(GLO)- Sáng ngày 8-3, tại TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam tổ chức Hội nghị triển khai các giải pháp mở rộng tín dụng phục vụ sản xuất và tiêu dùng nhằm hạn chế tín dụng đen tại khu vực Tây Nguyên. Các đồng chí Lê Minh Hưng- Thống đốc NHNN Việt Nam; Đào Minh Tú- Phó Thống đốc NHNN Việt Nam; Dương Văn Trang-Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Gia Lai chủ trì Hội nghị.
Tham dự Hội nghị, về phía lãnh đạo địa phương có ông Võ Ngọc Thành- Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai; đại biểu đại diện các cơ quan Trung ương, Bộ Công an, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; lãnh đạo các tỉnh Kon Tum, Đak Lak, Đak Nông, Lâm Đồng, Bình Định, Quảng Nam, Quảng Ngãi và lãnh đạo các tổ chức tín dụng.
Quang canh hôi nghị. Ảnh: Đức Thụy |
Theo báo cáo tại Hội nghị, thời gian qua, NHNN trong phạm vi, chức năng nhiệm vụ của mình đã ban hành nhiều chính sách, giải pháp tích cực nhằm nâng cao khả năng tiếp cận vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân, đặc biệt là người nghèo, người thu nhập thấp ở khu vực nông thôn. Cụ thể, NHNN đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 116/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP với nhiều cơ chế ưu đãi đột phá, phù hợp với thực tiễn như nâng mức cho vay không có tài sản bảo đảm đối với hộ dân sản xuất nông nghiệp lên tối đa 200 triệu đồng; triển khai nhiều chương trình tín dụng đặc thù trong lĩnh vực nông nghiệp để hỗ trợ người dân. Khuyến khích các tổ chức tín dụng mở rộng mạng lưới tại các vùng sâu,vùng xa; phê duyệt thí điểm mô hình Ngân hàng lưu động tại Agribank; các Quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô được chấn chỉnh, phát triển nhằm phát huy hiệu quả và hoạt động theo đúng quy định của pháp luật; chỉ đạo các tổ chức tín dụng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục vay vốn, đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng phù hợp với hoạt động sản xuất cũng như nhu cầu vốn nhỏ lẻ của người dân.
Lãnh đạo tỉnh Gia Lai và lãnh đạo cac tỉnh bạn về tham dự hội nghị. Ảnh: Đức Thụy |
Tính đến cuối năm 2018, dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế đạt 7.211.457 tỷ đồng, tăng 13,93%; trong đó dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp-nông thôn đạt 1,78 triệu tỷ đồng, tăng 21,4%. Toàn hệ thống có 78 tổ chức tín dụng tham gia cho vay phục vụ đời sống với dư nợ cho vay đạt khoảng 1.416.933 tỷ đồng, chiếm 19,65% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế; trong đó dư nợ dài hạn chiếm tới 78%. Riêng tại khu vực Tây Nguyên, huy động vốn của cả vùng đạt 149.214 tỷ đồng, đáp ứng 45,56% nhu cầu vốn tín dụng phục vụ phát triển của khu vực với dư nợ đạt gần 320 nghìn tỷ đồng. Trong đó, dư nợ cho vay nông nghiệp-nông thôn đạt 194.208 tỷ đồng, dư nợ cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng đạt 42.282 tỷ đồng.
Bên cạnh nguồn vốn tín dụng thương mại, Ngân hàng Chính sách Xã hội đang triển khai 19 chương trình tín dụng ưu đãi nhằm đáp ứng nhu cầu vốn sản xuất kinh doanh và tiêu dùng cho hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách với dư nợ tại khu vực Tây Nguyên đạt 16.353 tỷ đồng/gần 525 ngàn hộ còn dư nợ, chiếm 8,7% tổng dư nợ tại Ngân hàng Chính sách Xã hội.
Hội nghị cũng nêu rõ, mặc dù có đến 78 ngân hàng, Công ty tài chính và hàng nghìn Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở đầu tư tín dụng nhằm đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh và nhu cầu tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp, tuy nhiên thời gian qua, tình hình tín dụng đen vẫn diễn biến phức tạp, nhất là tại các tỉnh khu vực phía Nam và Tây Nguyên, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh trật tự xã hội và đời sống người dân. Thông qua đợt khảo sát thực tế vừa qua của NHNN tại một số tỉnh, thành phố có nhu cầu vay tiêu dùng lớn, tập trung đông công nhân lao động và hoạt động tín dụng đen phức tạp cho thấy, hoạt động tín dụng nói chung và cho vay tiêu dùng trên địa bàn Tây Nguyên vẫn còn một số khó khăn.
Theo đó, các đối tượng là công nhân các khu công nghiệp, người lao động nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số cư trú không ổn định, thu nhập bấp bênh, không chứng minh được khả năng trả nợ. Việc triển khai các sản phẩm cho vay đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cấp bách vẫn còn nhiều hạn chế do phần lớn người dân còn ngại tiếp xúc với ngân hàng, chưa quen sử dụng các sản phẩm cho vay linh hoạt; hầu hết các sản phẩm cho vay phục vụ đời sống vẫn yêu cầu khách hàng phải có tài sản đảm bảo hoặc cần thời gian để xác nhận bảo lãnh của tổ chức nơi người lao động làm việc, học tập. Mặt khác, người dân vẫn cho rằng thủ tục vay vốn phức tạp nên đã tìm đến các đối tượng cho vay nhanh chóng, thủ tục đơn giản. Các Công ty tài chính đã tích cực đẩy mạnh cho vay tiêu dùng với thủ tục đơn giản, nhanh chóng, tuy nhiên lãi suất cho vay còn cao, còn hạn chế trong công tác quản lý khách hàng dẫn đến tỷ lệ nợ xấu cao hơn các ngân hàng thương mại, ảnh hưởng đến chất lượng các khoản vay khác tại ngân hàng thương mại. Một điểm đáng chú ý, tại các tỉnh đang nở rộ hoạt động của các Công ty cung cấp dịch vụ tài chính, hiệu cầm đồ do Sở KH-ĐT cấp phép nhưng công tác quản lý Nhà nước đối với loại hình này chưa chặt chẽ, dẫn đến các Công ty này biến tướng thành hoạt động cho vay nặng lãi….
