, nơi gà gáy tỉnh Gia Lai, Bình Định, Phú Yên cùng nghe này bất giác gợi lên trong lòng cảm thức mùa Xuân rõ rệt.

Ông Đinh Cư-Phó Bí thư Đảng ủy xã cho biết, năm nay lúa rẫy đạt năng suất nhưng sợ bà con không kịp thu hoạch. Nhiều đám lúa chín gãy gục xuống ruộng tốn thêm thời gian thu hoạch. “Chính quyền xã sẽ tận dụng các cơ chế, chính sách của Nhà nước để từng bước đưa người dân bước ra khỏi đói nghèo, lạc hậu (tỷ lệ hộ nghèo của xã hiện chiếm khoảng 68%-P.V). Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng cường hướng dẫn người dân đầu tư phát triển đàn gia súc, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng thêm diện tích lúa nước, bắp lai, mì cao sản-3 loại cây trồng chủ lực để giúp bà con thoát nghèo, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống mức thấp nhất”-Phó Bí thư Đảng ủy xã cho biết thêm.

 Hoàng Ngọc

Có thể bạn quan tâm