TN - Đất & Người

Nghị lực của chàng trai Jrai khuyết tật

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sau tai nạn giao thông vào năm 2007, do vết thương khá nặng đã buộc anh phải cưa chân trái để giữ mạng sống. Từ một chàng trai khỏe mạnh, trụ cột chính của gia đình anh trở thành người khuyết tật. Không đầu hàng trước nghịch cảnh, anh đã nỗ lực vượt lên số phận tích cực học tập, lao động trở thành người có ích cho gia đình và cộng đồng xã hội. Đó là câu chuyện của anh Rơ Châm Hoanh, sinh năm 1981, hiện đang sống tại bôn Amih Hoan B, xã Ia Hiao, huyện Phú Thiện.
 

 Anh Rơ Châm Hoanh với công việc thợ mộc hàng ngày. Ảnh: H’Yuên
Anh Rơ Châm Hoanh với công việc thợ mộc hàng ngày. Ảnh: H’Yuên

Anh Hoanh là người con trai thứ tư trong gia đình có đến 9 anh chị em. Thấu hiểu hoàn cảnh gia đình khó khăn nên từ lúc nhỏ anh đã tự nguyện ở nhà phụ giúp gia đình làm nương rẫy để chăm lo cho các em đến trường học tập. Đến năm 24 tuổi, anh lập gia đình và ở rể nhà vợ tại bôn Rưng, xã Ia Rbol, thị xã Ayun Pa. Những tưởng cuộc sống gia đình đầm ấm, hạnh phúc được kéo dài thì tai nạn bất ngờ ập đến. Trong một lần đi rừng lấy củi, xe công nông của anh bị hư máy; lúc ấy anh đã mượn tạm xe máy của người quen chạy về mua đồ nghề để sửa, đi được một quãng đường thì bất ngờ anh mất tay lái đâm thẳng vào hố sâu, hậu quả là chân trái của anh bị thương nặng mãi đến sáng hôm sau người đi đường mới phát hiện và đưa anh vào bệnh viện. Từ một người đàn ông khỏe mạnh, lành lặn anh buộc chấp nhận mất một chân để tiếp tục sống. Với anh đó là thời khắc lựa chọn khó khăn nhất. Và càng đau đớn hơn khi người vợ mà anh hết mực thương yêu cũng đã rời bỏ anh thay vì thông cảm, làm chỗ dựa tinh thần sau biến cố. “Thời điểm ấy, nếu không có sự động viên, an ủi của bố mẹ, anh chị em trong gia đình thì có lẽ tôi đã buông xuôi tất cả, nhưng nghĩ kỹ bản thân cần lạc quan để sống tốt hơn”-anh chia sẻ.

Vốn dĩ hoạt bát, năng nổ, không thể chịu cảnh ngồi yên một chỗ và lớn hơn là nỗi sợ trở thành gánh nặng cho gia đình, anh nhờ bạn bè tìm chỗ để học nghề với mục tiêu ban đầu để nuôi sống bản thân và sau đó là giúp ích cho gia đình. Năm 2008, anh quyết định lên TP. Pleiku học nghề cơ khí tại một cơ sở tư nhân thuộc phường Trà Bá. Học và làm hơn 2 năm, anh về nhà tiếp tục học thêm nghề mộc với ý định lập nhóm chuyên sửa, làm nhà gỗ. Nhờ khéo tay và trách nhiệm cao với công việc mà anh và người bạn trong nhóm thợ mộc luôn đắt khách đặt làm nhà hoặc sửa nhà. Điều thú vị là khách hàng của anh không chỉ gói gọn trong phạm vi xã, huyện mà còn ở Kon Tum, Đak Lak. Với anh được đi làm xa là cơ hội để tích lũy thêm kinh nghiệm, học hỏi tay nghề từ những thợ ở địa phương khác. Làm nhà đối với thợ bình thường đã vất vả, với trường hợp chỉ còn một chân như anh lại càng khó khăn hơn, nhất là khi di chuyển dụng cụ, vật liệu, lắp ráp gỗ… Nhưng nhờ chịu khó và sự hỗ trợ của bạn thợ nên anh cũng đã thích ứng nhanh, thậm chí hoàn thành tốt công việc. Sự nỗ lực của anh cũng được đền đáp khi được trả công hậu hĩnh với số tiền từ 7 đến 8 triệu đồng/căn nhà. Số tiền công kiếm được không chỉ giúp anh trang trải cuộc sống sinh hoạt cho bản thân mà còn hỗ trợ cho gia đình. Những lúc nhàn rỗi, anh còn tranh thủ phụ giúp gia đình thu hoạch lúa, bắp, sửa chữa chuồng bò,...

Đặc biệt trong năm 2015, nhờ lợi thế về thể lực mà anh được người quen trong làng quan tâm giới thiệu tham gia Giải thể thao người khuyết tật toàn quốc năm 2015 tổ chức tại Đồng Nai. “Tuy chỉ đạt huy chương đồng môn cử tạ song mình cũng rất vui vì đây là lần đầu tiên tham gia giải đấu. Nếu năm sau được chọn thì mình sẽ tiếp tục luyện tập tạ thường xuyên để giành giải cao hơn đem vinh dự cho tỉnh nhà”-anh vui vẻ chia sẻ. Cùng với ước mơ về thành tích thể thao, anh cũng hy vọng bản thân sẽ có thật nhiều sức khỏe, sự động viên, khích lệ của người thân, bạn bè để anh trở thành người có ích cho cộng đồng. Đặc biệt là có thể dành dụm được số tiền lớn lắp chân giả để tiện lợi hơn trong sinh hoạt đời sống hàng ngày.

H’Yuên

Có thể bạn quan tâm