Đến dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị có Uỷ viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Dự điểm cầu tỉnh Gia Lai có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Quế cùng lãnh đạo các sở, ngành liên quan.
Quang cảnh Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ của ngành Giao thông-Vận tải năm 2024. Ảnh: Minh Phương |
Báo cáo tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giao thông-Vận tải Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh: Năm 2023, dưới sự lãnh đạo toàn diện, thống nhất của Đảng; hỗ trợ, giám sát thường xuyên của Quốc hội; chỉ đạo, điều hành quyết liệt, hiệu quả của Chính phủ và sự phối hợp của các Bộ, ngành Trung ương, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp, người dân, ngành Giao thông-Vận tải đã không ngừng nỗ lực, thực hiện nhiệm vụ với phương châm hành động “Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả” đã đạt nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực quản lý.
Đặc biệt, đây cũng là năm mà ngành Giao thông-Vận tải có nhiều đột phá trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông với việc khởi công 26 dự án; hoàn thành, đưa vào khai thác 20 dự án, trong đó riêng đường bộ cao tốc với 9 dự án, dài 475km đã góp phần nâng tổng số chiều dài đường bộ cao tốc đưa vào khai thác trên cả nước lên gần 1.900 km.
Năm 2023, Bộ Giao thông-Vận tải được Thủ tướng Chính phủ giao số vốn đầu tư công lớn nhất từ trước tới nay với khoảng 94.161 tỷ đồng (gấp 1,7 lần so với năm 2022); giao nguồn vốn sự nghiệp kinh tế hơn 19,9 ngàn tỷ đồng phục vụ công tác bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông. Cùng với việc triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả, Bộ Giao thông-Vận tải dự kiến giải ngân đạt trên 95% so với kế hoạch.
Ngoài ra, Bộ Giao thông-Vận tải còn tập trung rà soát, hoàn thiện, nâng cao chất lượng xây dựng thể chế, cơ chế chính sách và một trong các Bộ trình sớm nhất và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 5/5 quy hoạch ngành quốc gia; đồng thời tiếp thu, hoàn thiện, trình Thường trực Chính phủ 2 đề án rất quan trọng về định hướng huy động nguồn vốn xã hội đầu tư kết cấu hạ tầng cảng hàng không và chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam. Bên cạnh đó, Bộ cũng tập trung triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ để thúc đẩy hoạt động vận tải, nâng cao chất lượng dịch vụ cũng như công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
Đáng chú ý, công tác xây dựng chính phủ điện tử, chuyển đổi số, cải cách hành chính, cải cách thủ tục hành chính tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực, nhiều thủ tục hành chính được cắt giảm, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Năm 2023, Bộ Giao thông-Vận tải đã hoàn thành 6/6 chỉ tiêu và 23/25 nhiệm vụ Chính phủ giao về xây dựng chính phủ điện tử, chuyển đổi số...
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ của ngành Giao thông-Vận tải năm 2024. Ảnh: Minh Phương |
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương và đánh giá cao thành tích đã đạt được của ngành Giao thông-Vận tải và các địa phương trong năm 2023.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Phạm Minh chính đề nghị Bộ Giao thông-Vận tải không được say sưa với thắng lợi, mà phải luôn nỗ lực, cố gắng và cố gắng hơn nữa. Đối với một số nhiệm vụ trọng tâm của năm 2024, Thủ tướng Chính phủ đề nghị Bộ Giao thông-Vận tải cần quán triệt nghiêm túc và triển khai đồng bộ các chỉ đạo của Đảng, điều hành của Nhà nước đối với lĩnh vực quản lý. Lấy đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ làm động lực dẫn dắt trong việc xây dựng, khảo sát, thiết kế, giám sát và tổ chức thi công các công trình trọng điểm vừa đảm bảo tiến độ, chất lượng vừa chống tiêu cực, tham nhũng đối với việc triển khai các dự án giao thông.
Cùng với đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đề nghị lãnh đạo Bộ Giao thông-Vận tải nắm chắc tình hình, bám sát thực tiễn để xử lý kịp thời, đúng thời điểm các vấn đề vướng mắc trên tinh thần “Vướng mắc ở cấp nào thì cấp đó phải tháo gỡ, khó khăn ở đâu thì ở đó phải tìm cách giải quyết”. Giữ vững kỷ luật, kỷ cương, phân cấp, phân quyền đi đôi với việc phân bổ nguồn lực, nâng cao khả năng thực thi, đặc biệt là tăng cường công cụ giám sát, kiểm tra thường xuyên; giảm thủ tục hành chính còn gây phiền hà, sách nhiễu đối với người dân, doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng đề nghị Bộ Giao thông-Vận tải tăng cường quan tâm đến công tác truyền thông, hướng dẫn để tạo sự đồng thuận xã hội; phải hài hòa lợi ích giữa người dân, doanh nghiệp và Nhà nước nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp trên cơ sở “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”. Đặc biệt, ưu tiên nguồn lực thực hiện các dự án trọng điểm, kiểm soát tiến độ, nâng cao chất lượng, chống tiêu cực lãng phí.