Kinh tế

Tài chính

Ngành Tài chính: Những mốc son tự hào

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trong suốt 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, ngành Tài chính đã có những đóng góp quan trọng cùng tỉnh nhà và cả nước đi đến thắng lợi cuối cùng. Sau ngày đất nước thống nhất, ngành Tài chính tiếp tục có sự trưởng thành lớn mạnh không ngừng, luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần đắc lực vào sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. 
Đóng góp quan trọng vào thắng lợi của 2 cuộc kháng chiến
Gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của ngành Tài chính Việt Nam, ở Gia Lai, sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, tình hình kinh tế-tài chính gặp rất nhiều khó khăn, cán bộ cách mạng thiếu, lại phải tự túc hoạt động. Ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, người dân thiếu gạo, thiếu muối... trầm trọng. Trong hoàn cảnh đó, ngay từ tháng 10-1945, Ty Kinh tế-Tiếp tế tỉnh (tiền thân của ngành Tài chính) đã được thành lập. Sau khi ra đời, Ty sớm đề ra những biện pháp tích cực để thực hiện cuộc vận động sản xuất và tiết kiệm, chăm lo đời sống nhân dân; phát động nông dân tăng gia sản xuất, công nhân trong các đồn điền khôi phục sản xuất, tăng năng suất lao động để tạo ra hàng hóa; tổ chức quyên góp cứu tế, ủng hộ bộ đội; đồng thời cùng Mặt trận Việt Minh, Ban cứu tế các cấp và các Hội cứu quốc tham gia các phong trào “Hũ gạo cứu đói”, “Ngày đồng tâm nhịn đói”, “Nhường cơm xẻ áo”... Với truyền thống yêu nước, niềm tin vào Đảng, Chính phủ và Bác Hồ, nhân dân trong tỉnh đã hăng hái hưởng ứng cùng cả nước vượt qua giai đoạn vô cùng khó khăn về kinh tế-tài chính, bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp khi chúng quay lại xâm lược nước ta lần thứ hai.
Suốt 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, trong điều kiện của một tỉnh miền núi rất khó khăn, thực hiện chỉ đạo của Đảng bộ tỉnh, ngành Kinh-Tài tỉnh Gia Lai (có thời gian là tỉnh Gia Kon) luôn chú trọng tuyên truyền, vận động nhân dân các dân tộc đẩy mạnh tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế bằng nhiều hình thức; thực hiện “thực túc binh cường”, thực hành tiết kiệm, tổ chức hợp tác xã thu mua, tiếp tế, tiêu thụ sản phẩm, cung cấp giống, nông cụ, muối… từng bước đáp ứng được nhiệm vụ đảm bảo nguồn kinh phí hoạt động của Đảng bộ tỉnh, tiếp tế tại chỗ cho toàn dân và lực lượng kháng chiến, cải thiện đời sống nhân dân. Những nỗ lực của đội ngũ cán bộ kinh tế-tài chính từ tỉnh đến cơ sở và tinh thần vượt qua khó khăn, gian khổ của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trong thời kỳ này đã góp phần cùng cả nước làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Các đại biểu tham dự buổi nghiệm thu cuốn sách “Biên soạn lịch sử 75 năm ngành Tài chính tỉnh Gia Lai (1945-2020)” chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: N.D
Các đại biểu tham dự buổi nghiệm thu cuốn sách “Biên soạn lịch sử 75 năm ngành Tài chính tỉnh Gia Lai (1945-2020)” chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: N.D
Sau đó không lâu, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước lại bắt đầu. Trước yêu cầu nhiệm vụ mới, tháng 9-1960, Ban Kinh tài tỉnh được thành lập, là cơ quan trực thuộc Tỉnh ủy, có nhiệm vụ chuyên lo vấn đề kinh tế-tài chính và chỉ đạo công tác sản xuất, chăm lo đời sống cho cán bộ, bộ đội, du kích và nhân dân. Năm 1961, Ban Kinh tài tỉnh đã thành lập các tiểu ban chuyên trách như: Tài mậu, Sản xuất, Lương thực. Ngay từ khi mới ra đời, Ban Kinh tài đã tham mưu cho tỉnh phát động phong trào đóng góp nhân-tài-vật lực nhằm phục vụ nhu cầu về lương thực nuôi quân, nhu yếu phẩm, quân trang… và được nhân dân ở các làng, xã nhiệt tình hưởng ứng. Sản xuất lương thực trong vùng căn cứ ngày càng phát triển, đời sống người dân ngày một ổn định, đồng bào hăng hái thực hiện nghĩa vụ đóng góp lương thực, mức đóng góp hàng năm của nhân dân trong tỉnh ngày một tăng góp phần giải quyết nguồn lương thực tại chỗ cho cán bộ, bộ đội và nhân dân, đảm bảo và vượt mức đóng góp nghĩa vụ hàng năm cho tỉnh.
