TN - Đất & Người

Nghệ thuật chiến tranh trong chiến dịch Đăk Tô-Tân Cảnh năm 1972

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Chiến dịch Đăk Tô-Tân Cảnh của quân và dân ta tập trung vào cứ điểm E42, tức Đăk Tô-Tân Cảnh - căn cứ quân sự mạnh nhất của Quân lực Việt Nam Cộng hòa ở Bắc Tây Nguyên.

 

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước và Trung tướng Khuất Duy Tiến cùng các đồng đội trở lại chiến trường xưa. (Ảnh: Dư Toán/TTXVN)
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước và Trung tướng Khuất Duy Tiến cùng các đồng đội trở lại chiến trường xưa. (Ảnh: Dư Toán/TTXVN)


Chiến dịch Đăk Tô-Tân Cảnh năm 1972 là chiến dịch đặc biệt quan trọng, để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu về nghệ thuật chiến tranh. Đây là chiến dịch mang yếu tố quyết định, buộc đế quốc Mỹ phải xuống nước, làm tiền đề để Hiệp định Paris được ký kết, Mỹ và đồng minh rút khỏi Việt Nam, qua đó tạo điều kiện để quân và dân ta tiến hành Chiến dịch Tây Nguyên và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Chiến dịch Đăk Tô-Tân Cảnh của quân và dân ta tập trung vào cứ điểm E42, tức Đăk Tô-Tân Cảnh. Đây là căn cứ quân sự mạnh nhất của Quân lực Việt Nam Cộng hòa ở Bắc Tây Nguyên, với 28 tiểu đoàn bộ binh, 6 tiểu đoàn pháo binh và 4 tiểu đoàn thiết giáp vào đầu năm 1972. Đây là cứ điểm bảo vệ thị xã Kon Tum của địch ở hướng Bắc.

Chính vì vậy, để tạo thuận lợi cho chiến dịch Bắc Tây Nguyên, Quân giải phóng miền Nam Việt Nam cần giành chiến thắng ở cứ điểm này. Tuy nhiên, trước khi tấn công vào cứ điểm E42, quân đội ta buộc phải giành thắng lợi ở hai điểm cao 1015 (đồi Sạc Ly - Charlie) và 1049 (căn cứ Delta). Hai điểm cao này là những mắt xích trọng yếu của tuyến phòng thủ bảo vệ thị xã Kon Tum và các căn cứ Đăk Tô-Tân Cảnh, Plei Kần và Plei Kleng của địch.

Điểm cao 1015 là một mắt xích trọng yếu của địch trong tuyến phòng thủ dày đặc phía Tây sông Pô Kô, được Tiểu đoàn dù 11, thuộc lực lượng dự bị chiến lược của Quân lực Việt Nam Cộng hòa chốt giữ, với công sự dày đặc, nhiều tầng binh, hỏa lực mạnh, hình thành các cụm chốt vòng cung, hỗ trợ cho nhau. Bên cạnh đó, điểm cao này còn được pháo binh và máy bay chi viện ở mức độ cao.

Trung tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Khuất Duy Tiến, nguyên Sư đoàn trưởng, Sư đoàn 320, nguyên Tư lệnh Quân đoàn 3, nhớ lại sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong chiến dịch Lam Sơn ở Đường 9-Nam Lào năm 1971, các đơn vị của Sư đoàn 320 về dừng chân tại huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh để củng cố, huấn luyện và chờ nhiệm vụ mới.

Sau khi nhận nhiệm vụ cho Chiến dịch Bắc Tây Nguyên, tháng 12/1971, đồng loạt ba Trung đoàn 64, 48, 52 của Sư đoàn 320 hành quân vào Tây Nguyên.

Trung tướng Khuất Duy Tiến, khi đó là Trung tá, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 64 trực tiếp tấn công điểm cao 1015.

“Sư đoàn 320 khi tiến vào Tây Nguyên năm 1972 có 10.350 quân bộ binh và một Trung đoàn pháo binh gồm các lực lượng và các Tiểu đoàn trực thuộc, Trung đoàn của tôi là Trung đoàn 64 có 2.400 quân. Trước đó, ở Chiến dịch Đường 9-Nam Lào, Trung đoàn 64 chúng tôi đã diệt hai Tiểu đoàn bộ binh của quân dù là Tiểu đoàn 6 và Tiểu đoàn 3, ngoài ra còn có Tiểu đoàn pháo của quân dù và diệt toàn bộ cơ quan tham mưu của Lữ dù 3, bắt sống Đại tá Nguyễn Văn Thọ của địch. Vì vậy, khi tình báo địch phát hiện Sư đoàn 320 vào Tây Nguyên đã điều lực lượng dự bị chiến lược ra tăng cường, là một trong những lực lượng tinh nhuệ nhất của Quân lực Việt Nam cộng hòa. Đồng thời, chúng cho máy bay rải truyền đơn với nội dung sẽ nghiền nát Sư đoàn 320,” Trung tướng Khuất Duy Tiến kể.

10 giờ ngày 12/4/1972, Trung đoàn bộ binh 64 dưới sự chỉ huy của Trung tá Khuất Duy Tiến cùng với quân và dân địa phương nổ súng tấn công cứ điểm 1015. Quân địch đã phản kích quyết liệt, tạo ra thế trận giằng co.

