Kinh tế

Giá cả thị trường

Ngành Công thương khu vực miền Trung-Tây Nguyên: Liên kết phát triển bền vững

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Với mục tiêu tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường thuận lợi phát triển sản xuất, đẩy mạnh xúc tiến thương mại và định hướng tìm kiếm mở rộng thị trường xuất khẩu, ngành Công thương khu vực miền Trung-Tây Nguyên sẽ hội tụ tại Gia Lai bàn các giải pháp liên kết khai thác thế mạnh để cùng nhau hợp tác phát triển kinh tế theo hướng bền vững.
Khai thác thế mạnh của vùng
Ông Bùi Khắc Quang-Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Công thương. Ảnh: Đ.T
Ông Bùi Khắc Quang-Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Công thương. Ảnh: Đ.T
Khu vực miền Trung-Tây Nguyên có hệ thống đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường hàng không trải khắp các tỉnh, thành, rất thuận lợi cho việc giao lưu kinh tế, văn hóa giữa các địa phương. Đặc biệt, tuyến quốc lộ 1A và đường sắt xuyên suốt chiều dài đất nước cùng với các tuyến quốc lộ 14, 19, 24, 25, 29 kết nối Tây Nguyên với các tỉnh, thành khu vực miền Trung, tạo trục hành lang Đông-Tây giao thương với các nước trong khu vực như Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar, xa hơn là các nước Nam Á và vùng Tây Nam Trung Quốc. Cùng với mạng lưới giao thông thuận lợi, nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú trên dải đất miền Trung-Tây Nguyên chính là thế mạnh để các địa phương phát triển các lĩnh vực kinh tế mũi nhọn như: công nghiệp lọc hóa dầu; chế biến nông-lâm-thủy sản; thủy điện, điện gió, điện mặt trời; công nghiệp cơ khí, đóng tàu; sản xuất thiết bị điện; khai thác, chế biến khoáng sản…
Những năm gần đây, ngành Công thương khu vực miền Trung-Tây Nguyên gồm 10 tỉnh, thành phố từ Quảng Bình đến Ninh Thuận và 5 tỉnh Tây Nguyên thường xuyên trao đổi, học tập kinh nghiệm, cùng nhau tìm giải pháp khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của vùng để phát triển kinh tế. Theo đó, khu vực Tây Nguyên có thế mạnh về tài nguyên khoáng sản, cây công nghiệp dài ngày, phát triển điện gió, điện mặt trời… song còn hạn chế trong chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông-lâm sản để nâng cao giá trị và chất lượng sản phẩm; trong khi các tỉnh, thành miền Trung có hệ thống cảng biển, nhà máy chế biến và thị trường xuất khẩu. Vì vậy, việc khai thác tiềm năng và lợi thế của từng vùng để cùng nhau liên kết phát triển đã được ngành Công thương khu vực miền Trung-Tây Nguyên thực hiện từ nhiều năm nay, trong đó có việc thường xuyên trao đổi thông tin, hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia hội chợ, hội nghị kết nối cung cầu trong khu vực, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong khu vực gặp gỡ tìm kiếm cơ hội hợp tác, đẩy mạnh giao thương.
Cùng với việc khai thác tiềm năng, lợi thế của vùng, ngành Công thương khu vực miền Trung-Tây Nguyên còn đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước ở nhiều lĩnh vực như: quản lý quy hoạch; xây dựng chương trình, đề án phát triển ngành; thực hiện tái cơ cấu ngành phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa phát triển bền vững giai đoạn 2020, tầm nhìn đến năm 2030; tập trung quản lý công nghiệp, năng lượng, kỹ thuật, an toàn môi trường công nghiệp và thực phẩm. Bên cạnh đó, ngành Công thương trong khu vực còn đẩy mạnh công tác khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp, quản lý thương mại xuất nhập khẩu, xúc tiến thương mại, thanh tra pháp chế, cải cách thủ tục hành chính.
