Chính trị

Nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác cán bộ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đó là chỉ đạo của đồng chí Hồ Văn Niên-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tại hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI (mở rộng) diễn ra vào sáng 6-11.

Hội nghị nhằm sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 28-6-2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; tổng kết thực hiện Chỉ thị số 47-CT/TU ngày 4-6-1998 và Thông tri số 07-TT/TU ngày 6-4-2012 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Đồng chủ trì hội nghị có Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Rah Lan Chung. Dự hội nghị có đại diện lãnh đạo một số cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc Trung ương Đảng; Bí thư các Đảng ủy, Huyện ủy: Bộ đội Biên phòng tỉnh, Chư Sê, Chư Păh, Chư Pưh, Đak Pơ, Đức Cơ, Ia Grai, Phú Thiện, Kbang và Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Quân sự tỉnh; lãnh đạo các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy; giám đốc, thủ trưởng các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị-xã hội tỉnh; ủy viên Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy; Chánh Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh, UBND tỉnh; chủ tịch HĐND, UBND các huyện, thị xã, thành phố.

nang-cao-hon-nua-chat-luong-hieu-qua-cong-tac-can-bo-bgdd.jpg
Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Văn Niên (bìa phải) và Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Rah Lan Chung (bìa trái) tặng hoa chúc mừng tân Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Ngọc Lương. Ảnh: ĐỨC THỤY

Đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đánh giá kết quả 3 năm thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 28-6-2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tập trung xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ tỉnh Gia Lai đủ phẩm chất, năng lực và uy tín ngang tầm nhiệm vụ.

Theo đó, qua 3 năm thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TU, nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành trong việc xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ được nâng lên, đồng thuận, thống nhất cao trong quá trình triển khai thực hiện. Đội ngũ cán bộ các cấp có bước trưởng thành, phát triển về nhiều mặt, chất lượng ngày càng được nâng lên, từng bước đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới.

Toàn tỉnh hiện có 32.872 cán bộ, công chức, viên chức. Trong đó, cấp tỉnh có 8.847 cán bộ, công chức, viên chức; cấp huyện có 19.662 cán bộ, công chức, viên chức; cấp xã có 4.363 cán bộ, công chức.

Công tác tuyển dụng công chức, viên chức được quan tâm triển khai thực hiện kịp thời, đúng quy định; các đơn vị, địa phương luôn quan tâm nghiên cứu đổi mới cơ chế phát hiện, tuyển chọn cán bộ, nhất là cán bộ người dân tộc thiểu số tại chỗ.

Quy trình đánh giá cán bộ ngày càng được sửa đổi, bổ sung chặt chẽ, dân chủ, khách quan hơn, kết hợp đánh giá cán bộ, công chức với phân loại đảng viên cuối năm. Công tác quy hoạch được thực hiện kịp thời, đồng bộ từ chủ trương, biện pháp tạo nguồn cán bộ đến việc đào tạo, bồi dưỡng, dự kiến luân chuyển, bố trí, sắp xếp tổng thể đội ngũ cán bộ, trước hết là người đứng đầu các ngành, các cấp ở địa phương.

Cơ cấu độ tuổi, giới tính, dân tộc có sự cân đối, hợp lý; nguồn cán bộ quy hoạch cơ bản bảo đảm sự chuyển tiếp giữa các thế hệ. Công tác đào tạo, bồi dưỡng được thực hiện gắn với vị trí việc làm, chức danh cán bộ đang đảm nhận, quy hoạch cán bộ.

Công tác luân chuyển, điều động, biệt phái, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử, miễn nhiệm cán bộ được thực hiện đúng quy định. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, toàn tỉnh đã thực hiện luân chuyển 236 cán bộ và điều động 830 cán bộ.

2bg.jpg
Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Văn Niên phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Đ.T

Các chỉ tiêu chủ yếu của Nghị quyết số 02-NQ/TU cơ bản đạt và vượt. Đơn cử, Nghị quyết đề ra chỉ tiêu có từ 95% trở lên ủy viên ban chấp hành Đảng bộ cấp huyện (tương đương) có trình độ cao cấp lý luận chính trị thì đến nay chỉ tiêu này vượt 10,42%.

Hay chỉ tiêu có từ 30% trở lên cấp trưởng, phó các phòng, ban (tương đương), MTTQ, tổ chức chính trị-xã hội huyện và đơn vị sự nghiệp thuộc cấp ủy, chính quyền cấp huyện có trình độ cao cấp lý luận chính trị đến nay cũng vượt 147,97%; chỉ tiêu có từ 50% trở lên cán bộ chủ chốt cấp xã (bí thư, phó bí thư, chủ tịch HĐND, chủ tịch UBND) có trình độ cao cấp lý luận chính trị đến nay vượt 49,28%...

Việc thực hiện Chỉ thị số 47-CT/TU ngày 4-6-1998 về cơ cấu cán bộ, công chức người dân tộc Bahnar, Jrai trong các cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh và Thông tri số 07-TT/TU ngày 6-4-2012 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 47-CT/TU ngày 4-6-1998 cũng đạt những kết quả đáng ghi nhận.

Theo đó, công tác xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc Bahnar, Jrai đã được triển khai thực hiện theo đúng quy định; số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc Bahnar, Jrai ngày càng tăng cao, cơ bản được chuẩn hóa, nâng cao về trình độ, năng lực hoạt động công tác.

