Kinh tế

Tài chính

Ngân hàng quan tâm đến đầu tư tín dụng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Mặc dù nợ xấu chỉ ở mức 0,53% tổng dư nợ nhưng hiện nay, một số ngân hàng đã chú trọng đến chất lượng, hiệu quả đầu tư tín dụng...

Ảnh nguồn internet
Ảnh nguồn internet

Với một nền kinh tế có nhu cầu vốn để đầu tư phát triển rất lớn, đặc biệt là vốn trung-dài hạn, song trong bối cảnh hiện nay, việc thẩm định ưu tiên sử dụng vốn an toàn, hiệu quả, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế-xã hội của địa phương được các NHTM thực hiện theo quy trình rất nghiêm ngặt. Ở Gia Lai, tín dụng cho sản xuất chiếm đa phần, còn lại tín dụng phi sản xuất chiếm tỷ trọng rất nhỏ, do đó chất lượng tín dụng được kiểm soát khá tốt. Tuy nhiên, các NHTM đều có chung nhận định, nguy cơ tiềm ẩn rủi ro tín dụng rất lớn trong điều kiện hiện nay bởi tác động từ giá cả các mặt hàng nông sản chủ lực, đặc biệt là giá mủ cao su vẫn ở mức thấp, tình trạng hạn hán kéo dài đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất-kinh doanh và khả năng trả nợ của DN và hộ dân hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, dẫn đến nợ xấu có chiều hướng gia tăng.

Nhìn nhận những khó khăn trong công tác tín dụng 6 tháng đầu năm, ông Ngô Văn Đốc-Giám đốc Vietinbank Gia Lai đánh giá, tăng trưởng tín dụng ở Gia Lai cao hơn mức bình quân của cả nước nhưng có thể không như kế hoạch đề ra. Lý giải cho dự báo này, theo ông Đốc, DN trên địa bàn có quy mô nhỏ, sức cạnh tranh kém. Những DN có quy mô lớn lại ít, sản xuất-kinh doanh đang bị tác động bởi nhiều yếu tố. Sản xuất hàng nông sản xuất khẩu dưới dạng thô là chính, chưa chế biến sâu nên khi giá cả xuống thấp thì thua thiệt. Đầu tư cho nông nghiệp nông thôn cũng dè chừng, không thể đầu tư tràn lan, những vùng sản xuất bị hạn hán nguy cơ rủi ro cho cả ngân hàng cũng như người dân. Rồi việc ràng buộc, định giá tài sản đảm bảo khoản vay sẽ chặt chẽ hơn, chứ không thể như trước kia. Tuy nhiên, phía chi nhánh cũng đã có những hỗ trợ, chia sẻ khó khăn cho khách hàng, như cho vay cao su trên địa bàn chỉ có lãi suất 5%/năm. Với mức lãi suất này DN mới có thể duy trì hoạt động.

 

Gia Lai hiện đứng thứ 2 về tăng trưởng tín dụng ở khu vực miền Trung-Tây Nguyên với tổng dư nợ đến cuối tháng 6-2016 đạt 59.804 tỷ đồng (tăng 24,4% so với cùng kỳ năm trước và tăng 7,9% so với cuối năm 2015). Trong đó, dư nợ cho vay ngắn hạn 38.725 tỷ đồng (chiếm 64,8% tổng dư nợ, tăng 24% so với cùng kỳ năm trước và tăng 7,9% so với cuối năm 2015); dư nợ cho vay trung-dài hạn 21.079 tỷ đồng (chiếm 35,2% tổng dư nợ, tăng 25,3% so với cùng kỳ năm trước và tăng 6,7% so với cuối năm 2015).

Cũng liên quan đến vấn đề này, ông Lý Anh Đào-Giám đốc SHB Gia Lai cho rằng, mặc dù đã nỗ lực hỗ trợ DN từng bước vượt qua khó khăn song đầu tư tín dụng ở một số lĩnh vực đang tiềm ẩn rủi ro cho ngành ngân hàng. Trên thực tế, nhiều ngân hàng đã nới lỏng điều kiện vay vốn, hoặc đôi khi vì quá chạy đua tìm kiếm khách hàng, giành thị phần, hoặc chạy chỉ tiêu tăng trưởng nên chấp nhận cả những khách hàng chưa thật sự tốt. Yếu tố nữa là do năng lực quản trị của DN yếu, tình hình tài chính chưa minh bạch, tài sản không đảm bảo yêu cầu vốn vay, việc kiểm soát dòng tiền qua doanh thu của DN nhỏ khó khăn, sử dụng vốn sai mục đích… nên muốn đầu tư, ngân hàng nào cũng phải nhìn vào tiềm năng, thông tin và uy tín của khách hàng để mở rộng vốn vay. Trong điều kiện hiện nay, ngân hàng chỉ có thể hỗ trợ khách hàng qua việc cởi trói về giá vốn chứ không thể cởi trói về điều kiện. do đó, tài sản thế chấp phải đảm bảo giá trị khoản vay, chưa phát sinh nợ quá hạn ở tổ chức tín dụng khác, không nợ thuế, có phương án sản xuất-kinh doanh tốt…

Trước những khó khăn tác động bởi nền kinh tế, bên cạnh việc nâng cao chất lượng tín dụng, các ngân hàng đã có những giải pháp phòng ngừa và phân tán rủi ro qua việc đa dạng hóa lĩnh vực, ngành nghề đầu tư, trong đó tập trung tháo gỡ cho sản xuất-kinh doanh, song hiện nay nguồn vốn huy động tại chỗ hiện chỉ mới đáp ứng được khoảng 47% dư nợ cho vay. các NHTM phải nhận vốn điều chuyển từ NHTM cấp trên và vay vốn từ các định chế tài chính nên còn bị động trong việc sử dụng nguồn vốn. Do đó, khi xuất hiện những biến động kinh tế thì rủi ro tín dụng là khó tránh khỏi với các ngân hàng.

Vũ Thảo

Có thể bạn quan tâm