Kinh tế

Nâng giá trị hạt gạo Cửu An

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhiều hộ dân ở xã Cửu An (thị xã An Khê) đã đầu tư xây dựng nhà xưởng, máy móc, thiết bị để sản xuất bún, bánh, phở khô... không chỉ giải quyết đầu ra cho người trồng lúa mà còn nâng cao giá trị hạt gạo, tăng thu nhập cho gia đình.
Những cơ sở sản xuất bánh tráng, bún phở khô trên địa bàn xã Cửu An không chỉ góp phần giải quyết công ăn việc làm trong những lúc nông nhàn, còn nâng cao giá trị, đầu ra cho hạt gạo. Ảnh: N.M
Những cơ sở sản xuất bánh tráng, bún phở khô trên địa bàn xã Cửu An không chỉ góp phần giải quyết công ăn việc làm trong những lúc nông nhàn, còn nâng cao giá trị, đầu ra cho hạt gạo. Ảnh: N.M
CHẾ BIẾN BÚN, PHỞ KHÔ
Trong thời gian làm thuê cho các cơ sở làm bún, bánh trên địa bàn TP. Pleiku, anh Nguyễn Văn Diện (thôn Phước Bính) đã học được nghề làm bún, phở khô và quyết tâm phát triển nghề trên chính mảnh đất quê hương. Được gia đình ủng hộ, đầu năm 2009, anh Diện đầu tư máy móc, cải tạo khuôn viên sau nhà thành xưởng sản xuất, chế biến và đăng ký kinh doanh với thương hiệu Thúy Lan. Anh Diện cho hay: Với nguồn lúa gạo dồi dào, có máy móc hỗ trợ cộng thêm kỹ thuật chế biến hiện đại sẽ biến hạt gạo thô cứng thành các sản phẩm bún, phở mang lại hiệu quả kinh tế cao. “Bình quân mỗi năm, gia đình tôi mua hơn 10 tấn gạo, sản xuất ra khoảng 10 tấn bún, phở khô thành phẩm. Với giá bán dao động 18.000-19.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, tôi thu về trên 50 triệu đồng/năm. Nhờ vậy, gia đình có thêm thu nhập trang trải cuộc sống và mua vật tư phân bón, giống cây trồng phục vụ sản xuất nông nghiệp”-anh Diện chia sẻ.
Anh Nguyễn Văn Diện (bìa phải) đóng gói sản phẩm giao cho khách hàng. Ảnh: N.M
Anh Nguyễn Văn Diện (bìa phải) đóng gói sản phẩm giao cho khách hàng. Ảnh: N.M
Nói về quy trình sản xuất bún, phở khô, anh Diện cho hay: Để có những sợi bún mỏng, trắng trong, anh đem ngâm gạo khoảng 1 giờ đồng hồ rồi bỏ vào xay thành bột mịn. Sau khi để bột lắng, chắt phần nước trong phía trên, bỏ bột vào túi lọc rồi dùng máy nén xuống để tách hết nước ra khỏi bột. Bột khô sẽ được đưa vào máy ép ra những sợi bún, phở, tiếp đến đem ra hong khô dưới nắng. Nhanh tay lật từng nắm bún dưới nắng vàng, anh Diện nói: “Từ hạt gạo đến khi thành phẩm đóng gói mất hơn 40 tiếng đồng hồ. Sản phẩm hoàn toàn không có chất bảo quản, có thể dùng dần từ 6 tháng đến 1 năm”.
Sản phẩm bún, phở khô của gia đình anh Diện đang được tiêu thụ mạnh trên địa bàn thị xã An Khê và các huyện lân cận. Bà Hồ Thị Minh Loan-chủ cửa hàng tạp hóa tại Trung tâm Thương mại thị xã An Khê-cho biết: “Mấy năm gần đây, tôi chủ yếu nhập hàng của cơ sở Thúy Lan về bán. Các sản phẩm được đóng gói sạch sẽ, gọn gàng, có nhãn mác, hạn sử dụng, địa chỉ, điện thoại cơ sở sản xuất nên người tiêu dùng rất an tâm về chất lượng. Bình quân mỗi tháng tôi nhập khoảng 50 kg bún, phở khô, vừa bán lẻ vừa bỏ mối cho một số bạn hàng tại các huyện Kông Chro, Đak Pơ”.
