(GLO)- Từ các nguồn vốn đầu tư của Nhà nước và sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền địa phương cùng sự cố gắng vươn lên của người dân, diện mạo xã Ia Kênh (TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) đã có nhiều thay đổi, đời sống cư dân ngày một cải thiện.
Chung tay xây dựng nông thôn mới
Năm 2010, xã Ia Kênh bắt tay xây dựng nông thôn mới (NTM). Phong trào xây dựng NTM tại địa phương đã tạo không khí thi đua sôi nổi, người dân phấn khởi, tích cực tham gia với những việc làm thiết thực, hiệu quả như: sửa chữa nhà ở, xóa nhà tạm, nhà dột nát, đóng góp ngày công, kinh phí và tự nguyện di dời hàng rào vào trong, hiến đất làm đường giao thông nông thôn, các công trình công cộng, vệ sinh đường làng, ngõ xóm. Năm 2019, làng Nhao 2 được xã Ia Kênh chọn làm điểm xây dựng làng NTM trong đồng bào dân tộc thiểu số. Già làng Rah Lan Tip cho hay: Được dân tín nhiệm bầu làm già làng, ông luôn trăn trở làm thế nào để giúp cho người dân nâng cao đời sống và cải thiện bộ mặt nông thôn.
“Tôi thường xuyên phối hợp với Ban Nhân dân thôn, Mặt trận và các hội, đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đồng thời, vận động bà con đóng góp ngày công lao động, hiến đất làm đường giao thông nông thôn, xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng. Cùng với đó, mỗi gia đình tự nâng cao ý thức vệ sinh môi trường từ nhà ra ngõ, vệ sinh đường làng, ngõ xóm để môi trường nông thôn xanh-sạch-đẹp. Ngoài ra, tôi cũng hướng dẫn bà con áp dụng khoa học kỹ thuật và mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi để phát triển kinh tế”-ông Tip chia sẻ.
Ông Kpă Pyui làng Nhao 1 (xã Ia Kênh) chăm sóc vườn mía của gia đình. Ảnh: Lê Nam |
Còn ông Rah Lan Yich-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Nhao 2 thì cho hay: Làng có 248 hộ với 1.022 khẩu, trong đó, người dân tộc thiểu số chiếm hơn 80%. Trước đây, khi chưa triển khai chương trình xây dựng NTM, người dân phải đi lại trên những con đường đất. Vào mùa mưa, việc đi lại và vận chuyển hàng hóa gặp không ít khó khăn, vất vả. Điều này đã ảnh hưởng rất nhiều đến phát triển kinh tế của người dân. Sau gần 10 năm xây dựng NTM, hệ thống cơ sở hạ tầng của làng được đầu tư xây dựng khang trang, sạch đẹp với hơn 70% đường giao thông nông thôn đã được trải nhựa hoặc bê tông hóa giúp người dân đi lại, giao thương thuận lợi. Nhà sinh hoạt cộng đồng được xây mới, có sân chơi thể dục thể thao cho người dân sinh hoạt. Cuối năm 2019, làng Nhao 2 được UBND TP. Pleiku công nhận đạt chuẩn làng NTM. Hiện làng còn 2 hộ nghèo (theo tiêu chí mới), thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 40 triệu đồng/năm.
Tương tự, cuối năm 2021, làng Nhao 1 cũng đã được UBND TP. Pleiku công nhận đạt chuẩn làng NTM trong đồng bào dân tộc thiểu số. Ông Puih Byup-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn-cho biết: “Làng Nhao 1 có 199 hộ với 847 khẩu. Đường sá giờ đã được bê tông hóa, cứng hóa giúp người dân đi lại thuận tiện. Đời sống người dân được nâng lên, đa số các hộ dân đều có hệ thống nghe nhìn, điện sinh hoạt và sử dụng nước sạch trong sinh hoạt, 100% trẻ em trong độ tuổi được đến trường và việc chăm sóc sức khỏe cho người dân cũng được đảm bảo”. Để có được kết quả này, theo ông Byup, Chi bộ, Ban Nhân dân thôn, Mặt trận, các hội, đoàn thể và người dân trong làng đã đồng lòng phát huy sức mạnh đoàn kết, chung sức xây dựng quê hương. Nổi bật là người dân hiến hàng ngàn m2 đất, đóng góp được gần 150 triệu đồng và hàng trăm ngày công lao động để sửa chữa, làm mới 9 tuyến đường giao thông với chiều dài hơn 4 km. Ngoài ra, mỗi hộ còn đóng góp 500 ngàn đồng để xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng, chung tay sửa chữa nhà, cổng rào và vệ sinh môi trường.
Làng quê khởi sắc
Xã Ia Kênh có 7 thôn, làng, 953 hộ với 4.283 khẩu, trong đó, người dân tộc thiểu số chiếm 81,4%. Là xã thuần nông, người dân chủ yếu sản xuất nông nghiệp với những cây trồng chính như: 1.137 ha cà phê, 440 ha lúa nước, 23 ha mía, 39 ha cây ăn quả, 25 ha hồ tiêu và một số cây trồng ngắn ngày khác. Ngoài ra, người dân còn phát triển chăn nuôi với khoảng 1.200 con bò, gần 200 con dê, hơn 8.400 con heo và hơn 47 ngàn con gia cầm.
Để nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng một diện tích, người dân Ia Kênh đã mạnh dạn chuyển đổi những diện tích cây trồng kém hiệu quả sang cây mía tím, cây ăn quả… Đến nay, người dân làng Nhao 1 và Nhao 2 đã chuyển đổi hơn 23 ha lúa thường xuyên bị hạn sang trồng mía tím. Ông Rơ Lan Quý (làng Nhao 1) cho hay: “Gia đình tôi có hơn 2 sào đất tại cánh đồng Bầu 4. Những năm trước, tôi trồng lúa nhưng thường xuyên bị thiếu nước nên năng suất không cao, mỗi vụ thu hoạch được 5-7 bao (60-65 kg/bao). Thấy bà con trồng mía cho thu nhập cao, năm 2017, sau khi tham quan, học hỏi kinh nghiệm từ các hộ dân khác trong vùng, tôi chuyển đổi 2 sào ruộng sang trồng mía tím. Mỗi vụ thu hoạch, sau khi trừ chi phí đầu tư, gia đình tôi thu về hơn 40 triệu đồng”.
Một góc làng Nhao 2, xã Ia Kênh. Ảnh: Lê Nam |
Thấy được hiệu quả từ loại cây trồng này, tháng 4-2020, UBND xã Ia Kênh thành lập Nông hội mía Ia Kênh với 39 thành viên. Ông Kpă Pyui-Chủ nhiệm Nông hội-cho hay: “Cây mía tím dễ trồng, ít tốn công chăm sóc, rất phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở địa phương. Năng suất đạt bình quân 65-70 tấn/ha, sau khi trừ chi phí, người dân thu về khoảng 250 triệu đồng/ha. Từ khi trồng cây mía tím đã giúp bà con ổn định kinh tế, vươn lên làm giàu”.
Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền địa phương, Mặt trận, các hội, đoàn thể tích cực triển khai cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”. Đồng thời, hỗ trợ phân bón, cây giống, con giống và hướng dẫn cho các hộ nghèo kỹ thuật trồng trọt, chăm sóc để phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững. Nếu đầu năm 2021, xã còn 7 hộ nghèo, chiếm 0,7% và 25 hộ cận nghèo, chiếm 2,5% thì đến cuối năm 2021, toàn xã còn 1 hộ nghèo. Tuy nhiên, sau khi tiến hành điều tra hộ nghèo giai đoạn 2021-2026 theo tiêu chí mới, hiện tại, xã còn 58 hộ nghèo (chiếm 5,9%), 56 hộ cận nghèo (chiếm 5,8%). Thu nhập bình quân đầu người đạt 41,3 triệu đồng/năm (tăng hơn 13 triệu đồng so với năm 2010); tất cả 7 thôn, làng đạt chuẩn văn hóa và có 889 hộ được công nhận gia đình văn hóa (đạt 95%)...
Trao đổi với P.V, Phó Chủ tịch UBND xã Lê Quang Toản cho biết: Năm 2017, xã Ia Kênh được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM. Đến nay, Ia Kênh có 2 thôn, làng đạt chuẩn NTM. Diện mạo của xã từng bước đổi mới, văn minh hơn, cơ sở hạ tầng thiết yếu được nâng cấp, hệ thống chính trị cơ sở tiếp tục được củng cố, thu nhập và điều kiện sống của người dân được cải thiện và nâng cao. Xã Ia Kênh đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ đạt chuẩn NTM nâng cao.
LÊ NAM