Trong những năm cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhu cầu về kinh tế, tài chính ngày càng cao nhằm đáp ứng kịp thời những nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh. Nguồn tiền và hàng hóa từ miền Bắc chi viện vào chiến trường ngày càng tăng. Từ đây, ngành Tài chính tỉnh có thêm nguồn thu, đặc biệt là từ Khu 5 chuyển về. Trong công tác quản lý tài chính và ngân sách, tỉnh chủ trương tự lực cánh sinh, tăng cường thống nhất quản lý thật chặt chẽ ngân sách, tăng thu, tiết kiệm chi, chấp hành đầy đủ các nguyên tắc tài chính đảm bảo chính sách, chế độ kịp thời để thực hiện nhiệm vụ chiến đấu, phục vụ chiến đấu. Những đóng góp to lớn của ngành Tài chính trong giai đoạn này đã góp phần quan trọng để giải phóng tỉnh và cùng cả nước làm nên chiến thắng lịch sử ngày 30-4-1975.
Ghi nhận những thành tích của ngành Tài chính tỉnh Gia Lai, 45 năm qua, Đảng, Nhà nước đã tặng 2 Huân chương Giải phóng hạng nhì, hạng ba, 1 Huân chương Giải phóng hạng nhất, 2 Huân chương Lao động hạng ba; Chính phủ, Bộ Tài chính, UBND tỉnh đã tặng nhiều cờ thi đua xuất sắc, nhiều bằng khen, nhiều huy chương vì sự nghiệp Tài chính Việt Nam, tặng danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, cấp ngành cho nhiều cán bộ. Đặc biệt, liên tục các năm 2014, 2015, 2016, 2017, 2018, Sở Tài chính được Bộ Tài chính tặng cờ thi đua vì có thành tích tiêu biểu, xuất sắc dẫn đầu phong trào thi đua ngành Tài chính; UBND tỉnh tặng cờ thi đua xuất sắc. Năm 2019, Sở được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng nhì và Chính phủ tặng cờ thi đua xuất sắc vì có thành tích dẫn đầu trong phong trào thi đua yêu nước của tỉnh Gia Lai.   
Đảm bảo thu chi ngân sách phục vụ phát triển kinh tế-xã hội
Sau ngày giải phóng, trải qua các thời kỳ phát triển, hệ thống tài chính địa phương đã từng bước được thay đổi phù hợp với tình hình. Đến nay, ngành Tài chính tỉnh đã có một hệ thống các cơ quan gồm: Sở Tài chính, Thuế, Kho bạc, Hải quan và Chi cục Dự trữ Nhà nước. Chức năng của ngành đã được tăng cường, bao quát các hoạt động quản lý thu chi ngân sách, đầu tư, tài sản công, doanh nghiệp, xuất nhập khẩu… Bộ máy tài chính địa phương đã được mở rộng đến 17 huyện, thị xã, thành phố và 220 xã, phường, thị trấn; đội ngũ cán bộ, công chức ngày càng tăng cường và có trình độ cao, đáp ứng yêu cầu đổi mới, hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng 4.0.
