(GLO)- Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh có 37 viên chức và người lao động. Trong số này có 12 cô phụ trách chăm sóc trực tiếp cho 131 trẻ mồ côi, người tâm thần, trẻ khuyết tật và người già. Công việc vô cùng vất vả, nếu không vì tình thương, đồng cảm và sẻ chia thì rất khó gắn bó lâu dài.
Nghề đặc biệt
Bà Tạ Thị Anh Đào-Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh-cho biết: Trung tâm đang chăm sóc 131 đối tượng gồm: 54 trẻ mồ côi (3 trẻ dưới 3 tuổi), 7 trẻ khuyết tật, 35 người tâm thần và 35 người già (10 người già nằm một chỗ, không tự chăm sóc được). Việc quản lý, chăm sóc các đối tượng rất vất vả vì nhiều trường hợp phải chăm sóc toàn diện từ bữa ăn, giấc ngủ đến chuyện vệ sinh cá nhân.
Những người trực tiếp chăm sóc ngoài cái tâm dành cho người kém may mắn, họ còn được trang bị kỹ năng chăm sóc, kiến thức chuyên môn nhất định. “Trung tâm hiện có 12 nhân viên nữ chăm sóc trực tiếp cho các đối tượng, trong đó, 6 cô phụ trách quản lý, chăm sóc trẻ mồ côi, trẻ khuyết tật và 6 cô chăm sóc đối tượng tâm thần, người già. Vất vả nhất là các chị phụ trách chăm sóc đối tượng tâm thần vì nhiều lúc họ lên cơn trong vô thức không làm chủ được bản thân. Các viên chức, người lao động tại Trung tâm thường xuyên hỗ trợ, chia sẻ với các cô để giảm bớt áp lực công việc. Chúng tôi còn nhờ những người có chuyên môn huấn luyện cho các cô một số kỹ năng để tự bảo vệ bản thân trong quá trình chăm sóc các đối tượng tâm thần”-bà Đào cho biết.
Chị Phạm Thị Huệ (nhà số 4, Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh) giúp trẻ tại nhà chung học tập trong dịp hè. Ảnh: Như Nguyện |
Gắn bó với Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh 10 năm nay, chị Phạm Thị Huệ (nhà số 4, phụ trách chăm sóc 20 trẻ mồ côi) đã có một khoảng thời gian khó khăn để thích ứng với công việc. Chị kể: Khi vào làm việc, chị xác định sẽ vất vả nên luôn cố gắng để chăm sóc tốt nhất cho các cháu. Chị và một chị nữa phụ trách chăm sóc trẻ, mỗi em mỗi tính cách, phải luôn quan sát, theo dõi nắm bắt tâm lý để có cách giáo dục phù hợp, nhất là với các em đang tuổi dậy thì. “Các em thiệt thòi, thiếu tình thương và sự chăm sóc của cha mẹ. Vì vậy, chúng tôi luôn quan tâm chăm sóc và xem như con cái trong gia đình. Cảm nhận điều đó nên các em hợp tác tốt với các cô, có điều gì vướng mắc đều tâm sự, nói ra để cùng giải quyết”-chị Huệ chia sẻ.
Nhờ sự chăm sóc của các cô nuôi, nhiều trẻ mồ côi dần vượt qua sự mặc cảm, tự ti để hòa đồng với tập thể. Em Kpuih Tri (17 tuổi, nhà số 4) bộc bạch: “Con vào Trung tâm đã được 8 năm. Con được các cô quan tâm chăm sóc rất tận tình, chu đáo nên con xem các cô như người thân trong gia đình. Có chuyện vui buồn gì con cũng đều tâm sự với các cô”.
Nỗ lực vượt khó
Theo bà Đào, việc chăm sóc người già, người tâm thần vô cùng vất vả. Người già nhiều lúc trái tính trái nết, không ưng việc gì là bất hợp tác thậm chí la mắng, quát tháo các cô nuôi. Với người tâm thần nhiều lúc lên cơn kích động nhìn người chăm sóc thành ra kẻ thù nên rượt đánh… Dẫu vậy, bằng cái tâm, bằng tình yêu thương, các cô nuôi vẫn nhẫn nại, trách nhiệm và hết lòng chăm sóc họ.
Chị Trần Thị Thùy Linh-Phụ trách khu chăm sóc người già, người tâm thần-cho hay: Tốt nghiệp đại học chuyên ngành Công tác xã hội tại TP. Hồ Chí Minh, năm 2013, chị về làm việc tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh. Việc nhiều, vất vả, nặng nhọc nhưng lương hàng tháng chỉ hơn 3 triệu đồng. Dẫu vậy, chị tâm niệm còn sức khỏe là còn gắn bó với công việc, bởi muốn chia sẻ, giúp đỡ những phận đời kém may mắn. “Khu tôi phụ trách có 10 cụ già nằm một chỗ phải chăm sóc toàn diện từ việc ăn uống đến vệ sinh cá nhân. Người già nhiều lúc rất khó chiều, có cụ ăn ít quá mình cố ép ăn thêm thì bị mắng, có cụ còn phun cả thức ăn vào người. Hay lúc tắm rửa, các cụ không vừa lòng là hất cả nước bẩn vào mặt. Đối với các đối tượng tâm thần, khi vào khu vực này, chúng tôi phải chia người canh cửa phòng khi có tình huống bị rượt đánh. Một số người làm việc tại đây đã không thể gắn bó lâu dài vì không chịu được vất vả, cực nhọc”-chị Linh kể.
Bà Tạ Thị Anh Đào-Giám đốc Trung tâm Bảo trợ Xã hội tổng hợp tỉnh Gia Lai (ngoài cùng bên trái) thăm hỏi, động viên các cụ già tại trung tâm. Ảnh: Như Nguyện |
Cảm nhận được sự đối đãi chân thành của các cô nuôi, nhiều người già đã vơi bớt nỗi buồn, chung sống an vui, ấm áp dưới mái nhà chung. Ông Nguyễn Thìn (82 tuổi) vào Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh từ năm 2008 đến nay. Quê ông ở xã Cửu An, thị xã An Khê. Nhà chỉ có 2 mẹ con, lúc mẹ mất do quá khó khăn, không có tiền lo ma chay nên ông phải bán nhà. “Vào đây được chăm sóc chu đáo, ốm đau có người đưa đi thăm khám, các cô quan tâm thăm hỏi thường xuyên xem như người thân trong nhà nên cũng được an ủi tuổi già”-ông Thìn nói.
Nhận xét về bộ phận chăm sóc trực tiếp các đối tượng, Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh cho biết: Người ta có câu “đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ”, muốn biết các cô làm việc ra sao cứ hỏi các trẻ mồ côi, các cụ già nơi đây là biết. 5 năm đảm nhận chức vụ Giám đốc Trung tâm, bà chưa nghe điều tiếng, phàn nàn gì về thái độ chăm sóc của các cô nuôi. “Tuy nhiên, 12 cô trực tiếp chăm sóc các đối tượng hiện nay chỉ mới là lao động hợp đồng, ngoài lương không có chế độ phụ cấp nào khác. Sắp tới, Trung tâm có 14 chỉ tiêu viên chức, tôi mong ngành chức năng quan tâm xét tuyển dụng để họ yên tâm làm việc lâu dài”-bà Đào kiến nghị.
NHƯ NGUYỆN