Kinh tế

Nan giải chuyện kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

“Hiện nay việc kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn Gia Lai đang gặp nhiều khó khăn, và vấn đề kiểm dịch động vật mới chỉ dừng lại ở động tác kiểm phẩm. Một trong những nguyên nhân chính là do thiếu hụt lực lượng làm công tác này và sự phối hợp thiếu đồng bộ giữa các cấp, ngành, địa phương trong quy hoạch chăn nuôi và quy hoạch giết mổ”- ông Dương Ngọc Thanh-  Chi cục phó Chi cục Thú y tỉnh cho biết.

Giết mổ gia súc, gia cầm tràn lan…

Điểm giết mổ gia cầm tại Trung tâm thương mại TP. Pleiku. Ảnh: Như nguyện
Điểm giết mổ gia cầm tại Trung tâm thương mại TP. Pleiku. Ảnh: Như Nguyện

Những năm gần đây vấn đề ô nhiễm thực phẩm đã và đang là mối nguy lớn cho sức khỏe người tiêu dùng. Biết là vậy nhưng rất nhiều người tiêu dùng đã và đang thờ ơ trong việc thực hành các nguyên tắc vàng trong chọn lựa thực phẩm. Điều này đã và đang tiếp tay cho việc lưu thông các sản phẩm kém chất lượng, sản phẩm không an toàn trên thị trường. Dễ nhận thấy nhất là trong việc chọn lựa thực phẩm cho các bữa ăn hàng ngày. Nhiều người chấp nhận mua các sản phẩm gia súc, gia cầm chưa qua kiểm dịch mà không có thắc mắc hay đắn đo gì. Trong khi đó sản phẩm gà, vịt đã qua kiểm dịch được bán tại các chợ lại không được nhiều người tiêu dùng chú ý. Chị Lý Thu Thảo- một nội trợ cho biết: “Lý do không mua các sản phẩm gà, vịt đã qua kiểm dịch vì chất lượng thịt không ngon. Hầu hết chúng được nuôi và giết mổ theo kiểu công nghiệp. Ăn thịt gà, vịt thì phải là gà thả vườn, vịt chạy đồng thịt mới thơm và chắc chứ không bở. Còn về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm thì mình thực hiện tốt nguyên tắc ăn chín, uống sôi là ổn”.

Và để đáp ứng nhu cầu khách hàng, hầu hết tại các chợ việc buôn bán và giết mổ gia cầm sống vẫn ngang nhiên dù không được phép. Có mặt tại điểm giết mổ gia cầm ở Trung tâm Thương mại TP. Pleiku, được mục sở thị cảnh giết mổ gia cầm tại đây nhiều người không khỏi choáng. Một nồi nước sôi nhỏ xíu dùng để nhúng gà, vịt vào rồi vớt ra vặt lông được tận dụng tối đa và đã chuyển sang màu đen vì không biết đã nhúng qua bao nhiêu con. Điều kiện khu vực giết mổ tại đây cũng vô cùng mất vệ sinh. Gà, vịt được đặt dưới sàn nhơm nhớp nước, lông vương vãi khắp nơi, mùi hôi hám lan tỏa xung quanh. Nhiều hộ buôn bán lân cận khu vực này cho biết: Nhiều lúc hôi không chịu nổi nhưng chẳng biết phải nói thế nào vì cùng là người buôn bán làm ăn. Ban Quản lý chợ cũng nhiều lần kiểm tra, nhắc nhở nhưng cũng chẳng hiệu quả là mấy…

Lý giải chuyện này, chị T.- một người buôn bán, giết mổ gia cầm sống ở Trung tâm Thương mại TP. Pleiku cho biết: “Việc buôn bán càng ngày càng khó khăn. Người tiêu dùng chỉ mua gà, vịt khi người bán chịu trách nhiệm giết mổ. Không có họ không mua, nên thành ra chúng tôi phải cạnh tranh... Làm nghề này cũng vất vả lắm, Ban Quản lý chợ thường xuyên kiểm tra và nếu bị tịch thu thì coi như ngày đó hết lời…”.

Ngành chức năng… quản không xuể

Thống kê của Chi cục Thú y tỉnh, hiện trên địa bàn tỉnh có 222 điểm giết mổ gia súc, 32 điểm giết mổ gia cầm và 54 chợ. Con số này trên thực tế cao hơn nhiều vì không thể thống kê hết các điểm giết mổ gia súc, gia cầm và các chợ tự phát trên địa bàn. Trong khi đó, số lượng các điểm giết mổ gia súc, gia cầm được cấp phép chỉ đếm trên đầu ngón tay. Hiện chỉ có 1 điểm giết mổ gia súc tại huyện Đức Cơ và 2 điểm giết mổ gia cầm tại TP. Pleiku được cấp phép. Đa số các lò giết mổ đều thực hiện theo phương pháp thủ công nên chưa đảm bảo đủ điều kiện vệ sinh thú y và vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong khi đó, tỉnh ta lại chưa có được sự phối hợp chặt chẽ trong quy hoạch chăn nuôi và quy hoạch giết mổ.

Hiện nay, công tác kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn Gia Lai đang phải chịu sức ép lớn vì sự quá tải và vấn đề kiểm dịch động vật chỉ mới dừng lại ở động tác kiểm phẩm. Sản phẩm gia súc, gia cầm sau khi được giết mổ xong đưa về chợ, cán bộ thú y kiểm tra và đóng dấu ngay tại đây. Liệu sản phẩm ấy có an toàn hay không thì không ai chắc bởi việc kiểm tra đã bỏ qua rất nhiều công đoạn. Ông Dương Ngọc Thanh- Chi cục phó Chi cục Thú y tỉnh cho biết: “Quá tải là thật vì hiện lực lượng làm công tác kiểm dịch động vật trên toàn tỉnh chỉ có 35 người nhưng phải ôm một khối lượng lớn công việc. Theo đúng quy trình kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm thì phải đưa thú sống để kiểm tra nguồn gốc, xem có bệnh truyền nhiễm hay không sau đó mới đến công đoạn giết mổ và tiếp đến là lăn dấu. Hiện nay việc này chỉ có thể thực hiện đối với các cơ sở đã được cấp phép còn lại chủ yếu chỉ mới là kiểm phẩm”.

Hỏi về vấn đề kiểm dịch thịt chó hiện nay trên địa bàn, ông Dương Ngọc Thanh cho biết thêm: Đối với vấn đề kiểm dịch thịt chó, không chỉ tỉnh ta mà nhiều tỉnh thành khác cũng chưa thể thực hiện được. Ngành cũng chưa có văn bản nào hướng dẫn về vấn đề này vì hiện thịt chó vẫn chưa được xem là sản phẩm tiêu dùng. Và tất nhiên những ai vốn dĩ đam mê món ăn này cũng cần phải xem lại vì sức khỏe của bản thân…

Trong tình hình hiện nay khi mà nhiều dịch bệnh lây qua đường ăn uống đang có nguy cơ tăng cao thì vấn đề kiểm dịch động vật là một trong những khâu quan trọng nhằm đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng. Nhưng việc quy hoạch chăn nuôi và quy hoạch giết mổ trên địa bàn bao lâu nay vẫn chưa có được sự phối hợp và lộ trình cụ thể thì vấn đề kiểm dịch động vật theo đúng quy trình xem ra vẫn là một bài toán khó.

Như Nguyện

Có thể bạn quan tâm