PHÁT HUY NGHỀ TRUYỀN THỐNG
Chúng tôi đến thôn An Điền Bắc đúng thời điểm gia đình anh Nguyễn Văn Út-chủ cơ sở sản xuất bánh tráng Út Hợp đang tất bật thu gom những vỉ bánh no nắng, kêu lộp rộp. Gạt vội giọt mồ hôi, anh Út nhanh nhảu nói: “Hôm nay nắng vàng đẹp, phơi chưa được 1 giờ đồng hồ bánh đã khô cong. Phải thu cất nhanh chứ để thêm xíu nữa bánh quá khô sẽ bị giòn, dễ vỡ”.
Chỉ trong khoảng 10 phút, 650 vỉ bánh đã được đưa hết vào trong nhà xưởng, xếp thành từng chồng ngay ngắn. Trong lúc đợi bánh hả hơi, anh Út tâm sự: Gia đình anh có 600 m2 ruộng lúa và 5 ha keo. Hiện keo chưa tới kỳ thu hoạch nên chi tiêu trong gia đình khá khó khăn. Để kiếm tiền trang trải cuộc sống, vợ anh nảy ra ý tưởng phát triển nghề làm bánh tráng mà xưa nay các bà, các mẹ vẫn làm. Giữa năm 2019, vợ chồng anh Út vay mượn và gom góp được 200 triệu đồng để xây nhà xưởng, mua máy móc, dụng cụ tráng bánh. Chỉ tay vào chồng bánh, anh Út kể: Những miếng bánh sẽ được gỡ ra khỏi vỉ và cắt thành từng cái vuông 30x30 cm. Bánh đạt tiêu chuẩn là không rách vỡ, trăm cái như một. Để làm được như vậy, trong quá trình pha bột không được để quá lỏng hoặc quá đặc; hòa bột gạo với bột mì theo tỷ lệ 50/50 thì bánh sẽ có độ mềm và dẻo. Bánh được hấp bằng máy nên năng suất cao hơn làm thủ công, vì thế giá thành rẻ hơn bánh được tráng theo cách truyền thống 3.000-5.000 đồng/ràng (20 cái). 
Mỗi năm gia đình anh Nguyễn Văn Út (thôn An Điền Bắc, xã Cửu An) thu nhập từ nghề tráng bánh tráng từ 18-21 triệu đồng. Ảnh: N.M
Mỗi năm gia đình anh Nguyễn Văn Út (thôn An Điền Bắc, xã Cửu An) thu nhập từ nghề tráng bánh tráng từ 18-21 triệu đồng. Ảnh: N.M
Chị Nguyễn Thị Hồng Huy-vợ anh Út-chia sẻ: Mỗi ngày, gia đình sản xuất được 4.200 cái bánh tráng, tương ứng 210 ràng. Ngoài ra, cơ sở của chị còn sản xuất bánh tráng dùng cuốn chả ram. Sản phẩm được mang bỏ mối cho các cửa hàng tạp hóa và quán ăn trên địa bàn thị xã An Khê. Bánh tráng nhúng có giá 11.000 đồng/ràng, bánh tráng gói chả ram giá 9.000 đồng/gói (80 miếng). Sau khi trừ chi phí, gia đình anh chị thu nhập trên dưới 20 triệu đồng/tháng. “Dự kiến thời gian tới, cơ sở sẽ đăng ký nhãn hiệu sản phẩm, đầu tư nâng cấp máy móc để làm ra sản phẩm có chất lượng cao hơn. Vì thế, gia đình rất mong được tạo điều kiện vay vốn ưu đãi”-chị Huy chia sẻ thêm.
Bà Nguyễn Thị Phúc-Phó Chủ tịch UBND xã Cửu An: “Với diện tích lúa nước 145 ha, năng suất lúa đạt trên 8 tấn/ha, xã Cửu An có nguồn lúa gạo khá dồi dào. Trên địa bàn xã hiện có 5 cơ sở và hộ gia đình sản xuất bánh tráng và chế biến bún, phở khô... không chỉ góp phần giải quyết việc làm trong những lúc nông nhàn mà còn nâng cao giá trị, đầu ra cho hạt gạo. Thời gian tới, xã sẽ tiếp tục đăng ký cho các cơ sở này tham gia tập huấn về vệ sinh an toàn thực phẩm; phối hợp với cơ quan chuyên môn tạo điều kiện cho người dân vay vốn ưu đãi để đầu tư sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm”.
NGỌC MINH

Có thể bạn quan tâm