Trong những năm gần đây, nền kinh tế thế giới cũng như nước ta gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, nhờ sự chỉ đạo kịp thời của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương, ngành Công thương khu vực miền Trung-Tây Nguyên đã có những giải pháp và hướng đi phù hợp với điều kiện thực tiễn. Điển hình như TP. Đà Nẵng đã chủ động đẩy mạnh xúc tiến thương mại thông qua việc hỗ trợ các hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh quảng bá tìm kiếm thị trường, kết nối giao thương với các tỉnh, thành trong và ngoài nước. Trong đó, Sở Công thương Đà Nẵng tập trung hỗ trợ 50% chi phí gian hàng cho 30 lượt hợp tác xã tham gia các hội chợ trên địa bàn thành phố cũng như các tỉnh trong khu vực; hỗ trợ giới thiệu các sản phẩm của các hợp tác xã vào siêu thị; xây dựng website thương mại điện tử; tập huấn, đào tạo cán bộ hợp tác xã. Sở Công thương Ninh Thuận chọn 12 sản phẩm đặc trưng của tỉnh có lợi thế cạnh tranh trên thị trường để tập trung đầu tư phát triển theo chuỗi giá trị sản xuất hàng hóa gắn với hoạt động du lịch; đồng thời có chính sách hỗ trợ phát triển những sản phẩm này như liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ, xây dựng các điểm giới thiệu sản phẩm…
Nhà máy điện mặt trời Krông Pa nhìn từ trên cao. Ảnh: internet
Nhà máy điện mặt trời Krông Pa nhìn từ trên cao. Ảnh: internet
Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, lĩnh vực công thương khu vực miền Trung-Tây Nguyên đã đạt nhiều kết quả khả quan. Theo đó, năm 2018, tổng giá trị sản xuất công nghiệp trong khu vực đạt 443.953 tỷ đồng (so với giá năm 2010). Hầu hết các tỉnh, thành trong khu vực đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn bình quân cả nước. Đây là sự nỗ lực rất lớn của ngành Công thương khu vực miền Trung-Tây Nguyên trong điều kiện khó khăn chung của nền kinh tế hiện nay. Cùng với đó, hoạt động thương mại cũng có bước tiến đáng kể. Năm 2018, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong khu vực đạt 697.209 tỷ đồng, tăng 11,5% so với năm 2017; kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 8.445,1 triệu USD (chưa tính các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Quảng Nam), tăng 10,4% so với năm 2017; kim ngạch nhập khẩu đạt gần 5.175,8 triệu USD (chưa tính 3 tỉnh trên), tăng 31,1% so với năm 2017.
Giải pháp liên kết phát triển
Quốc môn Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh. Ảnh: Đức Thụy
Quốc môn Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh. Ảnh: Đức Thụy
Khu vực miền Trung-Tây Nguyên hiện có 13 khu kinh tế, 57 khu công nghiệp thu hút 1.651 dự án đi vào hoạt động với tổng số vốn 208.374 tỷ đồng, tạo việc làm cho 144.068 lao động; có 231 cụm công nghiệp được thành lập và đã đi vào hoạt động thu hút 2.027 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký hơn 41.613 tỷ đồng.

