(GLO)- Từ cuối tháng 10 đến nay, giá mủ cao su trên thị trường tăng vọt lên mức cao nhất trong 3 năm qua. Đây là tín hiệu vui cho doanh nghiệp cao su cũng như nông dân trồng cao su tiểu điền trên địa bàn tỉnh Gia Lai sau nhiều năm khốn đốn vì giá mủ lao dốc.
Công nhân cao su phấn khởi vì giá mủ tăng cao. Ảnh: Huy Tịnh |
Niềm vui khi giá mủ cao su tăng
Huyện Đak Đoa có diện tích cao su tiểu điền lớn của tỉnh với hơn 608 ha. Bước vào vụ khai thác mủ năm nay, người trồng cao su trên địa bàn huyện phấn khởi khi giá mủ liên tục tăng và đạt mức cao nhất trong vòng 3 năm trở lại đây. Đặc biệt, những ngày đầu tháng 11, giá mủ cao su khô có thời điểm lên đến 39 ngàn đồng/kg. Tuy giá mủ cao su hiện tại đã giảm xuống còn 30-31 ngàn đồng/kg nhưng vẫn tăng gần 10 ngàn đồng/kg so với trước, phần nào giúp người trồng cải thiện cuộc sống.
Ông Trương Minh Tiến-Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Cao su Mang Yang: Nguyên nhân chính dẫn đến giá mủ cao su tăng cao trong thời gian qua là do nhu cầu từ Trung Quốc tăng đột biến, các nhà máy chế biến của nước này tăng cường mua dự trữ. Cùng với đó, nhu cầu sử dụng cao su trong lĩnh vực y tế cũng tăng khoảng 50% so với năm 2019. Trong khi đó, các nước sản xuất cao su lớn gặp khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu. Đặc biệt, tình trạng thiếu hụt lao động nhập cư do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 ở Thái Lan và Malaysia cùng với điều kiện thời tiết không thuận lợi tại các nước này khiến nguồn cung mủ cao su bị gián đoạn. |
Chỉ trồng hơn 500 cây cao su nhưng mỗi tuần, gia đình anh Thương (làng Mrah, xã Kdang, huyện Đak Đoa) thu về 1-2 triệu đồng. Anh Thương phấn khởi cho biết: “Những năm trước, do giá mủ xuống thấp nên gia đình gần như bỏ bê vườn cây vì thu không đủ bù đắp chi phí. Cuộc sống gia đình vì thế gặp nhiều khó khăn. Bước vào vụ khai thác năm nay, giá mủ liên tục tăng. Mình sẽ cố gắng chăm sóc, đầu tư cho vườn cây để tăng sản lượng. Mong sao giá mủ cao su tiếp tục tăng và giữ ổn định để bà con yên tâm đầu tư sản xuất”.
Bà Trần Thị Vân (thôn 1, xã Ia Nhin, huyện Chư Păh) cũng rất phấn khởi khi giá mủ cao su tăng mạnh sau nhiều năm giảm sâu. Bà cho hay: “Giá mủ cao su giai đoạn 2016-2019 ở mức rất thấp, chỉ khoảng 20-21 ngàn đồng/kg khiến cuộc sống gia đình tôi gặp rất nhiều khó khăn, thu chỉ đủ để trả lãi ngân hàng. Giờ giá mủ lên được 30 ngàn đồng/kg, có thời điểm 39 ngàn đồng/kg nên cũng đỡ khổ. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của bão số 9 nên vườn cây bị giảm sản lượng, cùng với đó là tình trạng thương lái ép giá nên gia đình cũng không thu được bao nhiêu. Với 10 ha cao su đang trong giai đoạn khai thác, trung bình mỗi ngày, gia đình thu được hơn 3 triệu đồng. Hy vọng thời gian tới, giá mủ sẽ tăng và giữ ở mức trên 35 ngàn đồng/kg thì người trồng cao su tiểu điền mới có lãi”.
Không chỉ người trồng cao su mà cuộc sống của hầu hết công nhân các công ty cao su trên địa bàn cũng thay đổi theo chiều hướng tích cực khi giá mủ tăng. Chị Trịnh Thị Hải Lai-công nhân Nông trường Đoàn Kết (Công ty TNHH một thành viên Cao su Mang Yang) phấn khởi nói: “Nhờ giá mủ tăng cao nên đời sống của công nhân cũng đỡ vất vả hơn so với những năm trước. Trong giai đoạn 2016-2019, dù phải nhận thêm công việc làm cỏ nhưng lương mỗi tháng cũng chỉ được khoảng 3-4 triệu đồng. Hiện nay, lương của tôi mỗi tháng được 8 triệu đồng. Nếu giá mủ cứ duy trì như hiện nay thì đời sống của công nhân sẽ ổn định”.
Kỳ vọng giá tăng ổn định
Giá mủ tăng cao, hoạt động sản xuất kinh doanh của các công ty cao su trên địa bàn tỉnh cũng được khôi phục và bắt đầu có lãi. Ông Trương Minh Tiến-Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Cao su Mang Yang-cho biết: Hiện giá mủ cao su đang ở mức 42 triệu đồng/tấn, tăng 16 triệu đồng/tấn so với đầu năm 2020. Với giá mủ như hiện nay thì Công ty có lãi, đời sống của cán bộ, công nhân cũng từng bước được nâng lên. Hiện mức lương của công nhân bình quân đạt 5,3 triệu đồng/tháng, tăng khoảng 25% so với năm 2019.
Giá mủ cao su từ cuối tháng 10 đến nay tăng mạnh nhất trong 3 năm qua. Ảnh: Quang Tấn |
Tương tự, ông Phạm Đình Luyến-Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Păh-thông tin: Giá mủ cao su tăng bất ngờ và đột biến trong thời gian gần đây đã giúp Công ty từng bước vượt qua khó khăn để ổn định sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, mức giá này chưa thể bù lại những tháng giá thấp trước đó. Công ty kỳ vọng trong thời gian tới, giá mủ cao su sẽ tiếp tục đà tăng và giữ ở mức ổn định để cải thiện tình hình kinh doanh cũng như nâng cao đời sống cán bộ, công nhân viên của đơn vị.
Trao đổi với P.V, ông Đoàn Ngọc Có-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-cho hay: Toàn tỉnh hiện có khoảng 88.000 ha cao su được trồng chủ yếu ở khu vực các huyện phía Tây. Trong đó, diện tích đang trong giai đoạn kinh doanh khoảng 76.000 ha, năng suất dao động 1,4-1,6 tấn/ha. Thời gian gần đây, giá mủ cao su trên thị trường thế giới và trong nước đang dần hồi phục và khởi sắc so với những năm trước. Đây là tín hiệu rất đáng mừng cho người dân và những doanh nghiệp cao su trên địa bàn tỉnh.
Để cây cao su phát triển bền vững, tỉnh định hướng người dân, doanh nghiệp giảm những diện tích kém hiệu quả, năng suất thấp, chuyển sang trồng cây ăn quả, dược liệu. Còn những diện tích năng suất đạt 1,4-1,6 tấn/ha trở lên thì tiếp tục đầu tư để đáp ứng nguồn nguyên liệu cho các nhà máy chế biến trên địa bàn tỉnh.
QUANG TẤN-NGUYỄN HỒNG