Là 1 trong 36 thí sinh tham gia Hội thi cán bộ giảng dạy chính trị năm 2023 của Quân đoàn 3, Thiếu tá Nguyễn Huy Quân-Trợ lý Chính trị Phòng Chính trị (Lữ đoàn Công binh 7) rất tự tin với quá trình chuẩn bị của mình. Bởi trên cương vị Trợ lý Chính trị, Thiếu tá Quân có rất nhiều thuận lợi trong việc triển khai thực hiện các chỉ đạo trong công tác Đảng, công tác chính trị của đơn vị; tham mưu giúp chỉ huy đơn vị triển khai các chủ trương, nghị quyết.
Thiếu tá Quân cho biết: “Hội thi không chỉ giúp chúng tôi tích lũy những kiến thức bổ ích mà còn là dịp để trau dồi và nâng cao kiến thức có liên quan để về tham mưu, áp dụng vào thực tiễn của đơn vị. Phần soạn thảo giáo án, thi trắc nghiệm và thực hành bài giảng đòi hỏi phải có kiến thức tổng hợp, khả năng phân tích, diễn thuyết”. Nhờ sự chuẩn bị chu đáo và bản lĩnh vững vàng, Thiếu tá Quân đã đạt giải nhất khối cán bộ là trợ lý tuyên huấn lữ đoàn; chính trị viên, chính trị viên phó cấp tiểu đoàn, đại đội.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Lanh-Chính ủy Quân đoàn 3 trao thưởng cho các cá nhân đạt giải. Ảnh: Vĩnh Hoàng |
Các thí sinh tham gia hội thi cán bộ giảng dạy chính trị năm 2023 của Quân đoàn 3 và Binh đoàn 15 đều phải thực hiện 3 phần thi gồm: soạn bài giảng, trắc nghiệm và thực hành bài giảng chính trị. Ở phần thi soạn bài giảng, ngoài nội dung đề cương đã chuẩn bị từ trước, mỗi thí sinh phải soạn đề cương trình chiếu Powerpoint trực tiếp trên máy tính do Ban tổ chức hội thi bố trí; yêu cầu trong thời gian 90 phút phải soạn 10 slide theo mẫu soạn đề cương.
Là người đạt giải nhất phần thi soạn đề cương, Trung tá Đặng Duẩn-Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn Kinh tế-Quốc phòng 710 (Binh đoàn 15) cho hay: “Làm cán bộ chính trị của đơn vị nhiệm vụ rất nặng nề, vừa đòi hỏi khả năng tổng hợp, bao quát, vừa cần có kỹ năng triển khai nhiệm vụ về công tác Đảng, công tác chính trị. Chính vì thế, hội thi giúp chúng tôi rèn luyện khả năng tổng hợp những kiến thức, nhiệm vụ của đơn vị. Trong phần soạn thảo bài giảng và tiến hành giảng bài, ngoài căn cứ vào các quy định, thí sinh phải biết liên hệ với đơn vị mình, đặt ra những tình huống, những vấn đề mới phát sinh để triển khai xử lý. Cùng với đó, nội dung bài giảng phải ngắn gọn, súc tích, có hình ảnh, sơ đồ minh họa thì mới không khô cứng, thu hút được người nghe”.
Đại tá Nguyễn Thanh Phong-Phó Chính ủy Quân đoàn 3-cho rằng: Cán bộ chính trị trong quân đội là đội ngũ giữ “linh hồn, mạch sống” của đơn vị, bảo đảm sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng. Năng lực thực tiễn của cán bộ chính trị là tổng hòa khả năng tham mưu, chủ trì và tiến hành công tác Đảng, công tác chính trị nhằm xây dựng và phát huy nhân tố chính trị tinh thần, xây dựng đơn vị vững mạnh về chính trị, luôn sẵn sàng chiến đấu bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong mọi tình huống.
Đó là tổng hợp những kiến thức, kỹ năng đã được thu lượm trong quá trình học tập, công tác và khả năng vận dụng kiến thức, kỹ năng đó vào thực hiện các nhiệm vụ trên cương vị, chức trách được giao. Chính vì thế, hội thi là cơ hội đánh giá đúng thực chất đội ngũ cán bộ chính trị, từ đó có những kế hoạch để nâng cao chất lượng đội ngũ này.
Các thí sinh thực hiện phần thi soạn bài giảng tại Hội thi cán bộ giảng dạy chính trị của Binh đoàn 15. Ảnh: Vĩnh Hoàng |
Theo đánh giá của các ban tổ chức hội thi: Trong phần soạn giáo án bài giảng, thí sinh đã bám sát các nội dung cơ bản trong kế hoạch, hướng dẫn, xác định theo từng đối tượng giảng dạy. Hầu hết đề cương được chuẩn bị công phu, lựa chọn chuyên đề phù hợp đối tượng người học; có bố cục rõ ràng, kết cấu cân đối, chặt chẽ, đúng hướng dẫn, quy chế về công tác chính trị. Nội dung trình bày có hệ thống, logic, đầy đủ, rõ ràng, chính xác; nêu bật được những vấn đề quan trọng, những điểm mới, đi sâu phân tích, làm rõ phần trọng tâm, trọng điểm bằng những luận chứng, luận cứ cụ thể, thuyết phục cao, chuyển tải được tinh thần cốt lõi của bài giảng...
Ở phần thi kiến thức, hầu hết thí sinh nắm chắc các nghị quyết, chỉ thị, hướng dẫn, quy định của Đảng, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam. Thông qua hội thi, đội ngũ cán bộ chính trị không chỉ được rèn luyện bản lĩnh, cập nhật, bổ sung các kiến thức mới mà còn được tiếp cận với việc xử lý các tình huống mới, từ đó góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ của mình.