Chính trị

Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát, phản biện xã hội

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sáng 19-4, tại trụ sở Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai, đoàn công tác do Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh làm trưởng đoàn đã tổ chức kiểm tra, khảo sát việc thực hiện Nghị quyết liên tịch số 403/2017/NQLT-UBTVQH14-CP-ĐCTUBTWMTTQVN ngày 15-6-2017 quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội.

Tham gia đoàn công tác có Giáo sư-Tiến sĩ Trần Ngọc Đường-Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn dân chủ và pháp luật (Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam) cùng đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam.

Làm việc với đoàn công tác, về phía tỉnh có Phó Bí thư Tỉnh ủy Rah Lan Chung; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hồ Văn Điềm; Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Siu Hương; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Quế; đại diện lãnh đạo Ban Dân vận Tỉnh ủy, Sở Tài chính, các tổ chức chính trị-xã hội tỉnh và chủ nhiệm các hội đồng tư vấn cùng đại diện Ủy ban MTTQ Việt Nam một số huyện, thị xã, thành phố.

Nội dung giám sát, phản biện xã hội có trọng tâm, trọng điểm

Báo cáo tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đinh Ngọc Hải thông tin: Việc xây dựng kế hoạch giám sát, phản biện xã hội được MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh triển khai thực hiện theo NQLT số 403, đảm bảo các nguyên tắc và thống nhất trong hệ thống Mặt trận từ tỉnh đến cơ sở. Nội dung giám sát, phản biện xã hội có trọng tâm, trọng điểm, lựa chọn những vấn đề được dư luận xã hội quan tâm; kết hợp giữa giám sát trực tiếp và giám sát gián tiếp thông qua văn bản.

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Phương Dung

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Phương Dung

5 năm qua, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã tổ chức 5 hội nghị phản biện. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp xây dựng kế hoạch và thành lập hơn 800 đoàn giám sát trực tiếp về các vấn đề như: việc thực hiện chế độ chính sách ưu đãi đối với người có công; việc thực hiện chính sách dân tộc; việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ học sinh bán trú và trường phổ thông dân tộc bán trú; việc thực hiện các chế độ chính sách đối với người có uy tín; triển khai chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid 19; việc cấp phát các mặt hàng chính sách phân bón, giống cây trồng, vật nuôi...

Bên cạnh đó, ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư của cộng đồng đã tổ chức được nhiều cuộc giám sát liên quan trực tiếp tới đời sống của người dân như: các công trình phúc lợi, an sinh xã hội; việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công, người cao tuổi; quy trình rà soát hộ nghèo; công tác phòng-chống tham nhũng; thái độ của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ; chi hỗ trợ người bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19…

Qua giám sát đã kịp thời phát hiện những sai sót, hạn chế trong công tác chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền địa phương, góp phần xây dựng bộ máy chính quyền cơ sở ngày càng trong sạch, vững mạnh và hoạt động hiệu quả. Ngoài ra, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh đã tích cực tham gia có hiệu quả các đoàn giám sát của các cơ quan, tổ chức có liên quan.

Sau giám sát, phản biện xã hội, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam và tổ chức chính trị-xã hội các cấp trong tỉnh đã kịp thời phản ánh những ý kiến, kiến nghị đến các cơ quan, đơn vị liên quan và tổ chức rà soát, khắc phục những vấn đề tồn tại; đồng thời thường xuyên theo dõi và có văn bản đôn đốc các cơ quan có thẩm quyền xem xét trả lời, xử lý.

Trên cơ sở gợi ý của các thành viên đoàn công tác, đại diện các cơ quan, đơn vị đã tập trung thảo luận về những khó khăn, tồn tại trong quá trình triển khai thực hiện NQLT số 403. Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đinh Ngọc Hải nêu rõ: “Việc thành lập và tổ chức hoạt động của tổ tư vấn cấp xã còn hạn chế đã tác động không nhỏ đến việc phối hợp, tham mưu và thực hiện công tác giám sát, phản biện xã hội. Kinh phí đảm bảo cho hoạt động giám sát, phản biện ở cơ sở và hoạt động của ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư của cộng đồng chưa đảm bảo”.

