Trương Thị Quỳnh Lam, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, chia sẻ: “Thấu hiểu được sự vất vả của mẹ và dành nhiều tình cảm cho mẹ nhưng mình chưa trực tiếp nói những lời chúc mừng mẹ, mà mình thường đăng tấm hình chụp cùng mẹ lên trang cá nhân kèm theo lời chúc mừng”.
Nhiều bạn trẻ ngại nói lời yêu thương đến mẹ |
Nguyễn Như Huỳnh, sinh viên Trường ĐH Kinh tế - luật TP.HCM, nói: “Mẹ lo lắng, chăm sóc mình từng bữa ăn, giấc ngủ, nhưng chưa bao giờ lo được điều gì cho mẹ. Cũng có lúc vì vướng bận thời gian đi học, tài chính chưa cho phép... nên mình đều điện thoại chúc mừng, gửi lời yêu thương mẹ”.
Ngại bày tỏ tình cảm trực tiếp, nhiều người đăng bài lên mạng xã hội để nói lời yêu thương |
Thạc sĩ tâm lý Quang Thị Mộng Chi nhìn nhận khi những bạn trẻ vào tuổi dậy thì thường ngại việc giao tiếp với cha mẹ mà tập trung hơn vào mối quan hệ bạn bè. Lâu dần, việc trực tiếp thể hiện tình cảm với những người thân trong gia đình trở nên ngượng ngùng hơn. Ngoài ra, một số bạn trẻ khi thể hiện tình cảm thì hay bị bà, mẹ hay chị gái ngại ngùng mà nói ngược rằng “vẽ chuyện”, hay một vài câu đùa nào đó thay vì hạnh phúc nhận lời chúc, điều này cũng khiến các bạn trẻ ngại ngùng hơn trong việc thể hiện tình cảm của mình.
Một lời chúc mừng cũng khiến mẹ vui lòng |
Theo thạc sĩ tâm lý Mộng Chi, các bạn trẻ ngại thể hiện tình cảm một cách trực tiếp thì việc gửi lời chúc qua tin nhắn hay bài đăng trên mạng xã hội của người thân cũng là một hình thức thể hiện tình cảm tốt, giúp cho các bạn bớt ngại ngùng hơn, tập dần việc thể hiện tình cảm yêu thương và quan tâm của mình tới bà, mẹ và chị của mình.
“Bạn cần “có tâm” một chút trong việc lựa chọn hình ảnh, câu từ, lời chúc phù hợp với từng người và nên gửi riêng cho từng người. Tránh việc đăng chung chung một bài đăng trên trang cá nhân của mình để chúc chung cho tất cả. Việc sử dụng mạng xã hội để gửi lời chúc tới người thương yêu không hề xấu nếu bắt nguồn từ sự quan tâm và tình yêu thương thực sự, nó chỉ phản cảm khi bài đăng hay lời chúc ấy sáo rỗng, mang tính hình thức và hướng đến bản thân mình chứ không phải dành cho người nhận”, thạc sĩ tâm lý Mộng Chi chia sẻ.