Đồng chí Dương Văn Trang-Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Đức Thụy |
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Dương Văn Trang-Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã hoan nghênh NHNN Việt Nam đã tổ chức Hội nghị triển khai các giải pháp cơ bản mở rộng tín dụng phục vụ sản xuất và tiêu dùng nhằm hạn chế tín dụng đen. Thông qua ý kiến của lãnh đạo các tỉnh Kon Tum, Đak Nông, Lâm Đồng cho thấy, tín dụng đen đang là vấn đề nổi lên của cả khu vực Tây Nguyên và Gia Lai nói riêng- vốn là địa bàn còn nhiều khó khăn. Đây cũng là yếu tố để tín dụng đen tồn tại khi những người vướng vào tín dụng đen đa số là người nghèo, thiếu tiền, gặp hoạn nạn. Để giải quyết tình trạng này là bài toán rất khó khi nhu cầu tiếp cận tín dụng, vay tiền để giải quyết các vấn đề bức bách của người dân trong cuộc sống vẫn còn. Trong khi đó hoạt động tín dụng đen thủ đoạn tinh vi, liên quan đến các băng nhóm đòi nợ thuê, dẫn đến nhiều hệ lụy cho người dân như mất đất sản xuất, tình trạng nghèo đói kéo dài. Để ngăn ngừa, hạn chế tín dụng đen, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang đề nghị ngành Ngân hàng tiếp tục nghiên cứu đơn giản hóa hồ sơ, quy trình cho vay, đảm bảo đáp ứng nhu cầu vay vốn của người nghèo, người gặp hoạn nạn. Đồng thời, phối hợp với các bộ ngành Trung ương nghiên cứu, đề xuất chế tài pháp luật xử lý tín dụng đen. Mặt khác, xem xét hỗ trợ cho các trường hợp hộ vay trồng tiêu trên địa bàn đang gặp rất nhiều khó khăn do tình trạng tiêu chết hàng loạt.
Thống đốc NHNN Việt Nam Lê Minh Hưng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Đức Thụy |
Kết luận Hội nghị, đồng chí Lê Minh Hưng- Thống đốc NHNN Việt Nam đã trân trọng ghi nhận các ý kiến, kiến nghị của các đại biểu. Đồng thời khẳng định, trong bối cảnh tình hình tín dụng đen diễn biến phức tạp ở khu vực Tây Nguyên, NHNN với trách nhiệm của mình sẽ vào cuộc quyết liệt hơn nữa, tích cực triển khai các giải pháp căn bản nhằm ngăn chặn, đẩy lùi tín dụng đen theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ. Để góp phần hạn chế tín dụng đen, một mình ngành Ngân hàng không thể giải quyết được nếu không có sự tham gia đồng bộ của các bộ ngành, các cấp chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị-xã hội. Do đó, NHNN đề xuất Bộ Công an tăng cường trấn áp tội phạm, xử lý nghiêm minh đối tượng tín dụng đen, các tổ chức đòi nợ thuê tín dụng đen; phối hợp với chính quyền các cấp quản lý chặt chẽ hoạt động của các tổ chức cho vay tài chính, cơ sở hiệu cầm đồ; cần đề xuất sửa đổi Bộ luật Hình sự, xử lý tội phạm hoạt động tín dụng đen với những chế tài cụ thể, rõ ràng và nghiêm khắc hơn.
Thống đốc Lê Minh Hưng cho rằng, cải cách hồ sơ thủ tục cho vay, quy trình cho vay là vấn đề cần quan tâm. Nếu tháo gỡ được mấu chốt này sẽ tạo điều kiện tiếp cận tín dụng, mở rộng tín dụng cho người dân. Do đó, yêu cầu các đơn vị chức năng tập trung sửa đổi, hoàn thiện các quy định về hoạt động cho vay, quy định cụ thể, rõ ràng về cho vay tiêu dùng để tạo điều kiện cho các ngân hàng triển khai gói này; tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động của các Công ty tài chính. Bên cạnh đó, khuyến khích các tổ chức tín dụng mở rộng mạng lưới hoạt động, ưu tiên vùng sâu, vùng xa. Đối với Ngân hàng Chính sách xã hội phải rà soát, xây dựng cơ chế cho vay tiêu dùng với lãi suất cho vay phù hợp, đáp ứng nhu cầu chính đáng của người dân. Mặt khác, nghiên cứu đánh giá lại các chương trình tín dụng để kiến nghị với các bộ ngành sửa đổi, tập trung vốn vào các khu vực còn đang thiếu vốn, đề xuất tăng mức cho vay một số chương trình, đẩy mạnh công tác thông tin truyền thông. Đối với Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT, quan tâm đẩy mạnh tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp-nông thôn, phải triển khai đúng cam kết gói tín dụng 5.000 tỷ đồng, lựa chọn Gia Lai là địa bàn triển khai thí điểm. Mặt khác, các tổ chức tín dụng cần phải xem xét gia hạn nợ, cơ cấu lại kỳ hạn trả nợ khi khách hàng gặp khó khăn vì lý do chính đáng, bất khả kháng. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng tín dụng đen.
Sơn Ca