(GLO)- Gia Lai hiện đang có diện tích cà phê cần tái canh khoảng 2.000 ha. Đây là con số không lớn nhưng trong vòng 3-5 năm tiếp theo, diện tích cần tái canh sẽ tiếp tục gia tăng. Tái canh vừa là yêu cầu nhằm đảm bảo năng suất, chất lượng cây cà phê, đồng thời quy hoạch lại vùng chuyên canh cà phê theo hướng phát triển bền vững. Để chuẩn bị cho chương trình này, Agribank Gia Lai đã chủ động nguồn vốn sẵn sàng cung ứng cho nông hộ, doanh nghiệp tham gia dự án...
Nhiều vườn cà phê ở Gia Lai đã già cỗi. Ảnh: K.N.B |
Sau khi có ý kiến chỉ đạo từ Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam dành khoảng 12.000-15.000 tỷ đồng tái cấp vốn cho vay thực hiện chương trình tái canh cây cà phê trên địa bàn Tây Nguyên, Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT Việt Nam (Agribank) đã tích cực vào cuộc triển khai chương trình này. Từ tháng 5-2013, Agribank đã phối hợp với tỉnh Lâm Đồng và Đak Lak ký kết đầu tư tín dụng tái canh cây cà phê giai đoạn 2013-2015 với gói vốn lãi suất ưu đãi 6.100 tỷ đồng (3.100 tỷ đồng dành cho Lâm Đồng, 3.000 tỷ đồng dành cho Đak Lak).
Tại địa bàn Gia Lai, thực hiện chỉ đạo từ Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh tỉnh, Agribank Gia Lai đã phối hợp khảo sát thực tế diện tích cà phê cần tái canh, năng suất-chất lượng, xây dựng lộ trình tái canh và nhu cầu vốn, mức lãi suất ưu đãi... Theo đó, tổng diện tích cà phê năm 2013 ổn định là 78.030 ha, trong đó diện tích trồng mới và tái canh là 909,3 ha, diện tích kinh doanh đạt 75.965,1 ha; năng suất cà phê nhân bình quân đạt 24,7 tạ/ha, sản lượng dự kiến đạt 187.439 tấn và diện tích cần tái canh hiện nay trên địa bàn khoảng 2.000 ha (diện tích của dân là 1.000 ha, doanh nghiệp là 1.000 ha).
Bằng cách luân canh cuốn chiếu, tùy theo vùng, điều kiện, phương thức tái canh, nhu cầu vốn đầu tư bình quân 150 triệu đồng-210 triệu đồng/ha; tổng nhu cầu vốn tái canh là 300-420 tỷ đồng. Trên cơ sở dự toán ban đầu, mức vốn đầu tư của Agribank Gia Lai chiếm khoảng 250-300 tỷ đồng và sẽ phân bổ trong 3 năm kiến thiết tái canh (bình quân mỗi năm 80-100 tỷ đồng).
Bên cạnh sự vào cuộc từ phía Agribank, Sở Nông nghiệp và PTNT Gia Lai cũng đã đề xuất Bộ Nông nghiệp và PTNT hỗ trợ địa phương được tham gia dự án tái canh cà phê, xây dựng một số mô hình về tái canh trên địa bàn cũng như đầu tư những vùng chuyên canh phát triển cà phê bền vững, có chứng nhận (4C, UTZ, RFA, VietGap...) có chỉ dẫn địa lý, xây dựng thương hiệu, xuất xứ rõ ràng để hỗ trợ nông dân, nhất là hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số.
Trao đổi về chương trình tái canh cây cà phê, ông Phan Tiến Thu-Giám đốc Agribank Gia Lai nhấn mạnh: Agribank đã sẵn sàng nguồn vốn để cung ứng cho các nông hộ, doanh nghiệp tham gia tái canh. Chương trình sẽ áp dụng mức lãi suất ưu đãi thấp hơn lãi suất cơ bản 2-2,5%. Bên cạnh yếu tố vốn vay ưu đãi thì vấn đề giống, kỹ thuật và quy hoạch chi tiết vùng nguyên liệu tái canh có ý nghĩa quan trọng để chương trình triển khai thành công.
Tại Hội thảo quy trình cho vay tái canh và chăm sóc cà phê vừa tổ chức tại Lâm Đồng, các đại biểu cho rằng: Nếu thực hiện tái canh theo kiểu cưa đốn, phục hồi thì cần 7 năm, nếu nhổ gốc và trồng mới thì cần đến 10 năm mới cho hiệu quả tốt nhất. Hiện tại, hệ thống Agribank đang triển khai chương trình với mức vay trung-dài hạn (7-10 năm), nhưng kế hoạch chương trình tái canh của Đak Lak và Lâm Đồng chỉ kéo dài từ năm 2013 đến 2015, đây là khoảng thời gian quá ngắn, do đó cần kéo dài thời gian thực hiện chương trình này.
Sơn Ca