Tương tự, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thị xã An Khê Lê Thị Hồng Minh cho hay: “Hoạt động phản biện xã hội tại cơ sở chưa nhiều vì còn lúng túng trong việc lựa chọn nội dung; một số thành viên tham gia công tác phản biện trình độ chuyên môn không sâu”.

Nhiều kiến nghị, đề xuất

Tại buổi làm việc, đại diện MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội cũng như thành viên hội đồng tư vấn đã nêu nhiều kiến nghị, đề xuất với đoàn công tác. Theo đó, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Rơ Chăm HHồng đề nghị Trung ương nghiên cứu và bổ sung quy định đối với các đơn vị sau khi được giám sát, phản biện phải có văn bản phản hồi để thấy rõ hiệu quả của việc tiếp thu, điều chỉnh trong triển khai thực hiện.

Quang cảnh buổi làm việc của đoàn giám sát Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tại trụ sở Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh. Ảnh: Phương Dung

Quang cảnh buổi làm việc của đoàn giám sát Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tại trụ sở Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh. Ảnh: Phương Dung

Phó Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Danh-Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn dân chủ và pháp luật (Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh) đề xuất Trung ương xem xét, tổ chức các đợt tập huấn cho thành viên hội đồng tư vấn các cấp để họ biết phải làm gì cho phù hợp, làm thế nào cho khoa học thay vì chỉ làm bằng kinh nghiệm. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu, xem xét đối với các tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số và tôn giáo nên thành lập thêm 1 hội đồng tư vấn để đảm bảo tính chuyên sâu.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Bí thư Tỉnh ủy Rah Lan Chung nhấn mạnh: Tỉnh luôn quan tâm đến hoạt động giám sát, phản biện xã hội và công tác này ngày càng đi vào nền nếp. Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị-xã hội từ tỉnh đến cơ sở đã triển khai thực hiện công tác giám sát, phản biện xã hội theo đúng tinh thần NQLT số 403; chủ động lựa chọn đúng vấn đề giám sát, phản biện vừa bám sát các hướng dẫn, chỉ đạo của Trung ương, vừa căn cứ vào tình hình thực tiễn của địa phương. Vai trò của hội đồng tư vấn, tổ tư vấn, ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư của cộng đồng đã được phát huy; các cơ quan, đơn vị tiếp thu và thực hiện có hiệu quả các ý kiến, kiến nghị sau giám sát, phản biện.

Để tiếp tục triển khai thực hiện NQLT số 403, Phó Bí thư Tỉnh ủy cho biết, tỉnh sẽ chỉ đạo để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến kinh phí trong hoạt động giám sát, phản biện xã hội. Đồng thời, tiếp tục nêu cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong việc giải quyết các vấn đề đặt ra trong hoạt động giám sát, phản biện xã hội.

Sau khi nghe ý kiến của các đại biểu, kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh ghi nhận, đánh giá cao việc chủ động, tích cực của Mặt trận và tổ chức chính trị-xã hội các cấp trong triển khai thực hiện hoạt động giám sát, phản biện xã hội, góp phần vào việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của các cơ quan, ban, ngành và thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đề nghị MTTQ và tổ chức chính trị-xã hội các cấp tiếp tục khắc phục những tồn tại, hạn chế; quan tâm, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát, phản biện xã hội. Tiếp tục quán triệt thực hiện NQLT số 403 và Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 26-10-2022 của Ban Bí thư về phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội. Tăng cường công tác nắm tình hình dư luận xã hội và tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai hoạt động giám sát, kịp thời giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri, Nhân dân.

“Đối với những ý kiến, kiến nghị tại buổi làm việc, đoàn công tác sẽ ghi nhận, tiếp thu đầy đủ và tổng hợp đưa vào báo cáo chung về tổng kết việc thực hiện NQLT số 403 trong thời gian tới”-Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho biết.

Có thể bạn quan tâm