(GLO)- Ngành du lịch và dịch vụ đang trải qua giai đoạn vô cùng khó khăn. Đánh giá thỏa đáng và nhận định xu hướng sắp tới của ngành này để có các kịch bản ứng phó, thích nghi với tình hình mới đã được các đơn vị triển khai tích cực.
Thay đổi chiến lược kinh doanh
Ông Chu Văn Chỉ-chủ nhà hàng Tơ Nưng (TP. Pleiku) cho biết: Trước đây, phân khúc khách hàng chính của nhà hàng là khách du lịch. Vì vậy, khi du lịch đóng băng, hoạt động của nhà hàng rơi vào khó khăn, bế tắc. “Sau những đợt bùng phát dịch và giãn cách, chúng tôi không thể có kịch bản chính xác cho hoạt động kinh doanh mà phải uyển chuyển, linh hoạt theo tình hình dịch bệnh.
Cũng theo ông Chỉ, nhà hàng Tơ Nưng đã chuyển dịch hoạt động kinh doanh từ phục vụ khách du lịch sang khách bản địa. Nhưng hiện tại, mọi người đều cắt giảm chi tiêu và e dè dịch bệnh nên việc tới nhà hàng ăn uống cũng không thường xuyên như trước, hoạt động kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Song ông tin rằng, sự linh hoạt, uyển chuyển sẽ giúp các doanh nghiệp thích ứng với tình hình và vượt qua khó khăn.
Du lịch nông nghiệp sẽ được đẩy mạnh triển khai để thích ứng với thời kỳ hậu đại dịch. Ảnh: Hoàng Ngọc |
Ngành khách sạn cũng không khoanh tay trước biến cố mà tìm mọi cách thích ứng. Chị Phan Nguyễn Hoài Thương-Giám đốc khách sạn Hoài Thương (TP. Pleiku) cho biết: Sau 3 đợt dịch, doanh thu và tình hình hoạt động của khách sạn bị ảnh hưởng nặng nề. Lượng khách giảm 40-60% so với bình thường. Nguồn kinh phí dự phòng của đơn vị đã gần như cạn kiệt. Để ứng phó với dịch bệnh kéo dài, khách sạn đã cố gắng sắp xếp ca trực của nhân viên một cách hợp lý hơn, cắt giảm những gì không cần thiết nhằm hạn chế tối đa chi phí.
Tìm cách thích ứng
Dù nỗ lực để phục hồi hoạt động nhưng không ít doanh nghiệp đã cạn kiệt nguồn lực tài chính. Một bộ phận nhân lực du lịch đã phải đi tìm công việc mới. Các công ty còn trụ lại được đều đã có kế hoạch để sẵn sàng phục hồi hoạt động kinh doanh. Ông Hoàng Phương-Giám đốc Công ty TNHH truyền thông du lịch Le Pleiku-cho biết: “Sau đợt dịch thứ 4, có đến 70% doanh nghiệp du lịch phải đóng cửa. Thứ nhất là họ đã kiệt quệ; thứ hai, họ thấy tiềm năng khai thác mảng này không thể như trước được nữa. Đây là sự đào thải lớn nhất từ trước tới nay của ngành này. Đơn vị còn trụ lại sẽ phải chuyển đổi mô hình để thích ứng với tình hình mới, bởi chắc chắn sau dịch bệnh, nhu cầu dịch vụ và điểm đến sẽ thay đổi trong tư duy của du khách. Chúng tôi gần như phải “thay máu” cách làm du lịch của mình, không theo kiểu xưa nay vẫn làm”.
Du khách có xu hướng tìm kiếm không gian mở tại các điểm đến. Ảnh: Hoàng Ngọc |
Ngành Du lịch tỉnh cũng đã chuẩn bị các phương án để phục hồi trong tình hình mới. Ông Nguyễn Đức Hoàng-Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch-cho hay: “Sở sẽ phối hợp với Hiệp hội Du lịch tăng cường đào tạo lại nguồn nhân lực để kịp thời bổ sung lực lượng lao động đã chuyển ngành sau các đợt dịch. Ngoài ra, ngành Du lịch sẽ ký kết với ngành Nông nghiệp và PTNT để đẩy nhanh phát triển du lịch nông nghiệp nông thôn gắn với sản phẩm OCOP. Loại hình du lịch này dự báo sẽ là xu hướng mới, đáp ứng thị hiếu du khách sau đại dịch. Ngoài ra, Sở đang tập trung triển khai Dự án xây dựng cơ sở dữ liệu, cổng thông tin điện tử và ứng dụng du lịch thông minh kết nối cơ sở dữ liệu chuyên ngành du lịch để hỗ trợ thông tin cho du khách (thông qua app trên điện thoại thông minh) về điểm đến, dịch vụ nhà hàng, khách sạn, an ninh, an toàn; đồng thời, quảng bá các điểm du lịch trên nền tảng trực tuyến để du khách dễ tiếp cận và lựa chọn”.
Ông Nguyễn Đức Hoàng-Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch: “Thời gian qua, Gia Lai liên tiếp phát hiện những quần thể đá cổ như suối đá triệu năm ở làng Vân (thị trấn Ia Ly, huyện Chư Păh), quần thể cổ thạch H’Chan tại xã Đê Ar (huyện Mang Yang). Sở sẽ phối hợp với các địa phương xây dựng kế hoạch quản lý, bảo vệ môi trường quanh các di sản thiên nhiên này, xây dựng thêm sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn. Cùng với hình thái du lịch nông nghiệp là thế mạnh, bản đồ du lịch của tỉnh sẽ có thêm những sản phẩm mới cùng với sự linh hoạt để thích ứng tình hình”. |
HOÀNG NGỌC