Kinh tế

Nên để giá thép cạnh tranh theo cơ chế thị trường

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Mặc dù ngày 22-3-2016 Quyết định áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời đối với sản phẩm phôi thép và thép dài nhập khẩu mới chính thức có hiệu lực nhưng hơn một tuần qua, giá thép đã có sự tăng đột biến gây ảnh hưởng lớn đến người tiêu dùng. Phóng viên Báo Gia Lai đã trao đổi với một số đơn vị chức năng, doanh nghiệp trên địa bàn về vấn đề này.
 

 

* Ông Lê Hồng Hà-Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Thị trường Gia Lai:
Tăng cường kiểm tra việc niêm yết giá


Qua khảo sát thị trường, lực lượng Quản lý Thị trường đã nắm được tình hình tăng giá đột biến đối với mặt hàng thép xây dựng. Hiện Chi cục đã chỉ đạo các đội tăng cường kiểm tra, kiểm soát nắm bắt, xử lý kịp thời nếu có trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, việc Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định một năm không được kiểm tra quá 2 lần đối với một nội dung tại một cơ sở đang gây khó cho đơn vị. Hơn nữa, tại Nghị định 109/2013/NĐ-CP ngày 24-9-2013 của Chính phủ quy định: Cơ sở vi phạm lần đầu thì chỉ cảnh cáo, nhắc nhở; lần thứ 2 vi phạm mới xử phạt 300.000-500.000 đồng đối với lỗi không niêm yết giá. Khoảng cách thời gian kiểm tra giữa 2 đợt quá lâu (1 năm) cùng với mức phạt quá thấp nên không đủ tính răn đe. Trong khi đó, thép là mặt hàng không thuộc danh mục bình ổn giá. Do đó, để giá thép ổn định thì cần sự điều chỉnh chính sách. Việc áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời chỉ có hiệu lực trong khoảng thời gian không vượt quá 200 ngày (tức đến hết ngày 7-10-2016). Vì vậy, việc tăng giá thép chỉ hiệu quả nhất thời giúp doanh nghiệp thép trong nước ổn định sản xuất. Về lâu dài, giá thép sẽ phải điều chỉnh theo cơ chế thị trường, cạnh tranh sòng phẳng với các doanh nghiệp nước ngoài.

* Ông Đỗ Việt Hưng-Phó Giám đốc Sở Xây dựng Gia Lai:
Nếu giá thép tăng quá 10% so với công bố giá thì sẽ xem xét điều chỉnh phù hợp


Liên sở Xây dựng-Tài chính vừa ban hành Công bố giá vật liệu xây dựng mới nhất trên địa bàn tỉnh vào ngày 15-3-2016. Trong đó, giá thép Pomina tại địa bàn TP. Pleiku là 11.550 đồng/kg (chưa có thuế). Đây là giá được xây dựng dựa trên cơ sở khảo sát trực tiếp trên thị trường, các bảng báo giá của đơn vị phân phối, nhà sản xuất và chứng thư thẩm định giá ngày 14-3-2016 do đơn vị tư vấn (Công ty cổ phần Thông tin và Thẩm định giá miền Nam) cung cấp… Để hạn chế việc điều chỉnh dự toán gây ảnh hưởng công tác thẩm định dự án và kéo dài tiến độ thi công các công trình xây dựng cơ bản, Sở sẽ thường xuyên theo dõi và nắm bắt thị trường, không riêng gì đối với giá thép mà bất cứ vật liệu xây dựng nào tăng quá 10% so với bảng công bố giá thì sẽ kịp thời điều chỉnh phù hợp.  

* Ông Lê Văn Chánh-Giám đốc Công ty Tư vấn Thiết kế-Xây dựng Tấn Phong:
Thép tăng giá Công ty phải chịu lỗ từ 3% đến 4% đối với công trình dân dụng


Thời điểm trước khi thép chưa tăng giá, Công ty đã đặt hàng, cắt giá thép nhưng các đại lý cũng như một số nhà máy thép không chịu bán. Hiện giá thép đã tăng bình quân 2.500 đồng/kg so với thời điểm Công ty ký hợp đồng xây dựng. Vì thế, giá thép tăng cũng ảnh hưởng khá lớn đối với đơn vị. Với giá thép hiện nay, Công ty bị thiệt một khoản đáng kể, phải bù lỗ 3%-4% đối với các công trình nhà ở dân dụng. Ở mức này Công ty vẫn cố gắng cân đối tiếp tục xây dựng đảm bảo công trình. Tuy nhiên, nếu giá thép tiếp tục tăng cao, Công ty buộc phải đàm phán lại giá với các chủ đầu tư để điều chỉnh dự toán.

Lê Lan (thực hiện)

Có thể bạn quan tâm