Sáng 9/9, tại Trụ sở Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì cuộc họp bàn về việc kết nối, tích hợp chức năng thanh toán của Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì cuộc họp. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN) |
Sáng 9/9, tại Trụ sở Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì cuộc họp bàn về việc kết nối, tích hợp chức năng thanh toán của Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng thông tin, để tiếp tục mở rộng việc tích hợp, cung ứng dịch vụ thanh toán trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia của các ngân hàng thương mại, trung gian thanh toán, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị này tập trung ưu tiên triển khai thực hiện.
Bộ trưởng cho biết, trên thực tế số lượng ngân hàng, trung gian thanh toán tích hợp, cung ứng dịch vụ thanh toán trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia còn khiêm tốn so với số đang hoạt động tại Việt Nam, cần tiếp tục mở rộng để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp trong việc lựa chọn thanh toán trực tuyến. Bộ trưởng nhấn mạnh, trong tháng 9/2020 "phải kết nối hết" các ngân hàng tại Việt Nam.
Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, năm 2020 phải đưa 30% số dịch vụ công cấp độ 3,4 lên Cổng Dịch vụ công quốc gia, do vậy, vấn đề thanh toán các dịch vụ, thủ tục trực tuyến là rất quan trọng, đặc biệt là phải hướng dẫn về dịch vụ thanh toán, đối soát, quyết toán giữa các cơ quan. Thủ tục hành chính được tích hợp đến đâu, việc thanh toán, chi trả phải tích hợp đến đó.
Bộ trưởng cũng nêu thực tế là "Bộ Y tế công bố hoàn thành 100% dịch vụ công trực tuyến mức 4 thuộc thẩm quyền nhưng hầu như không có hồ sơ phát sinh.” Ông yêu cầu, “đưa hồ sơ lên nhưng phải có sự kết nối, chứ không chỉ cát cứ từng khu."
Muốn làm tốt được phải cấu trúc lại quy trình kết nối, chia sẻ; thủ tục phải gọn nhất, nhanh nhất để người dân, doanh nghiệp kết nối thực hiện một cách minh bạch.
Ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ) cho biết, vận hành từ tháng 3/2020, đến nay, đã có 45 địa phương, 7 bộ, ngành và Tập đoàn Điện lực Việt Nam hoàn thành tích hợp, sử dụng Hệ thống thanh toán trực tuyến của Cổng Dịch vụ công quốc gia, 4 ngân hàng và 4 tổ chức trung gian thanh toán hoàn thành tích hợp đảm bảo việc cung ứng dịch vụ thanh toán thông qua tài khoản của 38/46 ngân hàng đang hoạt động tại Việt Nam.
Hiện nay, Cổng Dịch vụ công quốc gia đã cung cấp thanh toán trực tuyến cho việc thu phí, lệ phí và các nghĩa vụ tài chính khác trong thực hiện thủ tục hành chính; đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; nộp phạt xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ; nộp thuế; thu tiền điện.
Sau 6 tháng hoạt động, đến ngày 7/9, đã có hơn 11 nghìn giao dịch thanh toán trực tuyến, trong đó tập trung chủ yếu trong các tháng 7, 8/2020 khoảng 4.000 giao dịch với giá trị khoảng 5 tỷ đồng/tháng.
(Ảnh minh họa: PV/Vietnam+) |
Loại hình thanh toán hiện đang được người dân, doanh nghiệp quan tâm thực hiện nhiều nhất là đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, chiếm khoảng 56%; phí, lệ phí khoảng 23,6%, thu phạt khoảng 18%.
Theo ông Ngô Hải Phan, hiện còn 18 địa phương và 13 bộ, ngành chưa hoàn thành việc thực hiện tích hợp, sử dụng Hệ thống thanh toán trực tuyến của Cổng Dịch vụ công quốc gia theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Đối với các bộ, địa phương đã tích hợp, số lượng thủ tục hành chính được tích hợp để áp dụng thanh toán trực tuyến còn rất thấp (chủ yếu dưới 10 thủ tục hành chính), trong khi đó, ở các bộ, ngành có tới 2.986 trong tổng số 4.039 thủ tục hành chính (chiếm 74%) và ở địa phương có gần 800 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết có yêu cầu phí, lệ phí hoặc nghĩa vụ tài chính khác (chiếm khoảng 40%). Còn một số nhiệm vụ liên quan được Thủ tướng Chính phủ giao thực hiện trong năm 2019, 2020 tại nhưng chưa triển khai như: thanh toán tiền nước, viện phí...
Tại cuộc họp, nhiều vướng mắc đã được các ngân hàng, trung gian thanh toán nêu ra, trong đó có việc phần mềm hỗ trợ tra soát, đối chiếu dữ liệu chưa hoàn thiện. Thời gian qua, Kho bạc Nhà nước đã chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ, ngân hàng, trung gian thanh toán rà soát, hoàn thành danh mục mã loại hình thu, mã, tên đơn vị kho bạc nhà nước, tài khoản phục vụ cho thu tiền xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.
