(GLO)- Năm 2019, Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh tỉnh đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiếp tục chuyển dịch cơ cấu tín dụng phù hợp theo hướng mở rộng đầu tư cho phát triển nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch; phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, sản xuất kinh doanh hàng xuất khẩu.
Thúc đẩy sản xuất nông nghiệp bền vững
Đây là mục tiêu trọng tâm gắn với kế hoạch tăng trưởng trong năm nay của các ngân hàng khi quyết tâm mở rộng đầu tư cho thị trường nông nghiệp, nông thôn. Theo thống kê từ Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh tỉnh, lĩnh vực đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn “hút vốn” ngân hàng rất mạnh, chiếm gần 50% tổng dư nợ toàn tỉnh, với 101.703 khách hàng dư nợ. Đáng chú ý, lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch dù còn khá mới mẻ nhưng một số ngân hàng đã kịp rót vốn đầu tư dự án với dư nợ đạt 1.843 tỷ đồng/2.451 khách hàng. Kết quả này cho thấy, các ngân hàng đã bắt nhịp xu thế phát triển, đặc biệt chú trọng đến chất lượng khi đầu tư tín dụng thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, mang lại “lợi ích kép” cho cả doanh nghiệp và nhà đầu tư vốn.
HD Bank-Chi nhánh Gia Lai là một trong các ngân hàng đã và đang đẩy mạnh đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Hiện tại, Chi nhánh đã đầu tư vốn cho 3 doanh nghiệp có 3 dự án trồng cây ăn quả (chuối, thanh long, xoài) và chăn nuôi quy mô lớn trên địa bàn huyện Ia Pa với tổng giá trị đầu tư khoảng 123 tỷ đồng. Trong đó, dự án trồng cây ăn quả theo tiêu chuẩn GlobalGAP đã đi vào khai thác từ tháng 6-2018, đem lại doanh thu đáng kể khi doanh nghiệp xây dựng được mối quan hệ ổn định với các đối tác tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước. Hai dự án chăn nuôi với công nghệ khép kín tiên tiến của Tập đoàn CP Thái Lan đang dần hoàn thiện, sẽ cung cấp thịt heo sạch cho thị trường trong tháng 2 và tháng 3-2019. “Chúng tôi không hạn chế nguồn vốn cho vay nông nghiệp công nghệ cao cũng như ưu tiên nguồn vốn đối với các dự án có tính khả thi cao. Trong năm 2019, Chi nhánh tiếp tục triển khai đầu tư mạnh cho lĩnh vực này”-ông Nguyễn Quang Huy, Giám đốc HD Bank-Chi nhánh Gia Lai, khẳng định.
Quầy giao dịch Agribank Gia Lai. Ảnh: Đ.T |
Chủ động vai trò tiếp vốn
Tăng trưởng tín dụng bền vững là mối quan tâm hàng đầu trong năm 2019 của các ngân hàng khi Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh tỉnh đã đề ra chỉ tiêu huy động vốn và dư nợ tăng 13-15%, kiểm soát và duy trì tỷ lệ nợ xấu dưới 2%/tổng dư nợ. Trong bối cảnh các ngân hàng định hướng phát triển ngân hàng bán lẻ nói chung, phát triển tín dụng bán lẻ nói riêng trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn thì giải pháp để nâng cao chất lượng tín dụng luôn là câu hỏi thường trực. Ông Nguyễn Kỳ-Phó Giám đốc BIDV Nam Gia Lai-cho rằng: “Các ngân hàng cần nâng cao tính chủ động trong vai trò tiếp vốn, xây dựng các sản phẩm tín dụng bán lẻ phù hợp với đặc thù sản xuất nông nghiệp của địa phương. Mặt khác, yêu cầu cấp thiết là phải có sản phẩm bảo hiểm trong lĩnh vực nông nghiệp nói chung và bảo hiểm tín dụng nông nghiệp nói riêng để hạn chế nguy cơ phát sinh rủi ro cho cả hai phía: ngân hàng và khách hàng. Đồng thời, ngân hàng cần chủ động tư vấn, hướng khách hàng đến phương thức canh tác tiên tiến, lựa chọn các giống cây trồng tốt, năng suất cao để nâng cao hiệu quả sản xuất”.
Rủi ro trong sản xuất nông nghiệp có cái lường trước được, có cái không thể lường trước. Đây là thực tế mà các ngân hàng đầu tư cho thị trường nông nghiệp, nông thôn phải đối diện. Để hạn chế rủi ro khi đầu tư vốn, không chỉ ngân hàng vào cuộc mà rất cần sự hỗ trợ từ phía chính quyền địa phương, các cơ quan, ban ngành chức năng với vai trò dẫn dắt, tạo điều kiện để người dân tiếp cận, ứng dụng công nghệ, quy trình sản xuất tiên tiến nhằm tạo ra các sản phẩm chất lượng, năng suất, giá trị gia tăng cao. “Chúng tôi sẵn sàng đầu tư cho các dự án nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch nằm trong vùng quy hoạch của tỉnh. Đương nhiên, người dân phải tự chủ trong hoạt động sản xuất, có sự định hướng của Nhà nước, cơ quan chức năng. Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch không chỉ bắt kịp xu hướng phát triển của toàn cầu mà là sự chuyển dịch tất yếu của sản xuất nông nghiệp khi giúp nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm, hướng đến sự phát triển bền vững”-ông Phan Tiến Thu-Giám đốc Agribank Gia Lai-nhận định.
Sơn Ca