TN - Đất & Người

Nâng cao năng lực sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thời gian qua, xã Ia Drăng (huyện Chư Prông) đã triển khai nhiều mô hình sản xuất nhằm nâng cao năng lực canh tác cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Nhiều mô hình được thực hiện có hiệu quả đã góp phần giúp người dân tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống.

 Từ khi được tập huấn, 5 sào lúa của ông Broanh cho thu từ 50-70 bao. Ảnh: H.T
Từ khi được tập huấn, 5 sào lúa của ông Broanh cho thu từ 50-70 bao. Ảnh: H.T

Dẫn chúng tôi đến thăm ruộng lúa và vườn cà phê của một số hộ tham gia mô hình, chị Nguyễn Thị Xuân-cán bộ Nông nghiệp xã Ia Drăng, người trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ cho biết: Những năm trước, đa phần đồng bào DTTS ở xã sau khi trồng các loại cây chỉ chú trọng vấn đề nước tưới mà ít khi làm cỏ, bón phân và phun thuốc đúng theo quy trình nên cây trồng kém phát triển. Bên cạnh đó, nhiều hộ chỉ biết sử dụng các giống cây trồng cũ, kém năng suất nên hiệu quả kinh tế không cao. Do vậy, từ năm 2014 đến nay, xã đã triển khai một số mô hình sản xuất để nâng cao năng lực canh tác cho đồng bào DTTS như mô hình “Nâng cao kỹ thuật trồng lúa nước” ở làng O, làng Sung; mô hình “Nâng cao năng suất, chất lượng cây cà phê và cây hồ tiêu” ở làng Klũ, làng Beng và làng La. Các mô hình đều được người dân tham gia tích cực và đạt hiệu quả.

Ông Puih Bronh-hộ tham gia mô hình “Nâng cao kỹ thuật trồng lúa nước” ở làng O cho biết, trước đây, sau khi cấy lúa xong, người dân làng O chỉ lấy nước cho lúa rồi chờ đến ngày thu hoạch. Từ khi trồng lúa theo hướng dẫn của cán bộ nông nghiệp xã, người dân làng O biết sử dụng giống lúa lai có năng suất cao và sạ lúa, làm cỏ, bón phân đúng quy trình nên cây lúa phát triển khỏe mạnh, ít dịch bệnh, hạt nhiều và chắc hơn. Điển hình là 3 sào lúa của gia đình ông Rơ Lan Yan trước đây chỉ thu được 10-20 bao nhưng mấy năm gần đây đều thu trên 40 bao; 1 sào lúa đất phèn của gia đình ông Rơ Mah Thô trước chỉ thu được 7 bao nhưng nay thu được 20 bao. Riêng 5 sào lúa của gia đình mình trước đây chỉ thu được 10-15 bao nhưng nay thu 50-70 bao, năm nào gặp hạn vẫn thu được 30 bao.

Tương tự, ông Siu Pốp cũng khá phấn khởi sau khi tham gia mô hình “Nâng cao năng suất và chất lượng cây cà phê” ở làng La vào năm 2015. Ông Pốp cho biết, trước đây, không chỉ riêng gia đình ông mà nhiều hộ trong làng ít khi bón phân cho cà phê, trừ những gia đình có nuôi bò. Tham gia mô hình, ông và mọi người mới bắt đầu bón phân cho cà phê và biết phủ đất lại để phân không bị bốc hơi khi gặp trời nắng nóng. Bên cạnh đó, ông và mọi người còn cắt bớt các cành cây bị bệnh hoặc cắt tỉa những cành cây nhiều lá để cây được hấp thụ ánh sáng và không bị rệp nên cà phê phát triển tốt và năng suất cao hơn. “Ngày trước, mỗi cây cà phê chỉ cho thu 5 kg quả tươi nhưng từ khi chăm sóc theo hướng dẫn của cán bộ xã, mỗi cây đạt 15-20 kg”-ông Pốp vui mừng cho hay.

Trao đổi với P.V, ông Phạm Văn Xứng-Chủ tịch UBND xã Ia Drăng cho biết thêm: Để thực hiện có hiệu quả các mô hình trên, hàng năm, xã mời cán bộ Trạm Khuyến nông huyện, Trạm Bảo vệ Thực vật huyện và một số kỹ sư nông nghiệp ở các địa phương về tập huấn kỹ thuật canh tác cho người dân. Bên cạnh đó, xã cử cán bộ nông nghiệp xuống tận nhà hướng dẫn trực tiếp quy trình, kỹ thuật canh tác cho các hộ tham gia mô hình. Sau khi mô hình kết thúc, xã mời tất cả các hộ dân tại địa phương đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm. Đồng thời, yêu cầu các hộ tham gia mô hình truyền đạt lại kinh nghiệm cho người dân trên địa bàn. Nhờ đó, đến nay, hầu hết đồng bào DTTS ở các làng đều đã nâng cao được kỹ thuật canh tác các loại cây trồng, giúp năng suất đạt cao hơn. Hiện xã đang tiếp tục nhân rộng các mô hình này cho tất cả các hộ nghèo còn lại của xã (toàn xã còn 240 hộ nghèo) để các hộ nâng cao hiệu quả sản xuất, từng bước thoát nghèo.

 Hồng Thương

Có thể bạn quan tâm