(GLO)- Lời Tòa soạn: Trong bối cảnh hoạt động huy động vốn tăng trưởng tích cực thì hoạt động tín dụng trong 9 tháng năm 2022 lại có xu hướng chững lại, thậm chí giảm so với thời điểm cuối năm 2021. Bước vào giai đoạn tăng tốc về đích cuối năm, ngành Ngân hàng tỉnh Gia Lai tiếp tục định hướng nguồn vốn tín dụng đầu tư có trọng tâm, trọng điểm theo kế hoạch. Xung quanh nội dung này, P.V Báo Gia Lai có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Hữu Nghị-Giám đốc Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh tỉnh.
* P.V: Ông có thể cho biết những điểm nổi bật trong hoạt động ngân hàng 9 tháng qua?
Ông Nguyễn Hữu Nghị. Ảnh: Sơn Ca |
Một điều có thể nhận thấy rõ, sự tăng-giảm rõ rệt giữa huy động và cho vay trong biểu đồ tăng trưởng 9 tháng vừa qua khá giống với chu kỳ năm ngoái. Điều này cho thấy, ngân hàng vẫn là kênh trú ẩn an toàn, hiệu quả cho người dân, tổ chức trong bối cảnh các kênh đầu tư khác đang tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro. Một điểm nhấn quan trọng khác là chất lượng tín dụng tiếp tục được kiểm soát chặt chẽ, tỷ lệ nợ xấu chỉ chiếm 2,01%/tổng dư nợ, giảm 0,86% so với cùng kỳ năm ngoái và giảm 0,03% so với thời điểm cuối năm 2021.
* P.V: Huy động vốn tăng nhưng dư nợ tín dụng giảm nói lên điều gì, thưa ông?
- Ông NGUYỄN HỮU NGHỊ: Huy động và cho vay là 2 nhiệm vụ trọng tâm gắn liền với nhau trong hoạt động ngân hàng. Đây cũng là một trong những chỉ số phản ánh chân thực tình hình “sức khỏe”, khả năng hấp thu vốn của nền kinh tế. Từ những chỉ số quan trọng trong hoạt động ngân hàng đã thể hiện rất rõ Gia Lai vẫn đang là địa bàn hấp thu vốn. Với quy mô tín dụng đạt 97.200 tỷ đồng như hiện nay, nguồn vốn ngân hàng vẫn đang là huyết mạch của nền kinh tế, phủ sóng các ngành, lĩnh vực như nông nghiệp, nông thôn, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch...
Ở một góc độ khác, nhu cầu tín dụng có xu hướng chững lại và sụt giảm một phần do tổ chức, doanh nghiệp và người dân cẩn trọng hơn, không mở rộng quy mô hoạt động sản xuất kinh doanh do vẫn còn e ngại ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Còn về phía các tổ chức tín dụng giữ quan điểm không bằng mọi giá tăng trưởng tín dụng mà hướng đến ổn định gắn với mục tiêu kiểm soát và nâng cao chất lượng tín dụng. Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh tỉnh, trong 2 năm trở lại đây, dưới sự tác động của nhiều yếu tố khách quan lẫn chủ quan, hoạt động ngân hàng có chiều hướng giảm nhu cầu tín dụng trong những quý đầu năm nhưng sẽ bắt đà phục hồi tăng trưởng tín dụng vào cuối năm khi vào guồng hút vốn tín dụng theo quy luật.
Dòng tiền nhàn rỗi trong ngắn hạn vẫn đang chảy mạnh vào kênh huy động vốn của các ngân hàng thương mại. Ảnh: Sơn Ca |
* P.V: Bước vào giai đoạn nước rút cuối năm, ngành Ngân hàng tỉnh sẽ làm gì để nguồn vốn tín dụng góp phần thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế, thưa ông?
- Ông NGUYỄN HỮU NGHỊ: Quán triệt các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh tỉnh xác định tiếp tục tập trung nguồn lực cho nền kinh tế phục hồi và phát triển. Theo đó, tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 03/2022/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh tỉnh cũng đề nghị các tổ chức tín dụng tập trung đẩy mạnh công tác huy động vốn, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận vốn ngân hàng, đảm bảo đầu tư vốn tín dụng có trọng tâm, trọng điểm, mở rộng đầu tư tín dụng đối với các ngành, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ. Đồng thời, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng đi đôi với kiểm soát chất lượng tín dụng. Với những nỗ lực, quyết tâm chính trị, ngành Ngân hàng tỉnh luôn đặt nhiệm vụ trọng tâm đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động ngân hàng, góp phần ổn định tiền tệ, tài chính, phát triển kinh tế-xã hội và phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra trong năm 2022.
* P.V: Xin cảm ơn ông!
SƠN CA (thực hiện)