Điểm đến Gia Lai

Ngát xanh hòn Bùn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Giữa rẫy nương của người dân thôn Tú Thủy 2 (xã Tú An, thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai), hòn Bùn nhô cao trăm thước, thăm thẳm màu xanh cây rừng. Trải qua bao biến thiên, hòn Bùn vẫn ngát xanh nhờ sự chung tay bảo vệ của người dân và chính quyền địa phương.

Huyền tích hòn Bùn

Trò chuyện cùng tôi, lão nông Phạm Văn Long (71 tuổi, thôn Tú Thủy 2) kể: “Nơi đó được người dân trong vùng gọi là hòn Bùn, cách chừng vài trăm bước là hòn Đế. Năm 1963, cha mẹ đưa anh em chúng tôi từ Bình Định lên đây sinh sống đã thấy người dân trong vùng gọi như thế rồi. Chúng tôi cũng từng nghe bà con kể về sự tích này. Chuyện là, ngày xưa, có một người đàn ông gánh 2 hòn đất màu xám đi qua chốn này, ngồi nghỉ ngơi rồi đi đâu mất hút, để lại 2 hòn đất. Sau đó, người dân trong làng đặt tên cho 2 hòn đất đó là hòn Bùn và hòn Đế”.

“Hòn Bùn quan trọng như thế nào với dân làng vậy bác?”-tôi hỏi. Ông Long cho hay: “Thuở trước, có con rắn khổng lồ ở trên hòn Bùn, người dân gọi là ông Bồ. Mỗi năm đến dịp thanh minh, ông Bồ thường trườn từ núi xuống hướng về phía sông Ba. Những nơi ông Bồ đi qua, cây cối ngã rạp. Trên núi ấy còn có ông Vượn (con vượn) thường kêu rất to vào dịp thanh minh để báo hiệu chuyển mùa. Những tín hiệu ấy là điềm lành để bà con vào vụ gieo trồng. Vì thế, với người dân trong vùng, đây là đất thiêng. Cứ vào dịp thanh minh, người dân lại về đình Tú An làm lễ cúng các đấng thần linh. Trong khi cúng, chủ tế sẽ mời ông Bồ, ông Vượn trên hòn Bùn về chứng giám, ban cho dân làng mùa màng tốt tươi”.

Hòn Bùn nhìn từ xa. Ảnh: Hoành Sơn

Hòn Bùn nhìn từ xa. Ảnh: Hoành Sơn

Tôi theo chân Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Xuân Toàn và Chủ tịch Hội Nông dân xã Phạm Văn Khánh “mục sở thị” hòn Bùn. Băng qua mấy con đường đất, chúng tôi tấp xe máy vào một gốc cây rồi đi bộ ngược núi. Càng lên cao, cây cối càng chằng chịt với nhiều loại như: bằng lăng, ké, khế, đa, mang mang. Có những cây gỗ to đến 3-4 người ôm. Chim chóc líu lo chuyền cành.

“Ngày trước, vùng này thiêng lắm, bà con trong vùng ít ai đến chỗ này, thi thoảng có đám trẻ con trốn cha mẹ lên đây chơi. Những năm chiến tranh chống Mỹ, du kích và bộ đội tận dụng địa hình phức tạp ở hòn Bùn để hoạt động cách mạng, đánh đuổi ngoại xâm. Khu vực cao nhất của hòn Bùn vẫn còn những dấu tích như vỏ đạn, bi đông hay hốc đá trú ẩn”-anh Khánh chia sẻ.

Giữ màu xanh của rừng

Trải qua bao biến thiên, hòn Bùn vẫn ngát xanh cây rừng. Thành quả đó có được nhờ sự chung tay bảo vệ của người dân và chính quyền địa phương qua các thời kỳ. “Từ trước đến nay, chúng tôi luôn có ý thức bảo vệ cây rừng trên hòn Bùn. Người dân trong vùng chỉ lên đó nhặt cây khô về làm củi, không đốn hạ cây lớn. Nếu phát hiện có trường hợp vi phạm là mọi người sẽ nhắc nhở hoặc báo cho chính quyền xử lý. Dạo trước, có mấy hộ dân ở nơi khác cố tình xâm lấn, phát rừng làm rẫy. Thấy vậy, bà con kéo đến ngăn chặn, không cho họ làm. Mùa nắng nóng, chúng tôi cũng thường lên đó ngồi hóng mát”-ông Long bộc bạch.

Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Xuân Toàn thông tin: “Rừng sát ngay khu vực trung tâm xã và được bảo vệ nghiêm ngặt. Chỉ cần nghe tiếng máy cưa hoặc có đối tượng nghi vấn là bà con gọi điện báo ngay. Có đợt nắng nóng, người đi bắt ong sơ ý gây cháy, người dân cũng tự bảo nhau lên đó để cùng với các lực lượng của xã dập lửa. Ủy ban nhân dân xã cũng giao cho Ban Chỉ huy Quân sự xã chịu trách nhiệm chính trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Chúng tôi đang xem xét phương án giao lại cho Hội Nông dân xã tiếp quản công tác quản lý, bảo vệ rừng theo quy định mới của Nhà nước”.

Một cây rừng có đường kính thân lớn trên hòn Bùn. Ảnh: Hoành Sơn

Một cây rừng có đường kính thân lớn trên hòn Bùn. Ảnh: Hoành Sơn

Còn ông Đỗ Xuân Cường-Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự xã thì cho biết: “Hòn Bùn có diện tích 25 ha. Những năm qua, chúng tôi luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng tại hòn Bùn. Cùng với việc phân công anh em thay phiên tuần tra, túc trực, Ban cũng phối hợp với các lực lượng khác trong xã tuần tra chung nhiều đợt trong năm. Bên cạnh đó, người dân cũng rất tích cực hỗ trợ chúng tôi trong việc giữ màu xanh cho hòn Bùn”.

Có thể bạn quan tâm