Thời sự - Bình luận

Nâng tầm năng lực công nghệ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Dòng vốn FDI chảy vào lĩnh vực công nghệ cao trở thành điểm sáng khi Samsung, Canon, Foxconn, Apple... gia tăng đầu tư, mở rộng trung tâm sản xuất ở Việt Nam.

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 11 tháng đầu năm 2024, tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký đạt 31,4 tỉ USD - tăng 23,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó vốn thực hiện đạt 21,7 tỉ USD.

Dòng vốn FDI chảy vào lĩnh vực công nghệ cao trở thành điểm sáng khi Samsung, Canon, Foxconn, Apple... gia tăng đầu tư, mở rộng trung tâm sản xuất ở Việt Nam. Gần đây nhất là sự kiện Chính phủ Việt Nam cùng NVIDIA ký thỏa thuận xây dựng một trung tâm nghiên cứu và phát triển AI đầu tiên tại Đông Nam Á cùng một trung tâm dữ liệu. Sự hiện diện của NVIDIA, bên cạnh nhiều "gã khổng lồ" công nghệ, được kỳ vọng giúp Việt Nam vươn tầm trong thu hút dòng vốn FDI.

Lĩnh vực đầu tư được các tập đoàn công nghệ nêu trên tập trung vào gồm công nghệ thông tin, sản xuất điện tử, linh kiện điện tử, chip bán dẫn, công nghệ chính xác, bảng mạch in công nghệ cao, cơ sở hạ tầng công nghệ. Các khu công nghiệp sinh thái đang trở thành tiêu chí lựa chọn của doanh nghiệp (DN) FDI với mục tiêu phát triển bền vững, song hành giữa lợi ích kinh tế và trách nhiệm với cộng đồng.

Sự chuyển dịch dòng vốn FDI vào Việt Nam thời gian qua từ lĩnh vực thâm dụng lao động sang công nghệ cao đã mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế nói chung và ngành công nghiệp nói riêng. Bên cạnh tạo ra cơ hội việc làm cho nguồn nhân lực chất lượng cao, dự án FDI công nghệ cao còn giúp nâng cao năng lực và sức cạnh tranh của DN trong nước, cải thiện cơ sở hạ tầng công nghệ... Từ đó, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, đặc biệt là trong các lĩnh vực công nghệ thông tin, điện tử và sản xuất.

Để dòng vốn công nghệ lan tỏa, giúp DN Việt tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, nhà nước cần đầu tư vào giáo dục - đào tạo để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; khuyến khích DN FDI chuyển giao công nghệ tiên tiến thông qua các chương trình hợp tác, đào tạo và hỗ trợ kỹ thuật; đầu tư vào cơ sở hạ tầng công nghệ - bao gồm mạng lưới viễn thông, internet tốc độ cao và các khu công nghiệp công nghệ cao.

Đặc biệt, cần có gói hỗ trợ tài chính, như vay vốn lãi suất ưu đãi, để hỗ trợ DN trong nước đầu tư vào công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh. Song song đó là ưu đãi thuế cho DN đầu tư vào công nghệ cao và nghiên cứu - phát triển (R&D); có chính sách ưu đãi thuế hấp dẫn; cung cấp dịch vụ hỗ trợ tư vấn pháp lý, kế toán, dịch vụ hành chính khác... Các chính sách này cùng với môi trường kinh doanh ổn định và minh bạch sẽ giúp Việt Nam trở thành địa điểm đầu tư an toàn cho nhà đầu tư nước ngoài.

Việt Nam đã thành công trong thu hút "đại bàng" - không chỉ ở tổng số vốn mà còn ở sự cải thiện về chất lượng dòng vốn nhờ vào các chính sách ưu đãi và môi trường kinh doanh thuận lợi. Chúng ta tiếp tục đặt mục tiêu thu hút các dự án FDI có quy mô lớn, công nghệ cao trong các lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, điện tử, bán dẫn và hydrogen... Đây sẽ là động lực mới cho sự phát triển kinh tế - xã hội cũng như giúp nâng cao năng lực công nghệ của đất nước.

Theo Lam Giang (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm