Chính trị

Tin tức

Ngày ấy chúng tôi xây dựng cầu tàu K15

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ông Tạ Duy Tiến- nguyên chiến sĩ của Trung đoàn Công binh 83 kể rằng: Ngày ấy chúng tôi đều là những người lính trẻ, mới nhập ngũ về Trung đoàn 83 Cục Công binh. Năm 1963, đơn vị đang làm nhiệm vụ mở tuyến đường chiến lược Vũ Bản ở Cẩm Thủy (Thanh Hóa) thì Đại đội 7, đơn vị ba nhất của chúng tôi được lệnh nhận nhiệm vụ mới. Tất cả cán bộ, chiến sĩ đều chuẩn bị sẵn sàng chờ ngày lên đường. Đúng ngày giờ quy định, đơn vị hành quân bộ từ khu suối ngang huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa. Mặc dù phải mang vác nặng quân- tư trang lại hành quân xa nhưng mọi người vẫn cố gắng.
Xuống ga Hải Phòng chúng tôi lại tiếp tục hành quân bộ đi về Đồ Sơn. Đồ Sơn ngày ấy khu 3 còn vắng vẻ, hoang sơ lắm. Đây là khu quân sự nên không có dân thường sinh sống. Rồi chúng tôi cũng được biết nhiệm vụ của mình là: Xây dựng một cái cầu tàu. Cấp trên yêu cầu phải khẩn trương hoàn thành công trình trong thời gian ngắn nhất và tuyệt đối giữ bí mật.
Những chiếc cọc còn lại của bến tàu không số năm xưa.
Những chiếc cọc còn lại của bến tàu không số năm xưa.
Cầu tàu được xây dựng trong thung lũng Nghinh Hương dưới chân dãy núi  Đồ Sơn. Nơi đây rất kín đáo, có rừng thông trên đồi cao bao bọc.
Trước đó các đồng chí lãnh đạo của Trung đoàn phải mất nhiều thời gian và tốn nhiều công sức để tìm ra địa điểm xây dựng cầu tàu. Cầu tàu được thiết kế hình chữ T, rộng 6 mét, trục cầu dài 60 mét, phần ngang đầu chữ T có chiều dài 12 mét.
Đầu tháng 5-1964, chúng tôi bắt đầu khởi công công trình. Mọi chi tiết xây dựng cầu đều phải sản xuất gia công tại đơn vị. Việc thi công rất vất vả, gặp nhiều khó khăn do địa chất phức tạp. Mới đầu chúng tôi dùng vồ đóng các cọc loại nhỏ, đóng mãi cọc không xuống được. Lãnh đạo Trung đoàn hội ý: “Chắc do địa chất nơi đây?”. “Phải khảo sát lại địa hình địa chất”. Đồng chí Đinh Đỡi- Đại đội trưởng, xung phong lặn xuống khảo sát từng chân đế cọc. Hóa ra là do chất đất nơi đáy biển... Tìm ra nguyên nhân, chúng tôi vạch ra phương án thi công. Đó là sử dụng vồ đóng cọc loại lớn C245 có sức nén 2 tấn thì cọc mới xuống được. Việc đóng cọc thành công đã trút được nỗi lo trong lãnh đạo và anh em công binh. Ai cũng hăng say làm việc, lao động quên mình, không ngại vất vả, mưa nắng, không quản ngày đêm; đơn vị chia thành ca kíp thi công liên tục. Vì là công trình quan trọng nên đồng chí Hoàng Duy-Tiểu đoàn trưởng trực tiếp chỉ huy đơn vị thi công công trình xây dựng cầu tàu.
Biểu tượng cánh buồm tại cảng K15-cột mốc đầu tiên của đường Hồ Chí Minh trên biển.
Biểu tượng cánh buồm tại cảng K15- cột mốc đầu tiên của đường Hồ Chí Minh trên biển. Ảnh: K.N.B
Sau những ngày lao động vất vả, khẩn trương, chúng tôi ai cũng phấn khởi nhìn cầu tàu đã hoàn thành đúng thời gian quy định. Những trụ cầu bê tông, cốt thép vững chãi, mặt cầu trải rộng, những công đoạn cuối cùng của công trình đã  hoàn tất. Ngày nghiệm thu, kiểm tra công  trình cầu tàu đã được thử tải an toàn trong niềm hân hoan của những người lính làm cầu Trung đoàn 83. Cầu mang ký hiệu K15 đã được bàn giao cho Đoàn 759 và được đánh giá là công trình đảm bảo chất lượng.
Cũng lúc này đế quốc Mỹ đã dựng lên cái gọi là “Sự kiện vịnh Bắc bộ”. Ngày 5-8-1964, Mỹ cho máy bay ném bom đánh phá miền Bắc nước ta gây chiến tranh, tội ác với đồng bào miền Bắc. Ở miền Nam, cuộc đấu tranh đang phát  triển mạnh mẽ, rất cần vũ khí diệt thù.
Cầu tàu K15 được hoàn thành, trở thành nơi xuất phát của hàng trăm lượt chuyến tàu Không số, chở hàng ngàn tấn vũ khí và phương tiện chi viện đắc lực cho chiến trường miền Nam đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.
Gần 50 năm trôi qua, chiến tranh đã lùi về quá khứ, những người lính công binh năm xưa xây dựng cầu tàu K15 đã trở về với cuộc sống đời thường. Những ký ức về một thời oanh liệt hào hùng của những ngày gian khổ nhưng cũng thật vinh quang còn đọng mãi trong ký ức chúng tôi, những người góp một phần công sức để xây dựng lên một cầu tàu, cột mốc số Không, nơi khởi nguồn của đường huyền thoại trên biển mang tên Hồ Chí Minh.
Những cán bộ, chiến sĩ của Đại đội 7, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 83 Công binh trực tiếp xây dựng cầu tàu K15 đến giờ không biết ai còn, ai mất? Trải qua bao năm tháng, cầu tàu không còn được giữ nguyên vẹn nhưng những hàng cọc, dấu tích của K15 vẫn đứng vững trong nắng, mưa, dông bão, trường tồn cùng với dân tộc Việt Nam.
Là những người đã trực tiếp xây dựng công trình có ý nghĩa lịch sử này, chúng tôi ước mong sao cầu tàu K15 được phục hồi lại nguyên trạng để lưu danh cho hôm nay và mai sau.
Quang Tiến 

Có thể bạn quan tâm