Trong điều kiện kinh tế còn khó khăn và hạn chế như: công tác quy hoạch ngành công nghiệp, thương mại của vùng vẫn chưa đồng bộ, thiếu tầm nhìn chiến lược, chưa đảm bảo thống nhất, hài hòa trong liên kết phát triển vùng; chậm triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp; công nghiệp chủ yếu tăng trưởng theo chiều rộng, chất lượng chưa cao, khả năng cạnh tranh hạn chế; tiến độ xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp còn chậm… ngành Công thương khu vực miền Trung-Tây Nguyên đề ra chỉ tiêu phát triển năm 2019 là phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp đạt 220.152 tỷ đồng, đưa giá trị sản xuất cả năm đạt 482.368 tỷ đồng, đạt 101,18% kế hoạch và tăng 8,65% so với năm 2018. Để đạt được mục tiêu này, các tỉnh, thành trong khu vực tập trung triển khai giải pháp tạo điều kiện thuận lợi phát triển công nghiệp hỗ trợ, gia tăng hàm lượng nội địa cho hàng xuất khẩu, giảm sự phụ thuộc vào nguyên liệu hàng nhập khẩu; chủ động tìm kiếm khách hàng tại các thị trường mới; đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển công nghiệp, thương mại; tiếp tục thực hiện Nghị định 68/2017/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp; thực hiện hiệu quả các đề án khuyến công từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia và địa phương theo kế hoạch đã được phê duyệt; hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết khó khăn, đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, ngành Công thương các địa phương tham mưu giúp UBND tỉnh, thành phố xây dựng chương trình dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường, đảm bảo cân đối cung cầu; có cơ chế chính sách khuyến khích thu hút đầu tư các dự án trọng điểm phát triển hạ tầng thương mại; triển khai hiệu quả các chương trình xúc tiến thương mại đưa hàng Việt về nông thôn; tăng cường hoạt động liên kết, phát triển sản xuất, đẩy mạnh giao thương giữa các địa phương; liên kết phát triển vùng để khai thác tiềm năng, thế mạnh của các địa phương trong khu vực.
Cùng với việc phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ chung của ngành Công thương, mỗi địa phương còn dựa vào tiềm năng, thế mạnh riêng có của mình để tạo được đột phá trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại. Điển hình như một số tỉnh mà môi trường tự nhiên có lợi thế về năng lượng tái tạo đang đẩy mạnh phát triển lĩnh vực này, trong đó có Gia Lai. Những năm gần đây, tỉnh Gia Lai đã đẩy mạnh thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến tìm hiểu đầu tư vào các dự án điện mặt trời, điện gió trên địa bàn theo chủ trương khuyến khích đầu tư của Chính phủ. Qua khảo sát đo gió sơ bộ, đến nay có 4 khu vực có tiềm năng phát triển các dự án điện gió với công suất có thể đạt khoảng 11.950 MW gồm: khu vực phía Đông tỉnh khoảng 3.800 MW; khu vực Đông Nam tỉnh khoảng 1.300 MW; khu vực phía Tây khoảng 6.350 MW và TP. Pleiku khoảng 500 MW. Đến nay đã có 1 dự án được phê duyệt bổ sung quy hoạch và chủ trương đầu tư; 10 dự án đã được UBND tỉnh trình cấp thẩm quyền xem xét, phê duyệt bổ sung quy hoạch với công suất 1.787,4 MW và 28 dự án đang khảo sát, nghiên cứu lập hồ sơ bổ sung quy hoạch sau khi được sự thống nhất của UBND tỉnh với công suất dự kiến 4.326 MW. Hiện nay, 30 nhà đầu tư đang đề xuất UBND tỉnh xem xét cho chủ trương khảo sát, nghiên cứu lập hồ sơ bổ sung quy hoạch 39 dự án điện gió trên địa bàn tỉnh với công suất dự kiến là 6.546 MW.
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ về điện gió, đến nay, tỉnh Gia Lai đã triển khai 3 dự án điện mặt trời với công suất 158 MWp gồm: dự án Nhà máy điện mặt trời Krông Pa công suất 69 MWp đã phát điện từ tháng 11-2018; dự án Nhà máy điện mặt trời Krông Pa 2 công suất 49 MWp đã hoàn thành đền bù giải phóng mặt bằng, hiện đang triển khai thủ tục đầu tư; dự án Nhà máy điện mặt trời Chư Ngọc-EVNLICOG116, công suất 40 MWp đang triển khai thi công giai đoạn 1 với công suất 15 MWp. Hiện nay, 10 dự án điện mặt trời đã được UBND tỉnh trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt bổ sung quy hoạch với công suất là 635 MWp; 22 dự án đang khảo sát, nghiên cứu lập hồ sơ bổ sung quy hoạch với công suất dự kiến khoảng 3297,5 MWp. Ngoài ra còn có 14 nhà đầu tư với 21 dự án điện mặt trời đang đề xuất UBND tỉnh cho phép khảo sát, lập hồ sơ bổ sung quy hoạch với công suất dự kiến khoảng 2.112 MWp. Việc thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước phát triển các dự án điện mặt trời, điện gió trên địa bàn tỉnh Gia Lai trong giai đoạn hiện nay phù hợp với chiến lược phát triển năng lượng tái tạo được Chính phủ khuyến khích đầu tư.
Trong 7 tháng năm 2019, giá trị sản xuất công nghiệp của khu vực ước đạt 262.216 tỷ đồng (tăng 6,84% so với cùng kỳ năm 2018); tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 444.622 tỷ đồng (tăng 12,4% so với cùng kỳ năm 2018); kim ngạch xuất khẩu ước đạt gần 5.384,5 triệu USD (đạt 59% kế hoạch năm) và nhập khẩu ước đạt 3.087,6 triệu USD.
 BÙI KHẮC QUANG
Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Công thương

Có thể bạn quan tâm