Một mốc son đáng ghi nhận là từ năm 1986, khi cả nước bước vào thời kỳ đổi mới, ngành Tài chính tỉnh Gia Lai-Kon Tum đã có nhiều chuyển biến và không ngừng lớn mạnh, chuyển từ cơ chế tập trung, quan liêu bao cấp sang đáp ứng yêu cầu cải cách kinh tế, phát triển kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Năm 1991, tỉnh Gia Lai-Kon Tum được chia tách, ngành Tài chính Gia Lai tiếp tục được củng cố và phát triển. Thu chi ngân sách tăng trưởng liên tục với tốc độ nhanh, đặc biệt là từ năm 2000 đến nay. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn giai đoạn 2006-2010 tăng hơn 3,4 lần so với giai đoạn 2001-2005, năm 2000 mới đạt 278 tỷ đồng, đến năm 2010 đạt trên 2.690 tỷ đồng, tăng gấp 9 lần, đứng thứ 2 ở khu vực Tây Nguyên. Năm 2019 đạt 4.556 tỷ đồng. Thu ngân sách nhà nước bình quân hàng năm tăng 9-10%, vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đề ra của cả nhiệm kỳ 2015-2020. Chi ngân sách địa phương giai đoạn 2006-2010 gấp 2,6 lần so với giai đoạn 2001-2005, năm 2000 là 622 tỷ đồng, đến năm 2010 đạt trên 4.269 tỷ đồng, tiếp tục thực hiện chuyển dịch cơ cấu chi ngân sách theo hướng tích cực. Năm 2019, chi đầu tư phát triển chiếm trên 23% tổng chi ngân sách địa phương. Chi sự nghiệp giáo dục-đào tạo chiếm 47% tổng chi thường xuyên. Nhờ thực hiện có hiệu quả chủ trương thu hút đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh, huy động các nguồn lực kịp thời cho đầu tư phát triển, tiềm lực tài chính địa phương ngày càng lớn mạnh đã đóng góp vào tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững an ninh chính trị trên địa bàn; cơ sở hạ tầng ở vùng đô thị, vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa được cải thiện đáng kể. Đặc biệt, từ sau năm 2010, ngành Tài chính đã chủ động tham mưu đề xuất Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh tập trung các nguồn lực để tạo ra bứt phá, thực hiện công cuộc xóa đói giảm nghèo, chương trình xây dựng nông thôn mới và giải quyết các vấn đề bức xúc của xã hội. Đến nay, Gia Lai đã trở thành tỉnh có số thu lớn, đạt mức 5.000 tỷ đồng; TP. Pleiku đã trở thành đô thị loại I, thị xã An Khê, Ayun Pa và huyện Chư Sê là vùng động lực kinh tế của tỉnh; Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh đã đi vào hoạt động, nối liền Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam.
Đạt được những thành tựu nói trên trong hơn 45 năm qua, ngành Tài chính đã thấm nhuần tư tưởng của Bác Hồ về cách mạng, về độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, kiên trì, bền bỉ, hăng hái thi đua, vượt qua khó khăn, lao động sáng tạo để thực hiện thắng lợi đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về đổi mới quản lý kinh tế, tài chính. Đã tuân thủ triệt để phương châm tự lực tự cường, tạo nguồn thu từ phát triển sản xuất là chính, đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển doanh nghiệp; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; biết tranh thủ thời cơ, tận dụng cơ hội để khai thác hợp lý các nguồn lực trong và ngoài tỉnh cho phát triển, thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Cùng với việc phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn tài chính, ngành đã chú trọng công tác kiểm tra, thanh tra, phát hiện kịp thời các sai sót để bổ sung, điều chỉnh các chính sách tài chính, thuế phù hợp. Biết dựa vào dân, bồi dưỡng và động viên tiềm lực trong dân, như Bác Hồ đã dạy “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”, làm cho sự nghiệp tài chính phát triển kịp với sự phát triển và đổi mới của đất nước, luôn là mạch máu của nền kinh tế.
NGUYỄN DŨNG

Có thể bạn quan tâm