Đô thị

Nhịp sống Đô thị

Bộ Giao thông Vận tải dự kiến khởi công 19 dự án lớn năm 2024

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đó là nội dung được nhắc đến trong báo cáo tổng kết năm 2023, triển khai kế hoạch năm 2024 của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT).

Bộ GTVT cho biết, một trong những nhiệm vụ chủ yếu của năm 2024 là đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Do đó, Bộ đặt mục tiêu hoàn thành thủ tục khởi công 19 dự án trong năm 2024.

Trong đó, có 3 dự án cao tốc do Bộ GTVT là cơ quan có thẩm quyền/cơ quan chủ quản, gồm cao tốc Dầu Giây - Tân Phú; Chợ Mới - Bắc Kạn; Lộ T - Rạch Sỏi.

16 dự án khác gồm: đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận; Dự án cải tạo, mở rộng QL.2 đoạn Vĩnh Yên - Việt Trì, tỉnh Vĩnh Phúc; Cải tạo, nâng cấp QL.28B qua tỉnh Bình Thuận và tỉnh Lâm Đồng; Đường Hồ Chí Minh đoạn Chợ Chu - Ngã ba Trung Sơn; Dự án cải tạo đường sắt khu vực đèo Khe Nét, tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM;

Xây dựng cầu Ninh Cường vượt sông Ninh Cơ trên QL.37B (ODA); Cải tạo, nâng cấp luồng Quy Nhơn cho tàu 50.000 DWT; Đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh giai đoạn 1; Xây dựng hệ thống thông tin phục vụ quản lý nhà nước của Cục Đường bộ Việt Nam; Xây dựng hệ thống thông tin quản lý tích hợp phục vụ chuyển đổi số Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam;

Xây dựng các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu dùng chung của Bộ GTVT giai đoạn 2021-2025; Xây dựng hệ thống thông tin quản lý phương tiện, người điều khiển phương tiện hàng không và kết cấu hạ tầng giao thông HK; Cải tạo, mở rộng QL46 đoạn TP.Vinh - TT.Nam Đàn; Dự án nâng cấp, cải tạo 03 tuyến QL (53, 62, Nam Sông Hậu) tại đồng bằng sông Cửu Long, vốn vay WB; Quốc lộ 4B Lạng Sơn; Đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, giai đoạn 1.

Dự án cao tốc Nha Trang - Can Lâm.

Dự án cao tốc Nha Trang - Can Lâm.

Ngoài ra, Bộ GTVT sẽ phấn đấu hoàn thành, đưa vào khai thác 23 dự án, trong đó có 2 dự án thành phần Diễn Châu - Bãi Vọt, Cam Lâm - Vĩnh Hảo trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 1.

Bộ cũng sẽ hoàn thiện thủ tục để nâng tốc độ khai thác một số tuyến cao tốc từ 80km/h lên 90km/h, đồng thời tập trung hoàn thành các hạng mục còn lại, hoàn trả các tuyến đường địa phương, thực hiện quyết toán dự án hoàn thành đối với các tuyến cao tốc đã hoàn thành, đưa vào khai thác làm cơ sở triển khai đầu tư nâng cấp, mở rộng trong giai đoạn tiếp theo.

"Bộ sẽ tiếp tục phấn đấu trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam; đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư các tuyến đường sắt quan trọng quốc gia như: TP.HCM - Cần Thơ, Biên Hòa - Vũng Tàu, Long Thành - Thủ Thiêm, Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.

Đồng thời, phối hợp, hỗ trợ các địa phương hoàn thiện hồ sơ để khởi công 11 dự án đường bộ cao tốc do địa phương được giao là cơ quan chủ quản", Bộ GTVT cho biết.

Giải ngân đầu tư công 2023 dự kiến đạt 95%

Theo Bộ GTVT, trong năm 2023, Bộ GTVT được Chính phủ giao số vốn lên tới trên 94 nghìn tỷ đồng, lớn nhất từ trước tới nay (gấp 1,7 lần năm 2022 và gấp 2,2 lần năm 2021).

“Đây là một nhiệm vụ rất khó khăn và nhiều thách thức trong bối cảnh nhiều dự án mới được khởi công, công tác giải phóng mặt bằng chưa đáp ứng được tiến độ Thủ tướng chỉ đạo. Bên cạnh đó, tình hình cung ứng nguyên vật liệu, đặc biệt là nguồn cát đắp còn nhiều gian nan, thời tiết, thiên tai diễn biến phức tạp, khó lường, nội lực của các doanh nghiệp gặp nhiều thử thách”, Bộ GTVT nhấn mạnh.

Trước tình hình đó, Bộ đặt ra mục tiêu giải ngân tối thiểu 95% và tuyệt đối không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực, thất thoát.

“Đến hết tháng 12/2023 ước giải ngân của Bộ đạt khoảng 90% kế hoạch và dự kiến đến hết niên độ kế hoạch sẽ giải ngân đạt trên 95%”, báo cáo của Bộ GTVT nêu.

Có thể bạn quan tâm