(GLO)- Tết là dịp đoàn tụ gia đình. Ai cũng muốn được đón Tết bên người thân, bạn bè và đặc biệt là trên chính quê hương của mình. Ở nơi đất khách, những người con xa quê cũng có những cách rất riêng để vọng nhớ về ngày Tết nơi cố hương.
Tết đến, xuân về và những ngày lễ lớn của đất nước, ngày giải phóng quê hương… là dịp để bà con “đồng hương” gặp gỡ, hàn huyên, cùng nhau ôn lại truyền thống của quê hương, những kỷ niệm khó phai mờ cũng như thắt chặt sợi dây tình cảm, gắn bó. Hội đồng hương cũng là cầu nối để bà con chia sẻ cho nhau những kinh nghiệm trong lao động, sản xuất, dạy dỗ con cháu, tự nguyện đóng góp quỹ vốn để hỗ trợ người dân địa phương...
Niềm vui của người con xa quê trong ngày giáp Tết là được gặp gỡ đồng hương, chuyện trò về những chuyện cố hương. Ảnh: Lê Quang Hồi |
Như một sự tình cờ hy hữu không hẹn mà gặp, tại nhà anh Lê Trang (xã Ia Sao, huyện Ia Grai), ngoài gia chủ còn có vợ chồng anh Lê Huy Tịnh, Nguyễn Đức Úynh, Lê Bá Chiến Tích, tất cả đều là người Quảng Trị vào Gia Lai lập nghiệp. Không gian ngôi nhà ngập tràn trong câu chuyện về quê hương, gia đình, bạn bè, đặc biệt là những ký ức những ngày đón Tết, vui xuân... Hình ảnh bà con, quê hương cứ tái hiện theo độ dài của thời gian, như những thước phim tự chiếu chậm, chập chờn trong tiềm thức, thực sự xúc động.
Tôi thấy bên khóe mắt của anh Lê Trang ngân ngấn. Cũng như bạn bè, những ký ức của anh ở làng quê ùa về. Từ xã Triệu Trạch (huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) gia đình anh vào Gia Lai lập nghiệp đã hơn 40 năm. Cứ ba, bốn năm, anh lại sắp xếp về quê đón Tết một lần. Vùng đất nơi anh Trang sinh sống có khá nhiều người dân Quảng Trị vào lập nghiệp. Vì thế hàng năm cứ đến mùa cà phê trổ bông là bà con bắt đầu gặp nhau bàn chuyện chuẩn bị Tết Nguyên đán. Đặc biệt, đa số các món ăn ngày Tết đều đậm nét văn hóa ẩm thực Quảng Trị. Năm nay, không khí đón Tết khác hẳn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tuy nhiên, bà con vẫn cố gắng để chuẩn bị mâm cỗ truyền thống tươm tất nhất, thắp hương nhớ về ông bà tổ tiên.
Có lẽ, di cư lên Gia Lai lập nghiệp nhiều nhất là người Bình Định. Chị Nguyễn Thúy ở TP. Pleiku tâm sự: "Tôi ở thị xã Hoài Nhơn (tỉnh Bình Định), gia đình lên đây lập nghiệp đã lâu lắm rồi. Trừ các năm về đón Tết ở quê, gia đình tôi vẫn giữ phong tục bữa cơm gia đình chiều 30, thức đêm chờ đón Giao thừa, cúng ông bà tổ tiên đầu năm mới. Người Bình Định ăn Tết không thể thiếu bánh tét, bánh chưng. Nhưng nhiều loại bánh khác tự tay bà con làm cũng xuất hiện thường xuyên trên mâm cỗ ngày Tết như bánh in, bánh ít lá gai, bánh thuẩn, nem chua và mứt dừa... Anh em tôi từ nhỏ đã được ba mẹ thường xuyên giới thiệu, hướng dẫn, bổ sung nét văn hóa, truyền thống quê hương và liên tục đưa về thăm bà con, làng xóm. Nhờ đó chúng cũng rất tự hào về miền quê “xứ Nẫu”.
Người dân Quảng Trị ở Phố núi Pleiku gói bánh chuẩn bị đón năm mới. Ảnh: Lê Quang Hồi |
Tha hương, nên mỗi người con từ các vùng quê hội tụ ở Gia Lai đã mang "văn hóa Tết" của quê mình, nhà mình để lập tụ. Bà con sinh sống ở Gia Lai vẫn luôn thể hiện bóng dáng quê nhà qua tình cảm, cuộc sống và hương vị Tết. Anh Lê Văn Hạnh (xã Vĩnh Giang, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) vào Gia Lai lập nghiệp từ năm 1987 chia sẻ: Xa quê đã lâu, nhưng trong tâm trí tôi lúc nào cũng nhớ về quê cha đất tổ, nhất là những ngày Tết đến. Làm sao quên được lúc cả nhà ngồi gói bánh đòn, làm bánh bột lọc, bánh in… Mạ (mẹ) thì rửa lá, cha chuẩn bị nếp, đậu, thịt. Không khí Tết se se lạnh, cả nhà ngồi quây quần bên nồi bánh, nghe ông kể chuyện gia đình, dòng tộc, làng xóm. Nhớ cây mai trước ngõ bông vàng khoe trong nắng xuân, nhớ bữa cơm gia đình ngày đầu năm, nhớ cha mạ lúc nào cũng nói ăn no rồi các con ăn đi... Cái cảm giác nôn nao đến lạ thường, muốn về thật nhanh để cùng gia đình đón Tết, rồi đi thăm, chúc Tết bà con, bạn bè…”.
Cùng tâm trạng, ông Phạm Văn Bình ở Hội Phú xúc động: “Tôi sinh ra ở Long Yên, xã Bình Long, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi), nhưng vào đây lập nghiệp đã hơn 20 năm rồi. Được ăn Tết trên chính nơi mình sinh ra thì không gì vui sướng bằng. Tiếng gà ở quê nhà nghe cũng khác nơi đất khách quê người, nồi bánh chưng mẹ nấu, món dưa kiệu (quê tôi nổi tiếng trồng kiệu) ba làm, nồi cá chị kho vào cái đêm năm cùng tháng tận bao giờ cũng ngon và rặt mùi hương quê. Đặc biệt, sống ở làng quê, được hít thở không khí đón Giao thừa ở quê nó mang lại cho ta cái cảm giác thứ gì cũng ngon, cái gì cũng đẹp là thế.
Nỗi nhớ quê vẫn luôn thường trực, đặc biệt trỗi dậy trong mỗi người con xa xứ khi đến Tết. Năm nay do dịch bệnh, nhiều gia đình ở lại đón Tết tại quê hương thứ hai, khẽ gửi niềm thương nhớ, mong cầu năm bình an cho mọi nhà, mọi người nơi cố hương.
LÊ QUANG HỒI