Liên tiếp những ngày sau đó, ta bao vây, mở các đợt đột phá dũng mãnh; trong khi đó, địch tử thủ, liên tục kêu gọi máy bay oanh tạc dữ dội vào đội hình của ta. Tuy nhiên, bộ đội ta đã chiến đấu mưu trí, dũng cảm, bắn rơi nhiều máy bay khiến địch hoảng loạn. Sau 4 ngày vây ráp, địch thất thủ, tháo chạy và bị ta chặn các ngả đường truy kích.

13 giờ ngày 15/4/1972, ta làm chủ hoàn toàn điểm cao 1015. Đến 21/4/1972, điểm cao 1049 tiếp tục thuộc về ta.

“Địch ở trên cao, chúng tôi ở dưới thấp đánh lên. Trong quá trình tiếp cận, hành quân từ dưới lên, có 8 đợt B52 địch đánh qua đầu. Chính tôi cũng bị B52 thả bom vào hầm, khiến 3 đồng đội của tôi bị thương. Nghệ thuật chiến tranh ở các điểm cao là phải vây ráp, đánh bằng được, rất ác liệt, nhưng chúng tôi đã rất kiên cường, thiện chiến, bởi vì địch đã tuyên bố sẽ nghiền nát chúng tôi thì chúng tôi sẽ tấn công để xem ai nghiền nát ai. Và cuối cùng, chúng ta đã thắng,” Trung tướng Khuất Duy Tiến chia sẻ.

Chiến thắng Điểm cao 1015-1049 đã đập tan hoàn toàn hệ thống cứ điểm của địch ở bờ Tây sông Pô Kô, phá vỡ thế trận phòng ngự của địch ở khu vực Bắc Tây Nguyên. Sau khi giành chiến thắng ở hai điểm cao 1015 và 1049, các lực lượng của Sư đoàn 320 cùng các lực lượng khác tấn công “mắt xích” cuối cùng là cứ điểm E42 Đăk Tô-Tân Cảnh. Đến 24/4/1972, Đăk Tô-Tân Cảnh được giải phóng.


 

 Trung tướng Nguyễn Quốc Thước và Trung tướng Khuất Duy Tiến trong niềm vui gặp lại các đồng đội. (Ảnh: Dư Toán/TTXVN)
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước và Trung tướng Khuất Duy Tiến trong niềm vui gặp lại các đồng đội. (Ảnh: Dư Toán/TTXVN)


Theo Trung tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Quốc Thước, nguyên Tư lệnh Quân đoàn 3, nguyên Tư lệnh Quân khu 4, chiến dịch Đăk Tô-Tân Cảnh là trận đầu tiên trên chiến trường Tây Nguyên. Ta sử dụng lực lượng tương đương một quân đoàn đó là Sư đoàn 320 và Sư đoàn 2. Ngoài ra còn có 4 trung đoàn độc lập của Tây Nguyên, chưa kể lực lượng địa phương. Địch có cả lực lượng Quân đoàn 2 rất mạnh gồm Sư đoàn 22, Sư đoàn 23, một sư đoàn không quân, nhiều trung đoàn thiết giáp nên mạnh hơn ta.

Nhưng lúc bấy giờ, ta kiên quyết, dùng sức mạnh tập trung vào một điểm, khống chế không cho quân viện trợ của địch vào để chúng ta giải phóng một cứ điểm trước.

“Nghệ thuật chiến tranh của ta trong chiến dịch Đăk Tô-Tân Cảnh là ta đã giành chiến thắng ở hai điểm cao 1015-1049 trước, vì đây là hai điểm cao bảo vệ cứ điểm E42. Ngoài ra, quân ta đã dùng hai trung đoàn tổ chức chặn lực lượng của địch chi viện từ Pleiku và Kon Tum lên. Quan trọng nhất là có sự lãnh đạo của Tỉnh ủy và nhân dân Kon Tum đã cùng nhau vùng dậy đấu tranh, tạo ra các đợt nghi binh để quân chủ lực tấn công vào cứ điểm E42,” Trung tướng Nguyễn Quốc Thước phân tích.

Trung tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Quốc Thước nhấn mạnh ý nghĩa giải phóng một phần Kon Tum mà chiến dịch Đăk Tô-Tân Cảnh mang lại chỉ là một phần nhỏ, điều quan trọng nhất là trận đánh này đã đánh dấu bước phát triển mới của lực lượng ta. Bởi lẽ ở chiến dịch Lam Sơn, ta tiêu diệt lượng lớn địch ở Đường 9-Nam Lào, song đó là diệt địch ngoài công sự, tức là dụ địch ra để đánh. Nhưng ở Đăk Tô-Tân Cảnh, ta đã đánh căn cứ của một Sư đoàn 2 trong căn cứ công sự rất vững chắc, lại là căn cứ bàn đạp phòng thủ của địch.

"Điều này cho thấy sự phát triển của quân đội chúng ta, không chỉ là Lam Sơn 1971 mà còn có khả năng tiêu diệt một sư đoàn thiện chiến của địch trong công sự, mở ra triển vọng để năm 1973, Mỹ phải xuống thang, rút đi, tạo sơ hở cho chúng ta tập trung, và tháng 3/1975 chúng ta có chiến dịch Tây Nguyên. Nếu không có thắng lợi 1972 thì chưa có tháng 3/1975, mà chưa có tháng 3/1975, chắc chắn chưa có 30/4/1975," Trung tướng Nguyễn Quốc Thước khẳng định.

Theo Dư Toán (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm