Công nghiệp chế biến tăng trưởng khá
Trong 6 tháng đầu năm 2024, tổng giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh năm 2010) của tỉnh đạt hơn 15.094 tỷ đồng, đạt 43,1% kế hoạch, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, công nghiệp khai khoáng đạt 125 tỷ đồng (đạt 50% kế hoạch, tăng 19,4%); công nghiệp chế biến, chế tạo đạt hơn 10.445 tỷ đồng (đạt 47,2% kế hoạch, tăng 14,2%); công nghiệp sản xuất và phân phối điện, khí đốt đạt hơn 4.466 tỷ đồng (đạt 35,8% kế hoạch, tương đương so với cùng kỳ năm ngoái); cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải đạt hơn 57 tỷ đồng (đạt 48,9% kế hoạch, tăng 4,1%).
Công nghiệp chế biến tiếp tục đóng vai trò chủ đạo với nhiều sản phẩm chủ lực có mức tăng khá do nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến ổn định, các nhà máy phát huy công suất, thị trường tiêu thụ mở rộng. Cụ thể, chế biến tinh bột mì đạt sản lượng 102.324 tấn, chè đạt 1.053 tấn, nước ép trái cây đạt 10.829 tấn, chế biến sữa đạt hơn 19 triệu lít, sản phẩm MDF đạt 13.857 m3, đá granite đạt 746.640 m2, phân vi sinh đạt 16.960 tấn…
Tổng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh năm 2024 ước đạt 35.000 tỷ đồng. Ảnh: V.T |
Sở hữu 300 ha chè, sản lượng chè búp tươi bình quân khoảng 4.700 tấn/năm, Công ty cổ phần Chè Biển Hồ (huyện Chư Păh) đã đẩy mạnh hoạt động chế biến, đa dạng hóa sản phẩm để xuất khẩu. Trong 6 tháng đầu năm nay, Công ty đã sản xuất 300 tấn chè khô với nhiều dòng sản phẩm khác nhau.
Ông Nguyễn Công Tiến-Phó Tổng Giám đốc Công ty-cho hay: “Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều sản phẩm trà xanh nổi tiếng từ những vùng chuyên canh ở Lâm Đồng, Thái Nguyên. Do đó, muốn sản phẩm có tính cạnh tranh thì Công ty phải tạo ra sự khác biệt, có chiến lược phát triển dài hạn. Theo đó, Công ty đã triển khai rất nhiều khâu, từ sản xuất theo quy trình hữu cơ, xây dựng sản phẩm đạt các chứng chỉ, chứng nhận chất lượng. Đồng thời, đầu tư máy móc, thiết bị tiên tiến để sản xuất ra các sản phẩm chè cao cấp xuất khẩu sang Đài Loan, Trung Quốc”.
Ông Phan Bá Kiên-Giám đốc Công ty TNHH Cà phê Ba Ka (huyện Ia Grai) cho biết: Trong quá trình sản xuất kinh doanh, Công ty luôn chú trọng đầu tư máy móc, công nghệ hiện đại. Bên cạnh các dòng sản phẩm truyền thống như cà phê rang hạt, cà phê bột, cà phê phin tiện lợi, Công ty tiếp tục cho ra đời sản phẩm cà phê hòa tan, túi lọc. Do giá nguyên liệu đầu vào tăng gấp đôi so với năm ngoái nên sản lượng sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm cà phê cũng giảm đáng kể. Tuy nhiên, Công ty cũng đặt mục tiêu đưa ra thị trường khoảng 200 tấn thành phẩm trong năm nay.
Kỳ vọng các dự án lớn
6 tháng qua, do ảnh hưởng bởi tình hình thời tiết bất lợi, lượng nước về các hồ chứa nhà máy thủy điện đạt thấp và sự điều tiết của Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương) nên sản lượng sản xuất của các nhà máy thủy điện lớn trên địa bàn giảm mạnh. Vì vậy, sản lượng điện sản xuất trên địa bàn tỉnh chỉ đạt hơn 4,5 tỷ kWh (đạt 36% kế hoạch, giảm 1,8% so với cùng kỳ năm ngoái).
Tuy nhiên, trong 6 tháng cuối năm, dự kiến các nhà máy thủy điện sẽ phát huy công suất. Cùng với đó, các nhà máy điện gió đi vào hoạt động sẽ góp phần tăng sản lượng điện. Dự kiến năm 2024, sản lượng điện sản xuất trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 11,908 tỷ kWh (đạt 95,15% kế hoạch năm, tăng 1,11% so với năm 2023).
Bên cạnh điện sản xuất, ngành công nghiệp chế biến cũng kỳ vọng tăng trưởng qua việc các nhà máy nâng công suất như Công ty cổ phần Nông nghiệp Agris Gia Lai nâng công suất từ 6.000 tấn mía cây/ngày lên 8.000 tấn mía cây/ngày. Ngoài ra, các nhà máy chế biến sản phẩm từ trái cây, tinh bột mì, phân vi sinh phát huy công suất… sẽ đóng góp đáng kể vào giá trị sản xuất công nghiệp năm 2024.
Ngành chế biến đường đang là một trong những điểm nhấn của ngành công nghiệp chế biến ở Gia Lai. Ảnh: Vũ Thảo |
Năm 2024, Gia Lai phấn đấu tổng giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh năm 2010) ước đạt khoảng 35.000 tỷ đồng, tăng 10,7% so với năm 2023.
Ông Phạm Văn Binh-Giám đốc Sở Công thương-đánh giá: Hiện nay, các mảng chế biến lớn như đường tinh chế, nước ép trái cây, cà phê, dược liệu, tinh bột mì… đều có các nhà máy lớn đi vào hoạt động, đã phát huy tiềm năng, lợi thế trong việc xây dựng, phát triển các vùng sản xuất chuyên canh, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến vào sản xuất theo chuỗi giá trị, chế biến sâu, tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng lớn.
Từ nay đến cuối năm, Sở sẽ làm việc với các nhà máy sản xuất công nghiệp để nắm bắt, tham mưu và đề xuất với Tỉnh ủy, UBND tỉnh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc kịp thời, giúp các nhà máy phát triển ổn định.
Bên cạnh đó, Sở Công thương tiếp tục tham mưu UBND tỉnh để tạo mọi điều kiện thuận lợi, hỗ trợ và hướng dẫn các nhà máy điện gió đã hoàn thành đầu tư xây dựng nhưng chưa phát điện lên lưới sớm đưa đi vào hoạt động trong năm 2024; tiếp tục đôn đốc Nhà máy Điện mặt trời Krông Pa 2 (công suất 19,14 MW), Dự án mở rộng Nhà máy Thủy điện Ialy (công suất 360 MW)… để sớm hoàn thành đưa vào hoạt động.