Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Năng lực và nhân cách của báo giới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Cuối tháng 5 vừa rồi, Hội Nhà báo Việt Nam có công văn đề nghị các cơ quan báo chí tham gia góp ý dự thảo “Tiêu chí cơ quan báo chí văn hóa và văn hóa của người làm báo” trước khi ban hành.
Theo nhà báo Nguyễn Đức Lợi-Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, mục đích xây dựng và ban hành tiêu chí trên xuất phát từ yêu cầu thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về “Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại” và kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, cũng như hướng tới kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21-6.
Từ đó, Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông, Báo Nhân Dân phối hợp tổ chức phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí” với mục đích nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức Đảng, lãnh đạo các cơ quan báo chí về cơ quan báo chí văn hóa và văn hóa của người làm báo, trở thành tiêu chí thi đua hàng năm đối với các cơ quan báo chí, Hội Nhà báo Việt Nam các cấp.
Xây dựng và ban hành các tiêu chí là để thống nhất thực hiện, để có cơ sở nhận xét, đánh giá, xếp loại kết quả và có hình thức động viên, khen thưởng kịp thời phong trào thi đua sau một thời gian phát động. Vì vậy, đó là việc làm cần thiết. Nhìn chung các tiêu chí đưa ra ngắn gọn, nội dung dễ hiểu, thiết thực. Theo đó, dự thảo đưa ra 5 tiêu chí về cơ quan báo chí văn hóa, 6 tiêu chí về văn hóa của người làm báo. Nội dung các tiêu chí là sự cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam, có tính đến nội quy, quy chế, quy định của các cơ quan báo chí, hội nhà báo các cấp.
Trong các tiêu chí cơ quan báo chí văn hóa, người viết dành sự quan tâm đến tiêu chí thứ 4: “Đề cao yếu tố văn hóa trong báo chí, truyền thông; nêu cao tính nhân văn, tinh thần tương thân tương ái hướng đến các giá trị chân-thiện-mỹ; lan tỏa những điều tốt đẹp, bồi đắp nền tảng tinh thần xã hội”. Đường lối, chủ trương đúng đắn của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước là xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Lịch sử dân tộc cho thấy ở vào những thời điểm thử thách “bước ngoặt”, “sinh tử”, những giá trị tốt đẹp của con người, văn hóa Việt Nam lại càng được tỏa sáng.
Và trên thực tế, chúng ta đã thu được nhiều kết quả tốt đẹp, truyền thống, bản sắc văn hóa, hồn cốt, con người Việt Nam còn mãi trường tồn, tiếp tục giàu thêm, đẹp thêm. Báo chí, truyền thông ra sức chuyển tải những điển hình có những thành tích xuất sắc trên lĩnh vực này, những phong tục đẹp, tính nhân văn nhân ái của người Việt, lan tỏa giá trị chân-thiện-mỹ, lối sống cao đẹp, tích cực. Không dẫn chứng hùng hồn, sinh động nào hơn tinh thần nhân văn nhân ái Việt Nam trong đại dịch vừa qua. Tuy nhiên, cũng từ mặt trái của cơ chế xã hội, không ít cơ quan truyền thông, báo chí đã có phần “lạm dụng”, khoét sâu vào thói tật, lối sống thực dụng, những tệ nạn xã hội nhằm câu khách, giật gân độc giả.
Chúng ta thừa nhận độc giả ngày nay không có nhiều thì giờ để xem hết báo này tới báo khác, không còn “ú ớ”, dễ dãi trước những thông tin ít giá trị, thiếu nhanh nhạy. Vậy thì những thông tin, hình ảnh diễn viên, nghệ sĩ hở hang, những cướp-giết-hiếp,… trên một số tờ báo (cả in và điện tử), mạng xã hội là để làm gì? Thông tin giật gân để câu view, “tranh thủ” công chúng thích, chia sẻ, bình luận... Dẫu vậy, vẫn là điều khó chấm dứt ngày một ngày hai, trong thời đại cạnh tranh thông tin, báo điện tử và mạng xã hội lên ngôi. Chỉ khi lãnh đạo các cơ quan báo chí, mạng xã hội tuân thủ nghiêm quy định pháp luật, chế tài xử lý đủ sức ngăn chặn và răn đe thì tiêu chí thứ 4 đối với cơ quan báo chí văn hóa mới được thực thi đầy đủ.
Tiêu chí thứ hai có nội dung: “Không lạm dụng nghề nghiệp, sách nhiễu, sa ngã trước cám dỗ, giữ gìn phẩm giá, tư cách người làm báo trong sáng trong quá trình tác nghiệp” và tiêu chí thứ ba: “Tôn trọng quyền con người, quyền riêng tư, không gây tổn thương tinh thần, nhân phẩm, danh dự của cá nhân và tổ chức…”. Gai góc, hiền lành, bộc trực, thậm chí đốp chát,… mỗi nhà báo một tính cách. Nhưng chung quy có hai điều nhà báo ghi điểm trong con mắt độc giả nói chung, đó là năng lực và nhân cách.
Gần 30 năm làm nghề, người viết hồ đồ, mạo muội cho rằng, nhà báo cũng là con người, hỷ nộ ái ố, tham sân si... đủ cả. “Hơn thua” nhau là ở chỗ tự ý thức cái gì nên làm, cái gì nên tránh, là sự “miễn dịch” trước cám dỗ, dục vọng, nhất quán trước sau trong nhân cách của mình. Trước cám dỗ của lợi ích vật chất, tiền bạc, sắc đẹp, thời gian qua, một số nhà báo đã “nhúng chàm” chịu chế tài pháp luật nghiêm khắc, cũng là vi phạm tiêu chí thứ hai này. Nhưng may mắn thay, đó chỉ là số ít những “con sâu làm rầu nồi canh”.
Cuộc sống vận động và biến đổi không ngừng. Quản trị xã hội vì vậy cũng phải có đường hướng và chính sách phù hợp. Một nền báo chí theo xu hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại thì yếu tố văn hóa trong cơ quan, người làm báo cũng phải đáp ứng yêu cầu cuộc sống đặt ra. Với mỗi nhà báo, cái gọi là văn hóa của người làm báo thực ra là sự đánh giá của xã hội, tổ chức về sự hiểu biết và ứng xử của mình như thế nào trong quá trình công tác và trong sinh hoạt đời thường. Nhà báo ứng xử cho ra là người có hiểu biết để được xem là có văn hóa, chưa bao giờ là điều dễ dàng. Có phải đó là điều phải học hỏi, rèn luyện cả đời!
THẤT SƠN
 

Có thể bạn quan tâm