Không chỉ giúp mở rộng quan hệ thương mại, việc phê chuẩn cho Vương quốc Anh gia nhập hiệp định này thêm một lần nữa nâng tầm vị thế của Việt Nam trong hợp tác kinh tế quốc tế.
Kết thúc đợt 1 của kỳ họp thứ 7, Quốc hội đã nghe Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân trình bày tờ trình đề nghị phê chuẩn Văn kiện gia nhập CPTPP của Vương quốc Anh, sau khi nước này gửi đơn xin gia nhập ngày 1-2-2021 và quá trình đàm phán gia nhập giữa Vương quốc Anh với các nước CPTPP đã kết thúc.
Từ tháng 6-2023, Vương quốc Anh đã là thành viên ký kết thứ 12 của Hiệp định. Tuy nhiên, muốn CPTPP có hiệu lực trên đất nước mình, Văn kiện gia nhập của Vương quốc Anh phải được quốc hội các nước tham gia Hiệp định phê chuẩn.
Sáng 8-6, tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân trình bày tóm tắt Tờ trình về việc phê chuẩn Văn kiện gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) của Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland. Ảnh: DUY LINH/NDĐT |
CPTPP gồm 11 nước thành viên là Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam, được ký kết và có hiệu lực trong năm 2018 sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP, hiệp định tiền thân của CPTPP) vào năm 2017.
Tại thời điểm ký kết, CPTPP là khối liên kết kinh tế lớn thứ 3 trên thế giới, chỉ sau Hiệp định Thương mại tự do Liên minh châu Âu-Nhật Bản (JEFTA) và Liên minh châu Âu (EU). CPTPP được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo thêm nhiều việc làm, giảm đói nghèo và nâng cao chất lượng sống của người dân các quốc gia thành viên khi tạo ra một thị trường rộng lớn với hơn 500 triệu dân, tổng GDP trên 10.100 tỷ USD, chiếm khoảng 13,5% GDP toàn cầu và khoảng 14% tổng thương mại thế giới với các thị trường lớn như: Nhật Bản, Canada, Australia hứa hẹn mở ra nhiều cơ hội khi chuỗi cung ứng mới hình thành.
Đặc biệt, tầm quan trọng của CPTPP đã gia tăng trong thời gian qua trước sự leo thang của các biện pháp bảo hộ thương mại trên thế giới. Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính, nếu các rào cản thương mại hoàn toàn được dỡ bỏ thì các nước đang phát triển có thể tăng thu nhập ngân sách và đưa hàng triệu người thoát khỏi đói nghèo.
Nhiều quốc gia đã bày tỏ mong muốn được tham gia CPTPP như: Anh, Thái Lan, Philippines, Indonesia, Colombia, Hàn Quốc. Ngay cả Hoa Kỳ, quốc gia đã từng rút khỏi TPP trước đây, cũng có ý muốn quay trở lại.
Việt Nam và Vương quốc Anh đã có quan hệ thương mại tự do (FTA) song phương. Do đó, việc Vương quốc Anh gia nhập CPTPP sẽ góp phần củng cố vai trò của Việt Nam đối với Vương quốc Anh tại khu vực này, tạo điều kiện cho hàng xuất khẩu của Việt Nam được tiếp cận thị trường với quy mô kim ngạch nhập khẩu thường niên lớn.
Đặc biệt, việc Vương quốc Anh công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam cũng có ý nghĩa quan trọng là tạo thêm cơ sở để ta tiếp tục vận động các nước khác công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Ở góc độ đa phương, việc Vương quốc Anh gia nhập CPTPP sẽ góp phần kết nối khu vực châu Á-Thái Bình Dương, châu Mỹ với châu Âu, giúp nâng tầm CPTPP từ một hiệp định trong khuôn khổ khu vực thành một hiệp định mang tính toàn cầu, đồng thời góp phần vào sự phát triển hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Vương quốc Anh gia nhập CPTPP cũng sẽ giúp quảng bá và thu hút thêm nhiều nền kinh tế khác gia nhập, mở rộng cơ hội tiếp cận thị trường cho hàng hóa Việt Nam và góp phần tăng sức hấp dẫn của Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài.
Về phía Việt Nam cũng đã đạt được các mục tiêu trong việc yêu cầu Vương quốc Anh cam kết mở cửa thị trường ở mức cao để đảm bảo phù hợp với tiêu chuẩn của Hiệp định, thậm chí cao hơn cho Việt Nam so với cam kết cho các nước khác.
Việc Quốc hội phê chuẩn Văn kiện gia nhập CPTPP của Vương quốc Anh tại kỳ họp thứ 7 sẽ đưa Việt Nam nằm trong nhóm 6 nước CPTPP đầu tiên phê chuẩn Nghị định thư; thể hiện quyết tâm chính trị, phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước ta về hội nhập quốc tế, thể hiện sự tích cực và trách nhiệm của Việt Nam trong thúc đẩy quan hệ thương mại-đầu tư song phương với Vương quốc Anh nói riêng và giữa CPTPP với Vương Quốc Anh nói chung, góp phần khẳng định vai trò và vị thế của Việt Nam trong hợp tác kinh tế quốc tế.