Du lịch

Hành trang lữ hành

Ngành du lịch nguy cơ thiếu lao động

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trong dịch Covid-19, du lịch là ngành chịu tác động mạnh nhất. Sự đình trệ hoạt động du lịch kéo dài khiến nhiều lao động trong ngành buộc phải ra ngoài tìm việc khác, nhiều người không muốn quay trở lại... Nguy cơ thiếu hụt lao động khi du lịch mở cửa trở lại là rất rõ.
Lao động không còn thiết tha với nghề
Từng có thâm niên 15 năm làm trong ngành du lịch, phục vụ buồng phòng cho khách sạn 4 sao tại Hà Nội, nhưng giờ đây anh Nguyễn Trọng Vũ (Phú Thượng, Tây Hồ, Hà Nội) cũng phải từ bỏ công việc. Vũ cho biết, sau đợt dịch Covid-19 lần thứ nhất, anh đã cố bám trụ, dù lúc đó công việc cũng đã ít. Lúc đó anh nghĩ, trụ một thời gian dịch đi qua thì sẽ ổn, nhưng không ngờ càng ngày tình hình càng tệ.
Quý I và II, lương của anh bị sụt giảm đi một nửa. Từ chỗ nhận lương 9 - 11 triệu đồng/tháng, thì tới tháng 7 lương của anh chỉ còn 4,5 triệu đồng/tháng.

Hàng chục nghìn lao động ngành du lịch không muốn quay lại làm việc (hướng dẫn viên du lịch tại Hội An, Quảng Nam). Ảnh: Nguyệt Tạ
Hàng chục nghìn lao động ngành du lịch không muốn quay lại làm việc (hướng dẫn viên du lịch tại Hội An, Quảng Nam). Ảnh: Nguyệt Tạ
Ông Trần Trung Hiếu - Phó Giám đốc phụ trách Sở Du lịch Hà Nội cho hay, từ ngày 28/7 - 2/8/2020, doanh nghiệp du lịch Hà Nội phải hủy tour nội địa của gần 30.000 khách. Một số công ty lữ hành lớn như Vietrantour có khoảng 3.500 khách hủy tour, thiệt hại khoảng 21 tỷ đồng; Flamingo Redtours có 9.000 khách hủy tour, thiệt hại 40 tỷ đồng; Hanoitourist có khoảng 5.000 khách hủy tour, thiệt hại khoảng 30 tỷ đồng... Điều này khiến hàng nghìn lao động ngành du lịch của thành phố mất việc làm.

"Với mức lương ấy, tôi không thể lo cho cuộc sống sinh hoạt của bản thân và vợ con. Dù rất tiếc công việc cũ nhưng tôi đành phải nghỉ, tìm việc khác để có tiền lo cho gia đình, vợ con.

Tôi chưa quyết định có quay lại công việc cũ hay không vì chắc phải chờ xem tình hình dịch bệnh và công việc nơi cũ thế nào" - anh Vũ nói.
Không chỉ lao động có thâm niên, nhiều cử nhân ngành du lịch vừa tốt nghiệp cũng ngay lập tức gặp "quả đắng" vì không có việc làm. Nguyễn Linh Đan (Tây Hồ, Hà Nội) vừa tốt nghiệp bằng giỏi khoa phiên dịch Trường CĐ Du lịch Hà Nội.
Đan cho biết, khi đi thực tập, cô đã được một doanh nghiệp lữ hành gợi ý mời về làm ở một vị trí khá tốt. Thế nhưng, cô tốt nghiệp đúng vào đợt ngành đang bị khủng hoảng vì dịch, phía công ty đang rất khó khăn. Hiện tại, lời mời của bên đó cũng đã phải rút lại.
"Hiện, em xin đi làm gia sư tiếng Anh cho các bạn học sinh lớp 2. Thu nhập không cao nhưng cũng đủ để trang trải nhu cầu sinh hoạt hàng ngày. Nếu chờ đợi thêm một thời gian nữa mà không xin được việc đúng chuyên ngành, chắc em cũng phải xoay sang tìm công việc khác để lo cho cuộc sống" - Linh Đan nói.
Bà Nguyễn Thị Lan Hương - chuyên gia lao động cho rằng, nếu dịch bệnh không được kiểm soát, tình trạng lao động trong lĩnh vực dịch vụ du lịch quay lưng lại với công việc cũ, tìm công việc mới là chuyện đương nhiên.
Ngành dịch vụ du lịch sẽ phải đối mặt với nguy cơ thiếu nhân sự trầm trọng khi hoạt động trở lại.
"Cái khó là, cho dù dịch có được kiểm soát lúc này, thì ngành du lịch cũng chưa thể phục hồi ngay được. Sự phục hồi đó sẽ khá chậm và sẽ mất một thời gian dài.
Nếu không có chính sách hỗ trợ, thì cả doanh nghiệp và người lao động sẽ khó bắt nhịp lại được. Lao động không thể đi làm và nhận mức lương "chết đói" vì còn phải lo cho cuộc sống" - bà Hương nói.
Gấp rút đưa ra các giải pháp hỗ trợ
Theo thống kê của Sở Du lịch TP.Đà Nẵng, trong đợt dịch Covid-19 lần 2 này, toàn thành phố đã có tới hơn 44.000 lao động bị ngừng việc, nghỉ việc. Nghỉ việc quá lâu, nhiều khách sạn ở Đà Nẵng hiện không còn nhân viên khi quay lại hoạt động.
Còn tại Hà Nội, thống kê của Liên đoàn Lao động thành phố cũng cho thấy, có hơn 30.000 lao động mất, thiếu việc làm do dịch Covid-19 trở lại, chủ yếu là lao động trong các ngành du lịch, dịch vụ, dệt may...
Trong khi đó, bà Trương Thị Hồng Hạnh - Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng cũng cho biết, trong đợt dịch lần hai, trong số hơn 44.000 lao động bị ngừng việc, nghỉ việc, mất việc, có hàng nghìn lao động đã phải tìm công việc mới. Đáng nói, một số lượng lớn không còn thiết tha với công việc cũ.
Theo bà Hạnh, rất nhiều khách sạn đang chuẩn bị mở cửa trở lại phải "dở khóc dở cười" vì sau gần 1 tháng, câu trả lời của nhân viên là "đã có công việc mới".
Trước thực tế đó, nhiều đơn vị kinh doanh du lịch trong cả nước kiến nghị Chính phủ và địa phương cần có chính sách mạnh hơn nữa hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động. Mới đây trong hội nghị trực tuyến bàn về tháo gỡ khó khăn cho ngành du lịch do Tổng cục Du lịch vừa tổ chức, các doanh nghiệp có chung ý kiến: Nhà nước cần có những chính sách, hỗ trợ cụ thể như giảm thuế VAT, giảm tiền điện, tiền nước, giãn thời gian trả tiền thuê đất, hỗ trợ tài chính cho lực lượng lao động trong ngành du lịch. 
Theo Thùy An (Dân Việt)
https://danviet.vn/nganh-du-lich-nguy-co-thieu-lao-dong-20200914171846358.htm

Có thể bạn quan tâm