Pháp luật

Tin tức

Nâng giá thiết bị y tế: Doanh thu 375 tỉ, bệnh viện chỉ thu 21 tỉ, tiền còn lại đi đâu?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Hệ thống chụp cộng hưởng từ 1.5 Tesla doanh thu 10 năm gần 375 tỉ, Bệnh viện K chỉ thu được 21 tỉ, tức mỗi năm 2,1 tỉ, trong khi thu của bệnh nhân trên 37,5 tỉ đồng.

 Người nhà và bệnh nhân làm các thủ tục khám chữa bệnh tại Bệnh viện K, cơ sở Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội - Ảnh: NAM TRẦN
Người nhà và bệnh nhân làm các thủ tục khám chữa bệnh tại Bệnh viện K, cơ sở Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội - Ảnh: NAM TRẦN


Theo thông tin của Tuổi Trẻ, tình trạng nâng giá thiết bị y tế xuất hiện ở nhiều bệnh viện khiến giá thiết bị y tế bị đẩy lên rất cao so với thực tế, người bệnh bị 'móc túi' trong khi phần lợi nhuận trên giấy tờ mà bệnh viện nhận được rất ít ỏi.

Vụ án nâng khống thiết bị y tế tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) đã "vén màn" những tiêu cực trong hoạt động liên doanh liên kết, xã hội hóa và việc đầu tư trang thiết bị y tế tại nhiều bệnh viện.

Không chỉ Bệnh viện Bạch Mai

Ngày 28-9, theo nguồn tin của Tuổi Trẻ, từ năm 2007 đến nay, Bệnh viện Bạch Mai đã triển khai 35 đề án xã hội hóa, góp vốn liên doanh với các doanh nghiệp và cán bộ nhân viên để đặt thiết bị y tế phục vụ khám chữa bệnh tại một số khoa.

Hiện tại bệnh viện đã thanh lý hợp đồng 10 đề án, còn lại 25 đề án đang thực hiện. Trong đó 23 đề án với 10 đối tác là các công ty bên ngoài, 2 đề án do cán bộ công nhân viên tại các khoa, trung tâm của bệnh viện góp vốn thực hiện.

Tính đến ngày 31-12-2019, tổng doanh thu khám chữa bệnh của 25 đề án là hơn 2.500 tỉ đồng. Sau khi trừ chi phí đầu tư, đối tác là các công ty hưởng gần 1.000 tỉ đồng, bệnh viện thu về hơn 725 tỉ đồng. Trong đó các khoa, trung tâm của bệnh viện được hưởng 209 tỉ đồng, còn lại 516 tỉ đồng nhập vào các quỹ đầu tư phát triển và quỹ lương, thu nhập tăng thêm của bệnh viện được quản lý tại Kho bạc Nhà nước Hà Nội...

Kết quả điều tra ban đầu cũng xác định giai đoạn 2009-2019, giám đốc bệnh viện Nguyễn Quốc Anh đã trực tiếp chỉ đạo thực hiện các đề án liên doanh liên kết đầu tư trang thiết bị y tế. Quá trình thực hiện có nhiều dấu hiệu sai phạm trong điều hành, quản lý, vì động cơ cá nhân, một số nguyên lãnh đạo bệnh viện đã vi phạm nghiêm trọng các quy định pháp luật, gây thiệt hại lớn về tiền, tài sản của người bệnh và tiền của Bảo hiểm y tế.

Đặc biệt, trong đó nổi lên 2 robot Mako và Rosa đã bị đẩy giá 2-4 lần so với giá mua vào, khiến người bệnh phải chi gấp nhiều lần chi phí khấu hao thiết bị trên mỗi ca phẫu thuật (từ hơn 4 triệu lên hơn 23 triệu đồng).

Tình trạng nâng giá thiết bị không chỉ có tại Bệnh viện Bạch Mai. Theo tài liệu của Tuổi Trẻ, gần đây Bệnh viện K có đầu tư bằng ngân sách nhà nước một robot Da Vinci Xi sử dụng phẫu thuật cho bệnh nhân ung thư. Đây được cho là loại robot phẫu thuật hiện đại.