Tuy nhiên, còn các loại hình thu khác nộp vào ngân sách nhà nước, nhất là với phí, lệ phí và nghĩa vụ tài chính trong thực hiện thủ tục hành chính mà tài khoản thụ hưởng là tài khoản của Kho bạc Nhà nước cần có hướng dẫn cụ thể để đảm bảo việc thực hiện thống nhất, hiệu quả.
Đại diện Cục Kế toán nhà nước (Kho bạc Nhà nước) cho biết, đối với dịch vụ thu phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, Kho bạc đã tích cực phối hợp với Cục Cảnh sát giao thông, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Cục Kiểm soát thủ tục hành chính để xây dựng quy trình, danh mục theo hướng thuận lợi cho người dân nhất, làm ít thủ tục nhất nhưng vẫn có thể nộp được tiền.
Việc thu phạt này cơ bản được thực hiện thông suốt, song, hiện mới thực hiện được đối với cơ quan ra quyết định xử phạt ở cấp tỉnh, chưa đến được cấp huyện, nên Kho bạc Nhà nước đang phối hợp với các đơn vị để xử lý vấn đề tồn tại. Bên cạnh đó, hiện có hơn 270 loại phí, lệ phí chưa có mã loại hình thu, điều này cần thống nhất trên toàn quốc.
Tại cuộc họp, đại diện Bộ Y tế cho biết, thời gian tới, Bộ sẽ phối hợp với Cục Khám, chữa bệnh chọn ra một bệnh viện để kết nối thanh toán viện phí trực tuyến thử nghiệm trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, có thể sẽ chọn Bệnh viện Bưu điện, sau đó rút kinh nghiệm triển khai mở rộng.
Hiện nhiều bệnh viện đã thực hiện thu viện phí qua cổng thanh toán của bệnh viện, một số bệnh viện đã triển khai thu qua QR code và thiết bị di động. Có đến 80% hồ sơ thủ tục hành chính của Bộ đã được xử lý trực tuyến, Cục An toàn thực phẩm hầu như không còn hồ sơ giấy.
Không đồng tình với ý kiến của Bộ Y tế, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nêu rõ, là bộ đầu tiên công bố hoàn thành 100% dịch vụ công trực tuyến nhưng một năm chỉ có 665 hồ sơ được thực hiện trực tuyến. Bộ Y tế cũng chỉ mới kết nối được 7 dịch vụ công lên Cổng Dịch vụ công quốc gia.
“Làm trong nội bộ không nghĩa lý gì cả, phải kết nối lên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Vấn đề không phải là đưa lên nhiều dịch vụ công mà điều đáng quan tâm là một thủ tục có bao nhiêu hồ sơ thực hiện. Bộ Y tế có rất nhiều hồ sơ phát sinh, riêng lĩnh vực an toàn thực phẩm lên đến cả triệu hồ sơ mỗi năm,” Bộ trưởng nhấn mạnh.
Ông đề nghị Bộ Y tế chọn bệnh viện lớn để triển khai thí điểm thanh toán trực tuyến viện phí trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, làm cơ sở nhân rộng toàn quốc.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng lưu ý các đơn vị liên quan hoàn thành việc kết nối các ngân hàng, trung gian thanh toán trên Cổng Dịch vụ công quốc gia vào ngày 15/9; Kho bạc Nhà nước có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ hướng dẫn danh mục mã loại hình thu, mã, tên đơn vị kho bạc nhà nước, tài khoản phục vụ việc thu phí, lệ phí và các nghĩa vụ tài chính khác trong thực hiện thủ tục hành chính mà tài khoản thụ hưởng là tài khoản của Kho bạc Nhà nước tại các bộ, ngành, địa phương thống nhất, hiệu quả.
Tổng cục Thuế tiếp tục phối hợp với Văn phòng Chính phủ hoàn thiện nộp thuế trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia để đảm bảo thân thiện, thuận lợi, tăng số lượng người sử dụng.
Các ngân hàng, trung gian thanh toán cần khẩn trương hoàn thành việc bổ sung các nội dung theo yêu cầu kỹ thuật kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia để phục vụ cho việc hỗ trợ tra soát, đối chiếu dữ liệu tự động.
Trên cơ sở kết nối, tích hợp với Cổng Dịch vụ công quốc gia, các ngân hàng, trung gian thanh toán sẽ chỉ phải thực hiện kiểm thử dịch vụ thanh toán đối với các dịch vụ công của bộ, ngành, địa phương, cơ quan để đáp ứng yêu cầu về mặt kỹ thuật mà không phải thực hiện việc ký kết hợp đồng với từng cơ quan, đơn vị cung cấp dịch vụ công như hiện nay.
Chu Thanh Vân (TTXVN/Vietnam+)