Bạn đọc

Nên điều chỉnh thông tin trên bia mộ liệt sĩ Vi Dân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trong Nghĩa trang Liệt sĩ thị xã An Khê, phần mộ liệt sĩ Nguyễn Văn Trợ (Vi Dân) nằm ở vị trí trang trọng. Trung đoàn trưởng Vi Dân là người chỉ huy trận huyết chiến Tú Thủy (An Khê) năm 1947. Tuy nhiên, bia mộ hiện nay của ông có chi tiết chưa đúng, nên sớm được điều chỉnh.
Trận chiến không quên
Theo các tài liệu lịch sử, năm 1947, sau khi chiếm được các vị trí quan trọng ở Tây Nguyên, quân Pháp phát triển lực lượng theo đường 19, đến An Khê-vùng giáp ranh giữa Gia Lai và Bình Định. Tại An Khê, địch xây dựng một cụm cứ điểm bao gồm các đồn: Eo Gió, Thượng An, Cửu An, Tú Thủy…  
Nằm ở hướng Đông Bắc thị trấn An Khê, đồn Tú Thủy là khu nhà mái ngói, xây trên đỉnh một ngọn đồi thấp. Dưới sự chỉ huy của Trung đoàn trưởng Vi Dân, trận chiến không cân sức đã diễn ra trong hoàn cảnh bất lợi: cảm tử quân bị lộ, vũ khí thiếu và thô sơ; địch phòng ngự chặt, có hỏa lực mạnh và pháo binh hỗ trợ. Kết quả, ngoại trừ 5 chiến sĩ bị thương và bị địch bắt, 95 cán bộ, chiến sĩ ta nằm lại trận địa. Những người hy sinh được chúng chôn chung trong một ngôi mộ. Nể phục, quân Pháp làm mộ riêng cho Trung đoàn trưởng Vi Dân, trên bia có ghi dòng chữ Pháp: Ici reposé colonel Vi Dân, mort pour sa patrie/Nơi yên nghỉ của Đại tá Vi Dân, người đã hy sinh vì Tổ quốc.
Mộ của Trung đoàn trưởng Vi Dân trong nghĩa trang. Ảnh: Nguyễn Quang Tuệ
Chúng tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Thanh Vang (SN 1944), nguyên Trưởng phòng Thương binh-Xã hội huyện An Khê giai đoạn 1976-1989 (hiện ở tổ 4, phường An Bình, thị xã An Khê) để hỏi thêm thông tin liên quan. Theo ông Vang, năm 1985, được sự đồng ý của tỉnh, An Khê đã tổ chức bốc mộ, đưa di cốt của Trung đoàn trưởng Vi Dân về Nghĩa trang Liệt sĩ huyện. Từ đó đến nay, Nghĩa trang An Khê đã có vài lần tu sửa, các ngôi mộ, trong đó có mộ của liệt sĩ Vi Dân cũng được sửa sang lại to đẹp hơn.
Băn khoăn về ngày mất của liệt sĩ
Theo bia mộ trong Nghĩa trang Liệt sĩ thị xã An Khê, liệt sĩ Nguyễn Văn Trợ (Vi Dân) hy sinh ngày 3-3-1947. Chưa rõ ngày 3-3-1947 là mốc thời gian lấy từ nguồn tài liệu nào hay đơn thuần chỉ là một lỗi chạm khắc?
Dù vậy, điều này cũng có thể chia sẻ được, bởi đây là một chi tiết đang được nhiều tài liệu ghi chép chưa hoàn toàn thống nhất. Công trình “Khu 5-30 năm chiến tranh giải phóng, tập 1, Kháng chiến chống thực dân Pháp” do Bộ Tư lệnh Quân khu 5 biên soạn (Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, 1986) viết: “Ngày 14-3-1947, quân ta tiến công cứ điểm Tú Thủy. Do bị lộ, nên trận đánh không thành công. Trung đoàn trưởng Vi Dân và một số lớn cán bộ hy sinh”. Tương tự, cuốn sách được biên soạn bởi những người trong cuộc “Chi đội Vi Dân Nam tiến” (Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, 1998) cũng khẳng định: 14-3-1947 là thời điểm trận Tú Thủy diễn ra và cũng là ngày hy sinh của liệt sĩ Nguyễn Văn Trợ. Trong sách Lịch sử Đảng bộ tỉnh Gia Lai (1945-2005) và sách Lịch sử Đảng bộ thị xã An Khê (1945-2005) lần lượt được Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia in vào các năm 2009 và 2010 đều ghi nhận trận Tú Thủy diễn ra ngày 14-3-1947.
