TN - Đất & Người

Nghề khảm trai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đồ dùng khảm trai tinh xảo xưa kia vốn chỉ dành cho những gia đình vương giả, giàu có. Đây là nghề thủ công truyền thống lâu đời của Việt Nam, có gốc gác từ đồng bằng Bắc bộ. Hiện được những người thợ khảm tài hoa đưa nghề thủ công này vào An Khê và “bình dân hóa” thú chơi xưa kia vốn chỉ dành cho nhà giàu.

Bắt gặp những đồ dùng khảm trai như chiếc bình đựng trà, bức tranh gỗ treo tường hay trên những bộ ghế gỗ trong một cửa hàng đồ gỗ ở An Khê với giá ai cũng có thể mua được, nhiều người không khỏi bâng khuâng. Không chỉ là đồ vật thông thường, đồ khảm trai làm người ta nhớ lại một thời kỳ mà thú chơi đồ khảm được xem là xa hoa.

 

Cưa và mài vỏ trai-một trong rất nhiều công đoạn để khảm lên gỗ. Ảnh: H.N
Cưa và mài vỏ trai-một trong rất nhiều công đoạn để khảm lên gỗ. Ảnh: H.N

Tạo hình từ vỏ trai, vỏ ốc

Sinh ra ở làng nghề Chuyên Mỹ (huyện Phú Xuyên, Hà Nội)-làng nghề khảm trai lâu đời, nổi tiếng khắp cả nước, anh Nguyễn Văn Trịnh-số 90 đường Hoàng Hoa Thám (thị xã An Khê) dường như mang cả tinh hoa của nghề khảm khi tiếp tục nghề truyền thống trên đất An Khê. Nhìn người thợ tỉ mẩn ngồi cưa miếng trai thành những họa tiết nhỏ li ti để gắn lên đồ gỗ mới thấy nghề khảm cần sự khéo léo, kiên trì và cả sự sáng tạo không ngừng. Anh Trịnh cho biết đã gắn bó với nghề truyền thống được gần 20 năm. Tuy mới vào An Khê làm ăn sinh sống 5-7 năm trở lại đây nhưng tay nghề của anh đã được giới sành chơi biết tiếng.  

 

Anh Nguyễn Văn Trịnh: “Để cho ra một bức khảm đẹp, có rất nhiều công đoạn: Đầu tiên phải tạo hình cho bức khảm; cưa, mài vỏ trai hoặc vỏ ốc thành từng miếng để ghép vừa vào bức tranh. Sau đó khoét gỗ rồi gắn các miếng trai, ốc cho phẳng với mặt gỗ, gắn keo và sau đó mài sạch, đánh bóng. Khó nhất là ở những chi tiết tạo hình chân dung, tà áo dài, những cánh hoa mỏng manh… bởi điều nay đòi hỏi sự mềm mại, trữ tình từ những thứ vô tri như vỏ trai, vỏ ốc”.

Anh Trịnh cho rằng, nghề khảm trai hiện nay đỡ vất vả hơn rất nhiều so với trước đây bởi bỏ qua được khâu sơ chế nguyên liệu. Hiện đã có nơi chuyên sơ chế nguyên liệu để bán ra thị trường. Anh thường đặt mua vỏ ốc, vỏ trai đã được tán phẳng ở các làng nghề ở Hà Nội về cưa, mài để khảm lên tranh mà không cần qua công đoạn xử lý khá phức tạp. Thường 1 kg vỏ trai nguyên liệu có giá khoảng 200 ngàn đồng đến 400 ngàn đồng, các loại ốc có giá 3-4 triệu đồng/kg, còn vỏ ốc loại cực đẹp và hiếm có khi tới 500-600 triệu đồng/kg. Vì thế, một bức khảm đắt hay rẻ tùy thuộc vào nguyên liệu.

Anh Trịnh kể: “Khách hàng của chúng tôi chủ yếu là người Bắc, còn người trong này rất ít chuộng đồ khảm. 2-3 năm trước, rất nhiều người mang bàn ghế đến khảm, khoảng 3 triệu đồng/bộ đối với nguyên liệu là vỏ trai, còn khảm bằng ốc thì vô giá, có khi vài trăm triệu đồng một bộ. Gần đây khách hàng lại thích khảm tranh gỗ treo tường, lốc lịch, bình đựng trà, đồng hồ mỏ neo, khảm lên mình thần tài… Trước đây có một đại gia ở An Khê đã mời hẳn những thợ giỏi ở làng nghề ngoài Hà Nội vào đây khảm chiếc sập tới cả tỷ đồng bằng vỏ ốc biển. Riêng chúng tôi chỉ mới khảm một số đồ thờ, hoành phi, bộ tam sơn bằng vỏ ốc biển có giá vài chục triệu đồng cho một vị khách hàng vào năm ngoái”.

Tái hiện truyền thống văn hóa

Họa tiết trên các bức khảm thường là hoa lá, chim muông, các danh lam thắng cảnh hay những tích cổ trong dân gian. Tùy từng đồ dùng mà các bức khảm có nội dung khá phong phú nhưng đều tái hiện truyền thống văn hóa của người Việt. Vì thế, những bức khảm có giá trị về mặt nghệ thuật, văn hóa rất lớn, đòi hỏi sự tinh tế, khéo léo, cảm thụ tốt của người thợ. Anh Trịnh cho xem sản phẩm mà anh vừa khảm trên một bức tranh gỗ hương treo tường có nội dung “Mục đồng”. Trong tranh là hình ảnh một khóm tre, một người thổi sáo trúc trên lưng chú trâu đang thong dong qua cầu; xa xa dưới chân cầu là chiếc thuyền nan với người ngồi tĩnh tại câu cá; trên trời từng đàn sếu bay về tổ trong ngày sắp tàn… Một bức tranh khảm rất nhỏ nhưng gợi nhớ làng quê mãnh liệt cho người xem. Đó cũng là lý do nhiều người mang sản phẩm gỗ đến khảm thường yêu cầu khảm tranh theo chủ đề họ yêu thích, chẳng hạn khảm một bức tranh ngày mùa, ông già câu cá, tiều phu xuống núi, người chơi cờ…

Hiện những sản phẩm khảm trai không còn là thú chơi dành cho những người có điều kiện kinh tế mà bày bán đại trà tại các quầy lưu niệm, cửa hàng bán đồ gỗ. Ở An Khê, một chiếc bình đựng trà bằng gỗ khảm trai có giá khoảng 200 ngàn đồng đến 250 ngàn đồng, các sản phẩm khác có giá cũng chỉ vài trăm ngàn đồng đến vài triệu đồng.

Hoàng Ngọc

Có thể bạn quan tâm