Tờ khai hải quan lập ngày 3-10-2019 đối với hệ thống robot nội soi Da Vinci Xi và các phụ kiện kèm theo có giá trên hóa đơn là 2,2 triệu USD, giá để tính thuế là hơn 50,9 tỉ đồng, cộng với tiền thuế giá trị gia tăng (5%), tổng giá trị thiết bị này xấp xỉ 53,5 tỉ đồng. Tuy nhiên theo quyết định trúng thầu, giá thiết bị này khi được bán vào bệnh viện đã lên tới trên 88 tỉ đồng.

Trả lời Tuổi Trẻ ngày 28-9, Bệnh viện K cho rằng bệnh viện mua thiết bị thông qua đấu thầu rộng rãi, giá khai hải quan của thiết bị hơn 50 tỉ đồng là chưa tính các thành phần cấu thành trên hợp đồng như chi phí đào tạo, chuyển giao công nghệ từ nhà sản xuất để bệnh viện vận hành thành thạo trang thiết bị và chi phí bảo hành.

Trước đó, một bệnh viện tuyến trung ương ở Hà Nội cũng mua loại robot phẫu thuật nội soi cho trẻ em giá lên tới... 95 tỉ đồng.


 

 Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội - Ảnh: NAM TRẦN
Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội - Ảnh: NAM TRẦN


Bệnh nhân, bệnh viện đều bị thiệt

Cơ quan điều tra đã làm rõ doanh thu từ các hệ thống máy trong đề án liên doanh liên kết đặt tại Bệnh viện Bạch Mai đã được trích 2 - 7% chuyển về các khoa. Trong 25 đề án mà bệnh viện này đã triển khai, doanh thu chuyển về các khoa là 209 tỉ đồng. Riêng khoa chẩn đoán hình ảnh được nhận hơn 134 tỉ đồng.

Số tiền này đã được các khoa chi cho nhân viên và các lãnh đạo khoa, lãnh đạo bệnh viện, trong đó có một số cá nhân là lãnh đạo khoa đã được chia số tiền hơn 5 tỉ đồng. Việc các khoa được hưởng số tiền lớn như vậy, theo cơ quan điều tra, là có dấu hiệu của hành vi lập quỹ trái phép và hành vi vụ lợi.

Bệnh viện Bạch Mai là bệnh viện lớn vào loại nhất nước, với nguồn thu rất lớn lên tới cả chục ngàn tỉ đồng/năm. Nhưng đầu tư trở lại cho cơ sở vật chất không nhiều, hầu hết thiết bị y tế (máy chụp cộng hưởng từ, robot phẫu thuật...) của bệnh viện là nguồn xã hội hóa. Điều đó cho thấy lợi nhuận từ dịch vụ y tế không chảy vào ngân sách của bệnh viện mà chảy vào túi một số cá nhân.

Tài liệu điều tra cũng cho thấy có tình trạng tăng hoặc lạm dụng chỉ định sử dụng trang thiết bị y tế xã hội hóa trong dịch vụ khám chữa bệnh, làm gia tăng gánh nặng chi phí cho người bệnh.

Một dự án xã hội hóa ở Bệnh viện K cho thấy sau khi trừ các chi phí chụp CT scanner 64 dãy và 128 dãy (không bao gồm thuốc cản quang) chi phí 3,5 triệu đồng/ca, bệnh viện và công ty chỉ được lợi nhuận trên 170.000 đồng, chia 50/50, mỗi bên chỉ được nhận trên 85.000 đồng/ca bệnh.

Con số này là rất bất thường, khi nhà đầu tư nào bỏ ra tiền tỉ lại chấp nhận lợi nhuận mỗi ca chụp chỉ 85.000 đồng. Bệnh viện cũng có mặt bằng, có thương hiệu, có bệnh nhân, có bác sĩ nhưng cũng chỉ thu được 85.000 đồng/ca.

Nhưng không chỉ thiết bị này, mà hàng loạt thiết bị khác đầu tư theo diện xã hội hóa tại bệnh viện này cũng có khoản thu về cho bệnh viện ít đến đáng thương: hệ thống chụp CT 128 lát cắt doanh thu 10 năm là hơn 211 tỉ đồng, nhưng bệnh viện chỉ thu được trên 6 tỉ, tức mỗi năm bệnh viện thu được khoản lợi nhuận chỉ hơn 600 triệu đồng, trong khi bệnh nhân phải chi hơn 20 tỉ.

