TN - Đất & Người

Nghệ nhân Siu Long "truyền lửa" đam mê

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Không chỉ biết đánh chiêng, chế tác các nhạc cụ dân tộc mà nghệ nhân Siu Long (làng Goòng, xã Ia Púch, huyện Chư Prông, Gia Lai) còn đang ngày đêm truyền dạy cho thanh-thiếu niên trong làng cách sử dụng những loại nhạc cụ ấy.
Nói về nghệ nhân Siu Long, ông Lê Văn Tuấn-Chủ tịch UBND xã Ia Púch-khái quát: 15 tuổi biết đánh chiêng, 30 tuổi biết làm các nhạc cụ truyền thống của dân tộc; không những thế, ông còn miệt mài truyền ngọn lửa đam mê của mình cho các thế hệ sau. Nghệ nhân Siu Long cũng là người tích cực tham gia biểu diễn cồng chiêng và các loại nhạc cụ trong những lễ hội của làng, xã...
 Nghệ nhân Siu Long. Ảnh: T.T
Nghệ nhân Siu Long. Ảnh: T.T
Không khó tìm đường đến nhà nghệ nhân Siu Long bởi nhà ông nằm ven đường liên xã và luôn vọng ra thanh âm của tiếng đàn, tiếng chiêng trầm bổng. Vừa bước vào chúng tôi đã thấy rất nhiều nhạc cụ của dân tộc Jrai được bày ra giữa nhà, cạnh đó là một người đàn ông có dáng người nhỏ bé đang ngồi chỉnh lại từng chiếc chiêng. Ông chính là nghệ nhân Siu Long. “Mình chỉnh lại dàn chiêng và mấy chiếc đàn để tối nay tập cho lũ nhỏ trong làng biểu diễn mừng năm mới”-ông Siu Long cho hay.
Năm nay đã bước qua mùa rẫy thứ 75 nhưng trông nghệ nhân Siu Long rất khỏe khoắn, đôi tay tuy chai sạn vì việc nương rẫy nhưng khi chế tác các nhạc cụ và biểu diễn thì trông rất mềm mại, điêu luyện. Nói về cái duyên đến với các nhạc cụ dân tộc, ông chia sẻ: “Mình biết đánh chiêng từ nhỏ, lớn lên thì tham gia bộ đội, sau đó xuất ngũ về làm Phó Bí thư Đảng ủy xã 2 nhiệm kỳ, rồi làm Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã. Giờ về hưu mình vẫn tham gia Ban Công tác Mặt trận của làng. Những năm còn làm cán bộ xã, ban ngày bận công tác, tối đến nếu có lễ hội thì mình lại đến các làng đánh chiêng, đánh đàn, không thì ở nhà làm đàn. Mình bắt đầu học cách làm đàn lúc 30 tuổi”. Theo nghệ nhân Siu Long, việc chế tác nhạc cụ phải có niềm đam mê thực thụ, có sự am hiểu về đặc tính của nhạc cụ đó cũng như cách chế tác. Nguyên liệu chủ yếu để làm nên các nhạc cụ truyền thống của người Jrai thường là ống nứa, quả bầu, sáp ong, nhựa thông... Ống nứa phải lấy loại không quá già và cũng không quá non; quả bầu phải là giống bầu truyền thống do bà con trong làng tự trồng, khi làm phải chọn những quả to, có độ già vừa đủ và được để khô tự nhiên. Đến nay, ông đã chế tác được hơn 30 bộ nhạc cụ truyền thống của người Jrai, chủ yếu để tặng những người thân quen trong làng chứ ít khi bán.
Không chỉ đam mê chế tác các loại nhạc cụ, nghệ nhân Siu Long còn đem ngọn lửa đam mê của mình truyền lại cho các thế hệ sau. Ông cho biết: “Mình muốn lũ trẻ trong làng không quên các nhạc cụ truyền thống của dân tộc, vì vậy phải dạy cho chúng học. Đến nay, hơn 10 thanh niên trong làng đã được mình dạy và sử dụng thành thạo một số loại nhạc cụ”. Trong số này có em Rơ Mah Mơi, cháu ngoại của ông, năm nay mới 15 tuổi nhưng đã biết chơi 3 loại đàn và có thể đánh chiêng biểu diễn ở nhiều lễ hội. “Mỗi khi luyện tập, ông tỉ mỉ lắm, không những dạy các em cách đánh cồng chiêng, đánh đàn sao cho hay mà còn chỉ dạy cả phong cách biểu diễn sao cho có hồn và cuốn hút người xem, người nghe nữa”-em Rơ Mah Mơi hồ hởi kể.
Trong câu chuyện với chúng tôi, nghệ nhân Siu Long luôn ý thức sâu sắc tầm quan trọng của việc gìn giữ nét đẹp văn hóa dân tộc mình thông qua các loại nhạc cụ truyền thống. Ông nửa tâm sự, nửa như tự động viên mình: “Mình cũng muốn dạy cho lũ trẻ trong làng học nhưng nhiều đứa không muốn, vì vậy nhiều năm qua cũng chỉ hơn 10 người trong làng học và biết đánh các loại nhạc cụ truyền thống của người Jrai. Nhưng được vậy là cũng vui lắm rồi”.                                                                                   
Thiên Thanh

Có thể bạn quan tâm