Kinh tế

Nâng cao hiệu quả sản xuất nhờ phân bón sinh học

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Giảm chi phí, tăng năng suất và chất lượng cây trồng, tránh ảnh hưởng đến sức khỏe con người và không gây ô nhiễm môi trường sinh thái là những lợi ích khiến 90% nông dân ở thôn Phú Thanh (xã Ia Băng, huyện Chư Prông) chuyển hẳn qua sử dụng chế phẩm sinh học trong trồng trọt.

Không phải bỗng dưng mà anh Đỗ Trung Phương được người dân thôn Phú Thanh nửa đùa nửa thật gọi là “đại gia”. Từ Bắc Giang vào Ia Băng định cư năm 1995, gia đình anh không ngừng đầu tư mở rộng diện tích trồng cà phê, hồ tiêu và cao su. Hiện gia đình anh có 15.000 cây cà phê, 14.000 trụ hồ tiêu, 6 ha cao su và 1 ha chanh dây phát triển rất tốt. “Tất cả là nhờ bón phân sinh học đấy”-anh Phương cho biết.

 

Anh Phương bên vườn cà phê trĩu quả nhờ sử dụng phân sinh học. Ảnh: H.D
Anh Phương bên vườn cà phê trĩu quả nhờ sử dụng phân sinh học. Ảnh: H.D

Anh Phương kể, năm 2012, 2.000 trụ hồ tiêu kinh doanh của gia đình anh bỗng dưng nhiễm bệnh rồi chết sạch. Dù rất hoang mang nhưng anh vẫn quyết định trồng lại 2.000 trụ khác. Đúng lúc này, được giới thiệu một loại phân bón sinh học làm từ 21 chủng nấm và các loại vi sinh vật có lợi, gia đình anh đã thử nghiệm trên số hồ tiêu vừa trồng lại. “Sau một thời gian sử dụng chế phẩm sinh học này, cây hồ tiêu lên xanh tốt, bung cành mạnh, đọt ra nhiều và rất sai quả. Bình thường, khi bón phân hóa học, ít nhất phải nửa tháng lá hồ tiêu mới xanh, nhưng với chế phẩm này, chỉ cần 1 tuần là thấy thay đổi rõ rệt”-anh Phương cho biết.

Sau khi thử nghiệm thành công trên 2.000 trụ hồ tiêu, cách đây 2 năm, anh Phương tiếp tục sử dụng chế phẩm này bón cho cây cà phê. Theo anh Phương, trước kia, năng suất hồ tiêu chỉ đạt trung bình 5 kg/trụ thì nay đạt khoảng 7 kg/trụ. Còn với cây cà phê, khi sử dụng chế phẩm sinh học thì quả cũng sai hơn, cây xanh hơn, cành nhiều và đọt ra mạnh.

Sau một thời gian mua chế phẩm có sẵn về sử dụng, để tiết kiệm chi phí, anh Phương đã tự mày mò nghiên cứu cách làm ra phân bón sinh học bằng cách mua cá về ủ với men (loại chuyên dùng để ủ làm phân). Mỗi năm anh ủ khoảng vài đợt, mỗi đợt 1-2 tấn cá. Số phân ủ ra, ngoài bón cho vườn nhà, anh còn bán cho các hộ khác trong thôn. Anh Phương cho biết, 1 lít phân cá đậm đặc do anh làm có giá 15 ngàn đồng. Đem pha 1 lít phân này với 2 lít mật mía và 100 lít nước sạch rồi đựng trong thùng phuy đậy kín nắp, cho vào chỗ mát, một tuần sau là có thể tưới cho cây, trung bình 5 lít tưới cho 100 trụ hồ tiêu, chi phí rẻ hơn một nửa so với các loại phân bón hóa học.

Sau khi tận mắt thấy hiệu quả của việc sử dụng chế phẩm sinh học trên vườn cà phê và hồ tiêu của gia đình anh Phương, các hộ dân trong thôn Phú Thanh đã tới học hỏi kinh nghiệm cũng như mua chế phẩm do anh làm ra về áp dụng trên vườn cây của mình. Đến nay, trên 90% hộ dân trong thôn đã sử dụng chế phẩm sinh học bón cho cây trồng, cho hiệu quả rất tốt. Tiếng lành đồn xa, không chỉ người dân trong thôn, trong xã mà nông dân các huyện: Đức Cơ, Mang Yang, Đak Đoa, Chư Sê... cũng tới học tập. “Ngày nào nhà cũng có khách, người tới học hỏi kinh nghiệm, người mua phân sinh học. Tôi biết cái gì đều chỉ cho bà con hết”-anh Phương vừa cười vừa nói.

“Phân sinh học được ủ từ cá hay lắm, không chỉ giúp cây phát triển xanh tốt, cho năng suất cao mà còn giúp cây khỏe, miễn dịch hầu hết các loại sâu bệnh”-chị Lê Thị Thu Phấn, người cùng thôn với anh Phương, khẳng định. Chị Phấn kể, gia đình chị trồng hồ tiêu từ 7 năm trước nhưng cứ được khoảng 1 năm là cây bắt đầu có hiện tượng chết chậm, vàng lá và rụng đốt. Gia đình chán tới mức nhổ hết trụ đem bán. Nhưng sau khi nghe người trong thôn kháo nhau “bí quyết” của anh Phương, gia đình chị quyết định trồng lại 300 trụ hồ tiêu mới và mua chế phẩm sinh học từ phân cá về sử dụng. “Giờ thì hồ tiêu xanh, đẹp, ổn định lắm rồi”-chị Phấn cho biết.

Hà Duy

Có thể bạn quan tâm