Hệ thống chụp cộng hưởng từ 1.5 Tesla doanh thu 10 năm gần 375 tỉ, bệnh viện chỉ thu được 21 tỉ, tức mỗi năm 2,1 tỉ, trong khi thu của bệnh nhân trên 37,5 tỉ đồng.

Trả lời Tuổi Trẻ, đại diện Bệnh viện K cho rằng lý do phần lợi nhuận bệnh viện thu được trong các đề án xã hội hóa quá thấp là do bệnh viện đã xây dựng giá thu trên cơ sở bù đắp chi phí và tích lũy không quá 10% để đảm bảo giá thu thấp cho người bệnh.

Bệnh viện cũng cho rằng hằng năm đều rà soát, thương thảo, điều chỉnh các hợp đồng liên doanh liên kết, mức viện phí để "hài hòa lợi ích nhà đầu tư, bệnh viện và người bệnh".


 

 Bệnh nhân và người nhà bệnh nhân khám chữa bệnh tại Bệnh viện K, cơ sở Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội - Ảnh: NAM TRẦN
Bệnh nhân và người nhà bệnh nhân khám chữa bệnh tại Bệnh viện K, cơ sở Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội - Ảnh: NAM TRẦN


Cảnh giác với hợp đồng "xã hội hóa"

Theo lãnh đạo một bệnh viện ở Hà Nội, năm 2018 bệnh viện này từng chuẩn bị tham gia một dự án xã hội hóa máy chụp CT, giá thiết bị hiện đại nhất loại này khi đó là 3,4 tỉ đồng, nhưng dự án liên doanh đã đẩy giá lên 6 tỉ, chưa kể điều khoản "cài" vào hợp đồng là bóng đèn thay hằng năm (200 triệu đồng/năm) sẽ do bệnh viện chi trả.

Nếu tính tổng số cả thiết bị thay thế và giá máy thì giá thiết bị trong 8 năm liên kết lên tới 7,6 tỉ đồng, cao hơn 2 lần so với giá máy ban đầu. Khi đó vị lãnh đạo kể trên đã quyết liệt từ chối dự án này, mặc dù có một số đồng sự đã chấp thuận. "Nếu không tỉnh táo sẽ dễ bị các điều khoản cài vào hợp đồng dắt mũi" - vị lãnh đạo này cho biết.

LAN ANH

Nhiều bệnh viện làm sai quy định 

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một thanh tra viên cao cấp của Thanh tra Chính phủ cho biết việc liên doanh liên kết trong các bệnh viện thực hiện theo quy định tại thông tư 15 năm 2007 của Bộ Y tế. Thông tư 15 đã tạo ra hành lang pháp lý để huy động nguồn vốn xã hội rất lớn phục vụ nhu cầu cấp bách về khám chữa bệnh cho nhân dân trong khi ngân sách nhà nước còn hạn hẹp. 

"Tuy nhiên quá trình thực hiện, nhiều cơ sở khám chữa bệnh và doanh nghiệp liên kết đã thực hiện sai các quy định của thông tư 15 và các quy định pháp luật liên quan" - vị này phân tích.  Thời gian qua, công tác thanh tra, điều tra đã làm rõ một số vi phạm phổ biến như thẩm định giá trái pháp luật theo hướng đẩy giá thiết bị lên cao; tăng chi phí vận hành, đào tạo, bảo hành bảo trì... Việc ký kết hợp đồng liên kết dưới hình thức doanh nghiệp góp vốn bằng thiết bị y tế hoặc doanh nghiệp cho bệnh viện mượn thiết bị để sử dụng kèm theo điều khoản cam kết mua hóa chất, vật tư độc quyền từ đối tác và không quy định định mức tiêu hao hóa chất... 

"Thực tế cho thấy một số bệnh viện tăng chỉ định sử dụng các máy xã hội hóa để nhanh thu hồi vốn, tăng thu nhập cho bên góp vốn. Việc này kết hợp với việc tăng giá trị vốn góp đầu vào sẽ càng làm gia tăng lợi ích của doanh nghiệp. Mặt khác, khi thiết bị đã thu hồi đủ vốn so với hợp đồng đã ký, các bệnh viện tiếp tục sử dụng nhưng không giảm giá dịch vụ, không tính toán lại tỉ lệ phân chia lợi nhuận" - thanh tra viên cao cấp phân tích. 

THÂN HOÀNG


Theo THÂN HOÀNG - HỒNG HÀ  (TTO)

Có thể bạn quan tâm