Hầu hết đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc Bahnar, Jrai đã tích cực, chủ động tham gia lãnh đạo, quản lý, điều hành, tuyên truyền, giáo dục, vận động người dân ở địa phương thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân trên địa bàn.

Đến nay, toàn tỉnh có 4.670 cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc Bahnar, Jrai (chiếm 14,26% số cán bộ, công chức, viên chức toàn tỉnh).

5them.jpg
Bí thư Thành ủy Pleiku Trịnh Duy Thuân nêu đề xuất, kiến nghị. Ảnh: Đ.T

Đảm bảo sự chuyển tiếp, kế thừa giữa các thế hệ

Bên cạnh việc nhìn nhận, đánh giá những kết quả đã đạt được, các đại biểu cũng thẳng thắn chỉ rõ một số tồn tại, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TU, Chỉ thị số 47-CT/TU và Thông tri số 07-TT/TU; đồng thời, đề xuất, kiến nghị tháo gỡ khó khăn trong thời gian tới.

Để giải quyết “đầu ra” cho cán bộ Đoàn khi hết tuổi Đoàn, đồng chí Trịnh Duy Thuân-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Pleiku đề xuất tỉnh có ý kiến với Trung ương xem xét, nghiên cứu và có hướng dẫn cụ thể về quy định độ tuổi cán bộ Đoàn cấp huyện và cấp cơ sở khi tham gia giữ chức vụ lần đầu để thống nhất trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo kiện toàn nhân sự và thực hiện công tác quy hoạch ở các cấp.

Bí thư Thành ủy Pleiku cũng đề xuất thành lập trường THCS nội trú trên địa bàn thành phố để đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh dân tộc thiểu số, góp phần tạo nguồn cán bộ dân tộc thiểu số theo tinh thần Chỉ thị số 47-CT/TU.

Còn Bí thư Huyện ủy Chư Prông Đinh Văn Dũng thì đề nghị cần có cơ chế cử tuyển, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị mang tính đặc thù cho đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Khi xây dựng kế hoạch cử tuyển phải căn cứ vào tình hình thực tiễn của địa phương để sau đào tạo có thể bố trí, sắp xếp vị trí công tác phù hợp.

4them.jpg
Các đại biểu tham gia trao đổi, thảo luận về một số kết quả trong triển khai thực hiện Nghị quyết 02 và Chỉ thị 47. Ảnh: ĐỨC THỤY

Phát biểu kết luận hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên giao Ban Tổ chức Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với Văn phòng Tỉnh ủy nghiên cứu, tiếp thu ý kiến tham gia của các đại biểu để bổ sung, hoàn chỉnh các dự thảo báo cáo sơ kết, tổng kết, trình Thường trực Tỉnh ủy cho ý kiến, ký ban hành.

Bí thư Tỉnh ủy đề nghị các cấp ủy, đơn vị, địa phương tiếp tục lãnh đạo rà soát và thực hiện quyết liệt, hiệu quả các chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra trong Nghị quyết số 02-NQ/TU.

Xác định xây dựng đội ngũ cán bộ là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trước hết là người đứng đầu và cơ quan tham mưu về công tác cán bộ. Đổi mới mạnh mẽ và nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác cán bộ; thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, đồng bộ, liên thông các khâu trong công tác cán bộ; đổi mới công tác đánh giá cán bộ bằng tiêu chí cụ thể, bằng sản phẩm.

Tiếp tục đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo hướng thiết thực, hiệu quả và chuyên sâu. Quan tâm tạo nguồn cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ dân tộc thiểu số phù hợp với thực tiễn của từng cơ quan, đơn vị, địa phương và đảm bảo sự chuyển tiếp, kế thừa giữa các thế hệ cán bộ. Thường xuyên quan tâm xây dựng, kiện toàn tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ làm công tác tổ chức cán bộ.

Thực hiện nghiêm, hiệu quả các quy định về việc kiểm soát quyền lực và phòng-chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ. Phát huy hơn nữa vai trò của MTTQ, các tổ chức chính trị-xã hội, các cơ quan dân cử và Nhân dân về xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Về thực hiện Chỉ thị số 47-CT/TU và Thông tri số 07-TT/TU, Bí thư Tỉnh ủy giao Ban Tổ chức Tỉnh ủy nghiên cứu, tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy xây dựng, ban hành văn bản mới để chỉ đạo các nội dung liên quan đến việc cơ cấu cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số trong các cấp ủy, đơn vị, địa phương phù hợp với tình hình mới.

Chiều cùng ngày, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh tổ chức Hội nghị về công tác cán bộ để cho ý kiến các nội dung: Bổ sung quy hoạch ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, các chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý của tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025, 2021-2026 và nhiệm kỳ 2025-2030, 2026-2031; Dự thảo Báo cáo tổng kết công tác nhân sự nhiệm kỳ 2020-2025, phương hướng nhân sự Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2025-2030; Tờ trình của Ban Thường vụ Tỉnh ủy xin ý kiến về chủ đề, phương châm Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2025-2030; Đề cương chi tiết Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2025-2030 và Đề cương Báo cáo kiểm điểm công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI, nhiệm kỳ 2020-2025.

Có thể bạn quan tâm