(GLO)- Lời Tòa soạn: Với vai trò tham mưu giúp UBND tỉnh, Sở Tài chính đang tập trung các giải pháp thực hiện nhiệm vụ thu chi ngân sách nhà nước, đồng thời chuẩn bị các điều kiện để triển khai thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế. Xung quanh vấn đề này, P.V Báo Gia Lai điện tử có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Anh Dũng-Giám đốc Sở Tài chính.
* P.V: Kết quả thực hiện nhiệm vụ thu chi ngân sách nhà nước trong quý I-2022 đã thể hiện được điều gì, thưa ông?
Ông Nguyễn Anh Dũng. Ảnh: Sơn Ca |
- Ông NGUYỄN ANH DŨNG: Quý I-2022, tổng thu ngân sách nhà nước do ngành Tài chính thực hiện trên 1.661 tỷ đồng, bằng 30,7% dự toán Bộ Tài chính giao, bằng 28,8% dự toán HĐND tỉnh giao và tăng 10,7% so với cùng kỳ năm 2021. Kết quả này là rất tích cực, tạo tiền đề phấn đấu cho các quý tiếp theo. Thông qua kết quả thu ngân sách 3 tháng đầu năm thể hiện nền kinh tế đang trên đà phục hồi, thích ứng với trạng thái bình thường mới.
Đối với công tác chi ngân sách, Sở Tài chính đã tham mưu giúp UBND tỉnh chi tiết kiệm, hiệu quả, đáp ứng kịp thời các yêu cầu nhiệm vụ chi thường xuyên, chi đột xuất, chi đầu tư phát triển. Cụ thể, chi ngân sách quý I là 3.158 tỷ đồng, đạt 24,3% so với dự toán trung ương giao và 23,5% so với dự toán HĐND tỉnh giao, tăng 21,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, chi thường xuyên là 2.056,4 tỷ đồng, đạt 21,8% dự toán trung ương giao và HĐND tỉnh giao, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2021. Chi đầu tư phát triển là 240,8 tỷ đồng, bằng 6,91% kế hoạch vốn. Có thể nói rằng, đặt trong bối cảnh chung thì kết quả thu chi ngân sách nhà nước do ngành Tài chính thực hiện là một chỉ số rất tích cực, góp phần vào kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh trong 3 tháng đầu năm nay.
* P.V: Ông cho biết, Sở Tài chính có những giải pháp nào để triển khai nhiệm vụ đặt ra của quý II-2022?
- Ông NGUYỄN ANH DŨNG: Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Tài chính tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm và vai trò của người đứng đầu, siết chặt kỷ cương, kỷ luật hành chính trong thực thi công vụ. Theo đó, Sở phối hợp với các sở, ban ngành tham mưu giúp UBND tỉnh tập trung thực hiện các giải pháp thu hút đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư và phục hồi tăng trưởng kinh tế, xác định rõ đây là nguồn thu ổn định và lâu dài cho ngân sách nhà nước. Sở Tài chính phối hợp chặt chẽ với Cục Thuế, Hải quan, Kho bạc Nhà nước tập trung khai thác các nguồn thu, tham mưu tỉnh đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án có thu tiền sử dụng đất, đấu giá quyền sử dụng đất nhằm đảm bảo khai thác các nguồn thu từ đất.
Liên quan đến nhiệm vụ chi, Sở tiếp tục rà soát, bố trí lại các khoản để đảm bảo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị gắn liền với việc chi tiết kiệm, hiệu quả, đúng tiêu chí định mức. Tiếp tục ưu tiên cho các khoản chi phòng-chống dịch và an sinh xã hội. Sở Tài chính tiếp tục phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Kho bạc Nhà nước, chính quyền địa phương tham mưu giúp UBND tỉnh các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình dự án, gắn với việc tiếp tục đẩy nhanh tiến độ giải ngân để giúp các doanh nghiệp có khả năng mở rộng quy mô sản xuất, giải quyết việc làm. Tin tưởng rằng, việc triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp nêu trên sẽ góp phần thực hiện cao nhất các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội đã đặt ra trước mắt trong quý II-2022 và xuyên suốt cả năm.
Cán bộ Chi cục Thuế TP. Pleiku hướng dẫn các hộ kinh doanh đăng ký nộp thuế. Ảnh: Đức Thụy |
* P.V: Thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ, Sở Tài chính đã chuẩn bị những gì để hoàn thành tốt nhất các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, thưa ông?
- Ông NGUYỄN ANH DŨNG: Theo dự tính của Sở Tài chính và cơ quan thuế, việc triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ cho tổ chức, cá nhân do ảnh hưởng bởi dịch bệnh theo chủ trương của Chính phủ, năm 2022 sẽ giảm thu ngân sách khoảng 620 tỷ đồng. Để hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách do thực hiện đồng bộ các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ tổ chức, doanh nghiệp, người dân chịu tác động bởi dịch Covid-19. Đặc biệt là các chính sách miễn, giảm thuế, phí, tiền thuê đất để các tổ chức, cá nhân, người lao động có cơ hội phục hồi sản xuất kinh doanh, mở rộng sản xuất. Đây là động lực để tăng trưởng kinh tế, thực hiện chính sách an sinh xã hội. Điều này góp phần tạo ra nguồn thu ổn định cho ngân sách nhà nước.
Cùng với đó, thông qua các kênh thông tin, đặc biệt là việc tiếp xúc với doanh nghiệp để kịp thời xử lý tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh giúp cho doanh nghiệp có điều kiện vừa phục hồi sản xuất, vừa phát triển kinh tế. Ngoài ra, xử lý nghiêm các cơ quan, đơn vị, đặc biệt là người đứng đầu có biểu hiện gây khó khăn nhũng nhiễu đối với doanh nghiệp.
* P.V: Xin cảm ơn ông!
SƠN CA (thực hiện)