Bằng Tổ quốc ghi công của Trung đoàn trưởng Vi Dân. Ảnh: Nguyễn Quang Tuệ
Chúng tôi đã liên hệ với Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Nam-quê hương của cố Trung đoàn trưởng Vi Dân-để hỏi về hồ sơ lưu trữ của liệt sĩ này. Theo tài liệu được cung cấp, Giấy chứng nhận cán bộ hy sinh, số 91HS, ngày 30-10-1976 của Cục Cán bộ thuộc Tổng cục Chính trị, Quân đội nhân dân Việt Nam, ghi ngày hy sinh của liệt sĩ Nguyễn Văn Trợ là 28-3-1947.
Để có thêm thông tin, chúng tôi đến gặp ông Nguyễn Sơn Nam (SN 1977) ở tổ 4, thị trấn Kbang. Ông Nam là con ruột ông Nguyễn Văn Lục. Ông Lục là em liệt sĩ Nguyễn Văn Trợ, người từng cùng anh trai mình Nam tiến năm 1945. Gọi Trung đoàn trưởng Vi Dân là bác ruột, ông Nam hiện là người thờ cúng liệt sĩ Nguyễn Văn Trợ. Tại đây, chúng tôi thấy: Bằng Tổ quốc ghi công số OC 280b do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng ký ngày 6-7-1977 ghi ngày liệt sĩ Nguyễn Văn Trợ hy sinh là 28-3-1947.
Như vậy, tấm bia trên mộ Trung đoàn trưởng Vi Dân-Nguyễn Văn Trợ và thông tin từ các sách lịch sử chính thống và tài liệu liên quan đến liệt sĩ đều chưa thống nhất ngày hy sinh của ông. Nên chăng, cơ quan chức năng của thị xã An Khê cần có động thái phù hợp trước vấn đề này, bao gồm cả việc tham khảo ý kiến từ các cơ quan có thẩm quyền địa phương và trung ương?
Về đơn vị của liệt sĩ Vi Dân
Bia mộ trong Nghĩa trang Liệt sĩ thị xã An Khê ghi đơn vị trước lúc hy sinh của Trung đoàn trưởng Vi Dân (Nguyễn Văn Trợ) là Trung đoàn 120 (E120). Theo chúng tôi, đây là thông tin chưa phù hợp.
Hai cuốn sách “Khu 5-30 năm chiến tranh giải phóng, tập 1, Kháng chiến chống thực dân Pháp” và “Chi đội Vi Dân Nam tiến” đều cho biết trước lúc hy sinh, liệt sĩ Vi Dân là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 95, thuộc Bộ Chỉ huy Khu 5. Còn trong cuốn “Trung đoàn 120 Tây Nguyên” do Ban liên lạc Trung đoàn 120 biên soạn (Nhà xuất bản Đà Nẵng, 1994); tại trang 14 có đoạn: “Thực hiện chủ trương xây dựng và củng cố lực lượng võ trang cho phù hợp với tình hình và nhiệm vụ mới, từ tháng 4-1948, các đơn vị Vệ quốc đoàn trong Khu lần lượt biên chế lại thành 7 trung đoàn và 1 tiểu đoàn độc lập. Hai Trung đoàn 94 và 95 thống nhất thành Trung đoàn 120 biệt phái về hoạt động ở Gia Lai. Ban Chỉ huy Trung đoàn: đồng chí Nguyễn Hải-Trung đoàn trưởng...”.
Bia mộ Trung đoàn trưởng Vi Dân. Ảnh: Nguyễn Quang Tuệ
Như vậy, Trung đoàn 120 ra đời sau khi Trung đoàn trưởng Vi Dân hy sinh nên ông không thể là người chỉ huy đơn vị này được.
75 năm đã trôi qua kể từ ngày trận công đồn Tú Thủy diễn ra, nhiều người cao tuổi ở vùng đất này vẫn nhắc đến Trung đoàn trưởng Vi Dân với niềm kính trọng, thương tiếc chân thành. Trong điều kiện có thể, cố gắng để thông tin đúng về những liệt sĩ đã hy sinh, đặc biệt là người chỉ huy đơn vị này là việc nên làm.
NGUYỄN QUANG TUỆ
 

Có thể bạn quan tâm