Pháp luật

Nâng cao nhận thức về tảo hôn từ phiên tòa giả định

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Tòa án nhân dân huyện Chư Păh (tỉnh Gia Lai) phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân huyện, Hội Luật gia huyện và UBND xã Ia Nhin vừa tổ chức phiên tòa giả định xét xử tội “Giao cấu với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi” thu hút hơn 200 người tham gia. Đây được xem là giải pháp hiệu quả để tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, góp phần nâng cao nhận thức của người dân về những hệ lụy do tảo hôn gây ra.

Kịch bản của phiên tòa giả định được xây dựng dựa theo một vụ án có thật xảy ra tại địa phương. Theo cáo trạng giả định, năm 2018, Rơ Châm Sáng (SN 1999, trú tại xã Ia Grăng, huyện Ia Grai) đến xã Ia Phí chơi rồi quen biết và yêu Rơ Châm Thương (SN 2004, trú tại xã Ia Phí, huyện Chư Păh). Ngày 18-8-2018, do không biết rõ Thương bao nhiêu tuổi nên hai bên gia đình đã tổ chức đám cưới cho cặp đôi này theo phong tục địa phương. Sau đó, Thương lần lượt sinh 2 người con.

Khi phát hiện vụ việc, chính quyền địa phương đã thông báo cho cơ quan chức năng thụ lý, giải quyết. Kết thúc phiên tòa, Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Rơ Châm Sáng 3 năm tù về tội “Giao cấu với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi”.

Quang cảnh phiên tòa giả định tại Nhà văn hóa xã Ia Nhin. Ảnh: R.H

Quang cảnh phiên tòa giả định tại Nhà văn hóa xã Ia Nhin. Ảnh: R.H

Ông Rơ Châm Nhur-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Nhur (xã Ia Nhin) chia sẻ: Làng có 154 hộ/690 khẩu, 99% là người Jrai. Lâu nay, việc kết hôn của các cặp nam nữ trong làng khá phổ biến, chủ yếu theo phong tục tập quán. “Tại phiên tòa giả định, các cán bộ đã phân tích, giải thích hành vi và chỉ ra hậu quả của việc tảo hôn. Đây là bài học giúp bà con hiểu rõ về hệ lụy của việc kết hôn sớm, không chỉ vi phạm pháp luật mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe”-ông Nhur bộc bạch.

Còn ông Dương Minh Công-Trưởng thôn 6 thì cho hay: Từ năm 2022 đến nay, trong thôn xảy ra 1 vụ tảo hôn. Trên thực tế, công tác tuyên truyền, vận động có lúc chưa phát huy hiệu quả nên việc tổ chức phiên tòa giả định là một giải pháp mang lại hiệu quả thiết thực, giúp người dân hiểu rõ hơn về quy định của pháp luật. Từ phiên tòa này, tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động bà con chấp hành tốt quy định của pháp luật, không tổ chức kết hôn khi chưa đủ tuổi. Tôi cũng mong muốn các đơn vị sẽ tiếp tục thực hiện nhiều phiên tòa tương tự trong thời gian tới.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Thế Chiến Thắng: Từ năm 2022 đến nay, trên địa bàn xã Ia Nhin xảy ra 3 trường hợp tảo hôn. Ủy ban nhân dân xã đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 2 trường hợp. Chính quyền địa phương cũng đã đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cho người dân. Việc các đơn vị tổ chức phiên tòa giả định trực quan, sinh động tác động trực tiếp đến nhận thức của người dân, đặc biệt là thanh-thiếu niên, học sinh.

Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Văn Bảo-Chánh án Tòa án nhân dân huyện Chư Păh-thông tin: Nguyên nhân xảy ra tình trạng kết hôn chưa đủ tuổi, quan hệ tình dục sớm là do trình độ dân trí và nhận thức về pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế; gia đình, nhà trường thiếu sự kiểm soát, quản lý và giáo dục kiến thức về sức khỏe sinh sản, giới tính. Qua phiên tòa giả định, chúng tôi mong muốn người dân hiểu rõ các quy định của pháp luật về độ tuổi kết hôn. Ia Nhin là xã đầu tiên chúng tôi tổ chức phiên tòa giả định trong năm 2023. Thời gian tới, tùy theo yêu cầu của các xã, thị trấn, chúng tôi tiếp tục tổ chức các phiên tòa giả định trên nhiều lĩnh vực sát thực tế tại địa phương, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho người dân.

Có thể bạn quan tâm