Xã hội

Nâng cao nhận thức về an toàn, vệ sinh lao động

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) là hoạt động hết sức quan trọng nhằm nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật về ATVSLĐ cho người sử dụng lao động và người lao động. Đồng thời, hoạt động này còn nhằm bảo đảm thực hiện các biện pháp cải thiện điều kiện làm việc, giảm ô nhiễm môi trường, hạn chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động.
Theo thống kê, năm 2021, trên địa bàn Gia Lai xảy ra 19 vụ tai nạn lao động, làm 18 người chết, 2 người bị thương nặng. Còn từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh xảy ra 5 vụ tai nạn lao động làm 5 người chết. Điều này cho thấy, công tác bảo đảm ATVSLĐ tại một số doanh nghiệp chưa được quan tâm đúng mức.
Từ tháng 6-2022 đến nay, đoàn kiểm tra liên ngành do Sở Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì đã tổ chức kiểm tra việc chấp hành các quy định về ATVSLĐ tại 16 dự án điện gió của các doanh nghiệp đang triển khai trên địa bàn tỉnh. Ông Trần Thanh Hải-Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội-cho biết: Quan kiểm tra cho thấy, nhiều doanh nghiệp vẫn còn lơ là, chủ quan và chưa chú trọng cải thiện môi trường làm việc an toàn; chưa báo cáo định kỳ cho Sở về tình hình sử dụng lao động theo quy định; chưa thực hiện khám sức khỏe định kỳ cho người lao động; chưa khai báo máy móc, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ; chưa thực hiện quan trắc môi trường lao động theo quy định... “Đối với những doanh nghiệp chưa thực hiện nghiêm công tác ATVSLĐ, chúng tôi đã có văn bản đề nghị khắc phục thiếu sót. Cùng với đó, chúng tôi yêu cầu doanh nghiệp thực hiện nghiêm ngặt quy trình trước khi đưa thiết bị và lao động vào làm việc tại các turbine điện gió”-ông Hải thông tin.
Bên cạnh đó, Thanh tra Sở Lao động-Thương binh và Xã hội cũng đã tiến hành thanh tra việc chấp hành pháp luật lao động tại 10 doanh nghiệp. Ông Nguyễn Tấn Thành-Chánh Thanh tra Sở Lao động-Thương binh và Xã hội-cho hay: Qua thanh tra cho thấy, việc thực hiện công tác bảo hộ lao động, ATVSLĐ, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và các chế độ quyền lợi khác cho người lao động tại các đơn vị vẫn chưa đầy đủ. Thậm chí, có doanh nghiệp trang bị bảo hộ lao động chỉ để đối phó đoàn kiểm tra. Việc khám sức khỏe định kỳ cho người lao động cũng như báo cáo tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp ở một số doanh nghiệp chưa được quan tâm thường xuyên.
Việc huấn luyện ATVSLĐ giúp công nhân hạn chế nguy cơ tai nạn lao động. Ảnh: Đinh Yến
Việc huấn luyện ATVSLĐ giúp công nhân hạn chế nguy cơ tai nạn lao động. Ảnh: Đinh Yến
Theo ông Nguyễn Hữu Tùng-Phó Trưởng phòng Chính sách lao động (Sở Lao động-Thương binh và Xã hội), tại khoản 2 Điều 5 Luật ATVSLĐ quy định các đơn vị, doanh nghiệp phải tuân thủ đầy đủ các biện pháp ATVSLĐ trong quá trình lao động; ưu tiên các biện pháp phòng ngừa, loại trừ, kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, có hại trong quá trình sản xuất. Trong trường hợp vẫn còn tồn tại các yếu tố nguy hiểm, có hại thì doanh nghiệp phải ngăn chặn, hạn chế tiếp xúc các yếu tố này thông qua việc xây dựng lưu trình làm việc, thực hiện các chế độ bảo hộ lao động, trang bị và cung cấp các thiết bị, phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động làm việc. Toàn bộ chi phí mua các phương tiện bảo hộ lao động do người sử dụng lao động chi trả.
Công ty cổ phần Điện gió Cửu An là đơn vị thực hiện khá tốt công tác huấn luyện ATVSLĐ. Ông Vương Đăng Chính-Phó Giám đốc Công ty-cho biết: Ngoài cấp phát đầy đủ phương tiện, trang-thiết bị bảo hộ cho người lao động, đơn vị còn mở các lớp tập huấn và kiểm tra sát hạch việc nắm bắt và thực hiện các nghị định, thông tư, văn bản hướng dẫn của các bộ, ngành về ATVSLĐ. Theo đó, đơn vị lựa chọn phương pháp đào tạo, kiểm tra quy trình, quy định để người lao động dễ hiểu, dễ nắm bắt, tự tin và đảm bảo an toàn. Ngoài ra, kiến nghị của người lao động về biện pháp an toàn đối với các tình huống cụ thể phát sinh trong thực tế cũng được đơn vị kịp thời giải đáp và đảm bảo thực hiện công việc theo đúng quy trình an toàn điện. Song song với công tác huấn luyện, sát hạch định kỳ vận hành máy móc của người lao động, đơn vị triển khai áp dụng phần mềm kiểm soát an toàn lao động. Việc triển khai sử dụng phần mềm này góp phần nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, kiểm soát quản lý ATVSLĐ tại các đơn vị sản xuất, kịp thời phát hiện những nguy cơ gây mất an toàn lao động để nhắc nhở người lao động, hạn chế các tai nạn đáng tiếc do lỗi chủ quan gây ra.
Về nhiệm vụ của ngành trong thời gian tới, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội chia sẻ: “Sở tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, địa phương xây dựng tài liệu, hướng dẫn huấn luyện ATVSLĐ phù hợp với từng nhóm đối tượng. Bên cạnh đó, Sở sẽ ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh và người lao động về quy trình, kỹ năng làm việc an toàn trong các lĩnh vực có nguy cơ cao tiềm ẩn mất ATVSLĐ như: xây dựng, khai thác đá, khoáng sản, điện; kiểm tra việc doanh nghiệp tổ chức khám sức khỏe định kỳ và khám phát hiện sớm bệnh nghề nghiệp cho người lao động; thường xuyên kiểm tra, cải thiện điều kiện lao động, quan trắc môi trường lao động và có các biện pháp khắc phục ngay khi các điều kiện lao động không bảo đảm an toàn cho người lao động”.
ĐINH YẾN
 
 

Có thể bạn quan tâm