Các ngân hàng đã tăng tốc rao bán các tài sản thế chấp để thu hồi nợ, nhất là khi thị trường bất động sản có dấu hiệu nguội lạnh trở lại.
Dự án Kenton trên đường Nguyễn Hữu Thọ, huyện Nhà Bè, TP.HCM đang được BIDV chuẩn bị đấu giá - Ảnh: TỰ TRUNG
Mới đây, ngân hàng (NH) BIDV chi nhánh sở giao dịch 2 thông báo chọn tổ chức đấu giá khoản nợ của Công ty TNHH xây dựng sản xuất thương mại Tài Nguyên.
Tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai thuộc dự án Kenton (H.Nhà Bè, TP.HCM, liền kề khu đô thị Phú Mỹ Hưng).
Trước đó, BIDV cũng rao đấu giá nhiều khoản nợ lớn thuộc đối tượng xử lý theo quy định nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
Ngoài BIDV, nhiều NH khác cũng đang miệt mài bán nợ, phát mãi tài sản, trong đó nhiều tài sản rao bán nhiều lần vẫn không tìm được người mua.
Ba thửa đất và quyền sử dụng đất tại xã Phong Phú, huyện Bình Chánh khác đang được Sacombank rao bán gần 800 tỉ. Một thửa đất khác tại xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh có diện tích gần 53.000m2 cũng đang được rao bán gần 400 tỉ.
Tại các quận khác cũng có hàng loạt bất động sản trị giá hàng trăm tỉ được NH này rao bán. Có những khoản "treo" rất lâu nhưng vẫn chưa tìm được người mua.
Techcombank cũng liên tục rao bán các tài sản thế chấp lớn. Gần nhất là ngày 6-4, NH này rao bán hai bất động sản tại Tây Ninh với tổng giá trị hơn 1.220 tỉ đồng.
Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) cũng dồn dập bán đấu giá hàng trăm khoản nợ đã mua lại từ các tổ chức tín dụng.
Mới nhất, VAMC thông báo đấu giá lần 2 khoản nợ của Công ty cổ phần bất động sản Việt Toàn Cầu mua lại từ Agribank với giá khởi điểm hơn 22 tỉ.
Theo các NH, nhờ thị trường bất động sản khởi sắc từ năm 2017 nên nhiều khoản nợ xấu đã được xử lý, nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc khiến quá trình xử lý bị chậm.
Các NH cũng lo rằng với diễn biến thị trường như hiện nay, nhất là dịch COVID-19 kéo dài, các bất động sản thế chấp sẽ khó xử lý hơn.
Có hay không có xu hướng "bán rẻ" tài sản thế chấp do dịch? Theo các NH, trước đây khi đem ra đấu giá, NH được phép nhận lại tài sản.
Khi NH nhận lại tài sản, nhiều khách hàng lại bỏ tiền ra nộp để chuộc. Nhưng hiện nay quy định không cho phép NH nhận lại tài sản nên bên mua đã tận dụng cơ hội này "ép" giá bán xuống rất thấp, có khi "chẳng còn gì".
Dù vậy, hiện muốn bán không dễ. Ngoài lý do nhiều tài sản lớn rất kén người mua, ông Nguyễn Đình Tùng, tổng giám đốc NH OCB, cho hay hiện cả việc thu giữ tài sản của khách hàng nợ xấu và bán đấu giá tài sản gần như "đứng hình". Lý do vì đang thực hiện cách ly toàn xã hội.
A.Hồng (TTO)